Thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Sau 30 năm đổi mới, nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng sáng tỏ hơn.
Kinh tế thị trường phát triển đã góp phần khẳng định: Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam là “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến Đại hội Đảng lần thứ XII, thể chế KTTT định hướng XHCN ngày càng được hoàn thiện và được chứng minh tính đúng đắn.
Từ nước nghèo, thu nhập thấp, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới của nền kinh tế, để đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, Đảng và Nhà nước đang nghiên cứu, xem xét những vấn đề đặt ra để hoàn thiện hơn thể chế KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam.
Trong đó, vai trò kiến tạo của Nhà nước, vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vai trò của kinh tế tư nhân (KTTN) được nhìn nhận là những trụ cột quan trọng để tạo nên sức mạnh kinh tế cho quốc gia. Nhận diện và chấn chỉnh các biểu hiện lệch lạc trong quá trình xây dựng KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là cần thiết và không thể xem nhẹ.
Mô hình phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế của thời đại
Ở Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, nền KTTT định hướng XHCN đã hình thành, phát triển, đến nay đã có những yếu tố của một nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế và bảo đảm định hướng XHCN. Đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần; có sự phát triển đầy đủ, đồng bộ các loại thị trường, thị trường trong nước gắn kết với thị trường quốc tế. Thị trường đã phát huy vai trò trong việc xác định giá cả, phân bổ nguồn lực, điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa; nền kinh tế đã vận hành theo các quy luật của KTTT.
Đồng thời, nền KTTT có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN; Nhà nước vừa xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo khung khổ pháp luật, môi trường ổn định, thuận lợi cho kinh tế phát triển, vừa sử dụng các nguồn lực kinh tế của Nhà nước để điều tiết, thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN, phát triển bền vững cả kinh tế, xã hội, môi trường; gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Những yếu tố này hoàn toàn tương đồng với các định hướng xã hội của các nền KTTT hiện đại trên thế giới.
Như vậy, từ thực tiễn và lý luận, có thể khẳng định, KTTT định hướng XHCN là mô hình KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế không chỉ phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế của thời đại, mà còn là mô hình kinh tế phù hợp với các nước kinh tế chưa phát triển quá độ lên CNXH.
Về kinh tế: Sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua rất đáng ghi nhận. Công cuộc đổi mới từ năm 1986 đã nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Giai đoạn 2002-2019, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). Đại bộ phận người nghèo còn lại ở Việt Nam là dân tộc thiểu số, chiếm 86%.
Năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục có khả năng chống chịu cao, nhờ nhu cầu trong nước và sản xuất định hướng xuất khẩu được duy trì ở mức cao. GDP thực tăng ước khoảng 7%, tương tự tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2018, điều này cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực.
Năm 2020, với độ mở về kinh tế và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP đạt 1,8% trong nửa đầu năm, dự kiến cả năm đạt 2,8%. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới không dự báo suy thoái kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến năm nay thấp hơn nhiều so với dự báo trước khủng hoảng (6-7%). Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 rất khó đoán định, tùy thuộc vào quy mô và thời gian kéo dài của dịch bệnh. Sức ép lên tài chính công sẽ gia tăng do thu ngân sách giảm, trong khi chi ngân sách tăng lên để kích hoạt các gói hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19.
Về xã hội: Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi nhanh về cơ cấu dân số và xã hội. Dân số Việt Nam đã đạt 96,5 triệu dân vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 120 triệu dân tới năm 2050. Hiện nay, 70% dân số có độ tuổi dưới 35, với tuổi thọ trung bình gần 76 tuổi, cao hơn những nước có thu nhập tương đương trong khu vực. Tầng lớp trung lưu đang hình thành, hiện chiếm khoảng 13% dân số và dự kiến sẽ tăng lên đến 26% vào năm 2026.
