Bình Thuận:
Thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư các công trình giao thông
Với tổng kế hoạch vốn được giao khá lớn, Ban Quản lý Dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, qua đó phấn đấu đến hết năm 2023 đạt tỷ lệ trên 95%...
Với tổng kế hoạch vốn được giao khá lớn, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (CTGT) đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, qua đó phấn đấu đến hết năm 2023 đạt tỷ lệ trên 95%...
Năm nay, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các CTGT của tỉnh Bình Thuận quản lý điều hành 26 dự án với tổng kế hoạch vốn hơn 1.563 tỷ đồng, trong đó bao gồm: 3 dự án hoàn ứng ngân sách (608,379 tỷ đồng), 3 dự án hoàn thành (523 triệu đồng), 9 dự án chuyển tiếp (897,514 tỷ đồng), 4 dự án khởi công mới (54,298 tỷ đồng), 7 dự án chuẩn bị đầu tư (2,6 tỷ đồng).
Tính đến mốc thời gian 20/9/2023, đơn vị đã giải ngân gần 752 tỷ đồng và đạt 48,1% kế hoạch giao, do vậy trong những tháng “nước rút” cuối năm phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ mới mong đạt yêu cầu đề ra.
Nhất là với nhóm dự án chuyển tiếp chiếm phần lớn trong tổng kế hoạch vốn, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các CTGT sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và dồn lực triển khai thi công để giải ngân kịp tiến độ. Trong đó, dự án làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà, tỉnh Bình Thuận hiện công tác giải phóng mặt bằng còn gặp vướng.
Vì vậy đơn vị kiến nghị các địa phương liên quan (TP. Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam) khẩn trương đẩy nhanh việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai thi công đảm bảo tiến độ. Được biết dự án này có kế hoạch vốn năm 2023 là gần 235 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 20/9 vừa qua đạt xấp xỉ 49 tỷ đồng và dự kiến cuối năm có thể giải ngân tổng cộng hơn 211 tỷ đồng.
Trong khi dự án Đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B) đang được tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao thi công đẩy nhanh tiến độ. Với kế hoạch vốn năm nay là 139 tỷ đồng, Ban QLDA ĐTXD các CTGT sẽ nỗ lực giải ngân đạt tỷ lệ 100% vào cuối năm.
Đối với dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện, tỉnh Bình Thuận cũng được Ban QLDA ĐTXD các CTGT thường xuyên phối hợp với địa phương, ban ngành liên quan trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Dự án có kế hoạch vốn năm 2023 là gần 97 tỷ đồng, đến ngày 20/9 mới giải ngân khoảng 27,7 tỷ đồng nhưng đơn vị chủ đầu tư quyết tâm thúc tiến độ để khi khép lại năm nay đạt gần 90 tỷ đồng…
Thời gian qua, dự án trục ven biển ĐT.719B đoạn Hòn Lan - Tân Hải được đơn vị chủ đầu tư phối hợp chính quyền thị xã La Gi và huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan. Được biết tính đến mốc thời gian 20/9/2023 mới giải ngân 10,445 tỷ đồng, dù vậy Ban QLDA ĐTXD các CTGT dự kiến cuối năm có thể đạt xấp xỉ 239 tỷ đồng trong kế hoạch vốn năm nay là hơn 258 tỷ đồng.
Trong danh sách chuyển tiếp còn có dự án Cầu Văn Thánh, TP. Phan Thiết (khởi công vào cuối tháng 12/2022), gần đây nhà thầu đã xúc tiến tập kết phương tiện, thiết bị, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án có kế hoạch vốn năm 2023 là 70 tỷ đồng, tuy nhiên công tác giải ngân mới được tập trung triển khai trong giai đoạn “nước rút” cuối năm và dự kiến đến ngày 31/12 sẽ đạt tỷ lệ 100%.
Tại địa bàn huyện đảo, dự án Cải tạo đê chắn sóng cảng Phú Quý được triển khai thực hiện từ vốn Trung ương đầu tư theo chương trình Biển Đông - Hải đảo. Với kế hoạch vốn năm nay gần 60 tỷ đồng (vốn năm 2022 kéo dài), dự kiến đến ngày 31/12/2023 có thể giải ngân đạt 54,5 tỷ đồng…
Thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều, thế nên tới đây Ban QLDA ĐTXD các CTGT tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công do đơn vị làm chủ đầu tư. Theo đó với nhóm dự án đang triển khai sẽ chủ động, tích cực phối hợp các bên liên quan trong quá trình thực hiện, nhất là đôn đốc đơn vị thi công đảm bảo tiến độ, có mặt bằng đến đâu thi công đến đó.
Đồng thời tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khối lượng đã thực hiện của dự án và gửi Kho bạc Nhà nước Bình Thuận để thanh toán, giải ngân vốn. Mặt khác cũng thường xuyên rà soát tiến độ, đề xuất điều chuyển, bổ sung vốn, gia hạn tiến độ thực hiện dự án trình cấp thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định… Qua đó không những thúc đẩy tiến độ giải ngân của Ban QLDA ĐTXD các CTGT đến cuối năm đạt trên 95%, mà còn góp phần nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh lên cao.
Đối với các dự án đã được cấp thẩm quyền có văn bản giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đơn vị chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư để trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư theo quy định. Còn những dự án dự kiến khởi công mới thì tập trung hoàn tất các hồ sơ thủ tục để sớm thực hiện công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng triển khai thi công…