Kiểm tra, đôn đốc tiến độ theo tuần để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
Trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án cắt giảm kế hoạch năm 2023 tương ứng kế hoạch đã bố trí cho các dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0%; cắt giảm kế hoạch chưa thực hiện phân bổ; kiểm tra, đôn đốc, kiểm điểm tiến độ theo tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn... là những giải pháp mạnh mẽ được Bộ Tài chính kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.
Giải ngân tăng so với cùng kỳ
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ ước giải ngân 9 tháng đầu năm tổng kế hoạch vốn năm 2023 đạt 47,75% kế hoạch. Trong đó, tính riêng tỷ lệ so với Thủ tướng Chính phủ giao, không bao gồm số kéo dài và địa phương giao tăng đạt 51,38%, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (46,7%).
Có 12/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên 50%. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (69,65%), Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (68,06%), Đồng Tháp (79,36%), Long An (74,98%), Tiền Giang (77,84%). Tuy nhiên, có 29 bộ và 03 địa phương giải ngân được dưới 30% kế hoạch vốn, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%.
Theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), trên cơ sở cuộc họp của các Tổ công tác về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua và tổng hợp theo báo cáo 8 tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, việc giải ngân vốn đầu tư công còn tồn tại một số vướng mắc.
Có thể kể đến vướng mắc trong việc giao đất, chuyển đổi đất rừng tại một số dự án còn phức tạp, mất nhiều thời gian, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Quảng Bình). Hay việc thực hiện các quy định mới về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường (Bộ Y tế, tỉnh Thừa Thiên Huế), một số dự án mang tính chất chuyên ngành phải trình duyệt nhiều bước; các dự án thủy lợi, đê điều có tính đặc thù, công tác thi công có tính thời vụ, thời gian thi công ngắn, vừa thi công, vừa phải đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc khoan đê, cắt đê không thực hiện được trong mùa mưa bão; khan hiếm nguồn nguyên vật liệu, biến động giá nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn vướng mắc do các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu điều chỉnh vốn từ Chương trình phuc hồi và phát triển triển kinh tế với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa thực hiện được do phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; một số địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân...
Xem xét phương án cắt giảm kế hoạch vốn
Vụ trưởng Vụ Đầu tư Dương Bá Đức cho biết, qua báo cáo về tình hình giải ngân nêu trên, có 29 bộ, cơ quan trung ương và 03 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%. Tuy chỉ có 03 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 30% song có 57 địa phương còn tồn tại nhiều dự án giải ngân dưới 10% và 109 dự án tại 41 địa phương chưa thực hiện giải ngân. Nguyên nhân chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện, đối với công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc do đặc thù của từng dự án. Vì vậy, cần phải có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án cắt giảm kế hoạch năm 2023 tương ứng kế hoạch đã bố trí cho các dự án đến hết ngày 31/10/2023 có tỷ lệ giải ngân bằng 0% và cắt giảm kế hoạch đến hết ngày 31/10/2023 chưa thực hiện phân bổ. Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương đánh giá kiểm điểm trách nhiệm cụ thể trong việc phải cắt giảm kế hoạch, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch 2024 đảm bảo sát với khả năng thực hiện.
Riêng đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giải ngân trong thời gian 02 năm (2022-2023), tuy nhiên sau khi hoàn thiện các thủ tục đầu tư (rà soát danh mục, đăng ký, phân bổ vốn đầu tư), thực tế dự án chỉ được giải ngân trong khoảng một năm. Các dự án công nghệ tin thuộc Chương trình có yêu cầu phức tạp về kỹ thuật, về công nghệ, cần phải xin hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trước khi phê duyệt dự án. Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên cho phép dài thời gian thực hiện và giải ngân của các dự án công nghệ thông tin nhằm mục tiêu chuyển đổi số.
Kế hoạch kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2023 là 54.725 tỷ đồng, đến hết tháng 9 tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này khoảng 44,31% (thấp hơn tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trong kế hoạch năm). Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương làm rõ lý do, trách nhiệm trong việc đề xuất việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau nhưng khả năng giải ngân chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương có hướng dẫn về phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn chuẩn bị đầu tư dự án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Văn bản số 7160/VPCP-KTTH ngày 18/9/2023.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương triển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thuộc danh mục dự án được giao; có quyết định điều chỉnh kế hoạch (nếu có nhu cầu) theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, các tổ công tác tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần quyết liệt trong kiểm tra, đôn đốc, kiểm điểm tiến độ theo tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.