Thực thi cam kết cắt giảm thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do
Trong 2 ngày 26-27/10/2022, Bộ Tài chính phối hợp với Chương trình Cải cách Kinh tế Australia (Aus4ReForm) tổ chức chuỗi hội thảo với chủ đề Đánh giá tác động thực thi cam kết cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam là thành viên của 15 FTA thế hệ mới, là các đối tác chiếm tới hơn 80% tỷ trọng thương mại của Việt Nam.
Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì thực hiện các cam kết về thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong các FTA. Năm 2022 là thời điểm Bộ Tài chính tham mưu, đề xuất và trình Chính phủ ban hành các nghị định, trong đó có các nghị định cam kết về cắt giảm thuế trong các FTA.
Để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền với các thông tin đầy đủ, có các đánh giá về lý luận và thực tiễn của việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan trong các FTA, việc đánh giá tác động của quá trình thực thi các cam kết, xem xét hiệu quả của việc triển khai các văn bản cam kết cắt giảm thuế quan là rất quan trọng để chuẩn bị ban hành các văn bản mới.
Tại hội thảo, chia sẻ những thông tin tổng quan việc thực hiện cam kết thuế xuất nhập khẩu trong các FTA, bà Nguyễn Phương Linh - Trưởng phòng Hợp tác đa phương, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, trong 15 Hiệp định đang thực hiện, có 4 Hiệp định đã hoàn thành cam kết về mở cửa thị trường gồm: ASEAN (năm hoàn thành cam kết mở cửa thị trường là 2018); ASEAN - Trung Quốc (năm hoàn thành cam kết mở cửa thị trường là 2020); ASEAN - Hàn Quốc (năm hoàn thành cam kết mở cửa thị trường là 2021); ASEAN - Australia - New Zealand (năm hoàn thành cam kết mở cửa thị trường là 2022).
Theo bà Nguyễn Phương Linh, đối với Hiệp định ASEAN, đến năm 2018 đã có 98% dòng thuế đã về 0%; đến năm 2020, dòng thuế đã về 0% tại Hiệp định ASEAN - Trung Quốc của phía Việt Nam là 90%, của Trung Quốc là 86%; tỷ lệ dòng thuế đã về 0% của Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc vào năm 2021 là 87% và con số này tại Hiệp định ASEAN - Australia - New Zealand vào năm 2022 là khoảng 90%.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Linh cũng đề cập đến các thông tin về cam kết về mở cửa của các đối tác trong FTA ASEAN, ASEAN +; cam kết của các nước trong CTTPP; cam kết trong hiệp định RCEP, cùng với đó là những thông tin so sánh nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với một số quốc gia; tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa và GDP của Việt Nam; tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của các quốc gia; tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Nghị định biểu thuế FTA giai đoạn 2022-2022 nhằm thực hiện đúng cam kết của Việt Nam tại các FTA/PTA, đảm bảo tính tương thích của Nghị định với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết; bao gồm việc tuân thủ Hiệp định Hải quan ASEAN (Điều 19 Hiệp định Hải quan ASEAN) về việc áp dụng Danh mục AHTN 2022.
Việc xây dựng Nghị định cũng tuân thủ đúng quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016 về thẩm quyền ban hành các Biểu thuế; phù hợp với quy định tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và tuân thủ nguyên tắc xây dựng thuế suất khi chuyển đổi trong các FTA/PTA, đảm bảo lợi ích và bảo lưu cam kết thuế quan của Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Lê Quang Thuận - Chuyên gia của Aus4ReForm cho biết, lộ trình hội nhập của Việt Nam được triển khai đồng bộ, bài bản, độ mở của nền kinh tế Việt Nam là 200% GDP với việc tham gia nhiều hiệp định song phương, đa phương với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Theo ông Thuận, có nhiều yếu tố ảnh hướng đến kết quả thực hiện FTA như: Nhận thức của doanh nghiệp và cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước; Thể chế, khuôn khổ pháp lý, khung chính sách kinh tế vĩ mô trong nước; Năng lực quản lý, điều hành của Chính phủ và công tác quản lý, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; Đặc điểm, trình độ phát triển kinh tế của quốc gia; Khả năng thích ứng của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh; Sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước; Bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và sự điều chỉnh chiến lược, chính sách của các quốc gia.
Với những đánh giá cụ thể về FTA theo từng nhóm đối tác và mặt hàng, TS. Lê Quang Thuận cho rằng, cơ cấu xuất, nhập khẩu chuyển dịch theo hướng tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo, giảm xuất khẩu thô; nhập khẩu chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết phục vụ sản xuất, xuất khẩu và phục vụ các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, điện tử.
Tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần so với GDP. Theo đó, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có độ mở thương mại cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, cán cân thương mại cân bằng và từng bước đạt thặng dư. Tuy vậy, diễn ra mức độ tập trung thương mại cao đối với một số đối tác lớn trong cả hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu (thặng dư cao với Hoa Kỳ, EU; thâm hụt lớn với Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN)...
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc thực thi cam kết cắt giảm thuế quan trong các FTA bao gồm: rà soát việc thực hiện cam kết thuế xuất nhập khẩu trong các FTA; kết quả đánh giá tác động thực thi cam kết thuế quan; khuyến nghị nâng cao hiệu quả thực thi FTA và tận dụng cơ hội FTA mang lại.
Được biết, ngày 27/10/2022, hội thảo sẽ có buổi đào tạo nâng cao hiệu quả thực thi FTA và tận dụng cơ hội FTA về công tác đánh giá tác động thực thi cam kết thuế quan và dự báo tác động việc thực thi cam kết thuế quan trong các FTA thông qua các phương pháp định tính, định lượng.