Trong giai đoạn 2010-2020, Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69. Một em bé Việt Nam được sinh ra ở thời điểm hiện nay khi lớn lên sẽ đạt mức năng suất bằng 69% so với cũng đứa trẻ đó được học tập và chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Như vậy, Việt Nam là quốc gia có Chỉ số Vốn con người cao nhất trong số các quốc gia có thu nhập trung bình, tuy nhiên vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa các địa phương, nhất là ở nhóm dân tộc thiểu số.
Y tế của nước ta cũng đạt nhiều tiến bộ khi mức sống ngày càng cải thiện. Trong giai đoạn 1993-2017, tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 32,6 xuống còn 16,7 (trên 1.000 trẻ sinh). Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 lên 76,3 tuổi trong giai đoạn 1990-2016. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73, cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới, với 87% dân số có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh còn ở mức cao và ngày một tăng, điều này cho thấy tình trạng phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất, dự báo đến năm 2050 nhóm tuổi trên 65 sẽ tăng gấp 2,5 lần.
Trong 30 năm qua, việc cung cấp các dịch vụ cơ bản đã có sự thay đổi tích cực. Khả năng người dân tiếp cận hạ tầng cơ sở được cải thiện. Tính đến năm 2016, 99% dân số sử dụng điện chiếu sáng, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 14% năm 1993. Tỷ lệ tiếp cận nước sạch nông thôn cũng được cải thiện, từ 17% năm 1993 lên 70% năm 2016, trong khi tỷ lệ ở thành thị là trên 95%.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đầu tư cơ sở vật chất tính theo phần trăm GDP của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN. Điều này tạo ra thách thức không nhỏ đối với sự phát triển liên tục của các dịch vụ cơ sở hạ tầng hiện đại cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo (Việt Nam xếp thứ 89 trong số 137 quốc gia về chất lượng cơ sở hạ tầng).
Những vấn đề cần tiếp tục xem xét và hoàn thiện
Nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta được hình thành và phát triển trên cơ sở phát huy vai trò làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo.
Nhà nước ngày càng tăng dần vai trò chủ thể quản lý và thu hẹp dần vai trò chủ thể về kinh tế. Theo đó, Nhà nước thực hiện quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất, bảo đảm cho thị trường phát triển, tuân thủ các quy luật của KTTT, tương thích với thông lệ quốc tế; kiến tạo được môi trường vĩ mô; xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở và bảo đảm an sinh xã hội; ban hành cơ chế chính sách về phân bổ nguồn lực, phân phối và phân phối lại theo hướng bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Nhà nước bảo đảm được vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, hoàn thiện các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong việc chấp hành các chế độ chính sách, sử dụng các chương trình đầu tư tín dụng để tạo điều kiện và hướng dẫn sự phát triển của các ngành, các địa phương và các thành phần kinh tế.
Các chủ trương, chính sách kinh tế và tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước cần thiết kế để phù hợp với cơ chế thị trường, mang lại lợi ích và công bằng xã hội, ổn định và tăng trưởng kinh tế hợp lý, ngăn ngừa tình trạng độc quyền, lạm dụng và nhân danh KTTT để can thiệp làm méo mó thị trường, lệch lạc các nguồn lực và tổn hại lợi ích cộng đồng, hạn chế các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh…
Giải quyết quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong xây dựng nền KTTT định hướng XHCN là một sự nghiệp chưa có tiền lệ trong lịch sử và là một quá trình mở, đòi hỏi sự sáng tạo và bản lĩnh cách mạng của Đảng, trên cơ sở nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của KTTT, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, về cơ bản, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền KTTT định hướng XHCN với những thành tựu KT-XH ngày càng to lớn. Thể chế KTTT, đặc biệt là hệ thống luật pháp và bộ máy quản lý ngày càng được xây dựng, hoàn thiện theo hướng tiến bộ, phù hợp. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Tuy nhiên, do phát triển KTTT định hướng XHCN là một sự nghiệp, một quá trình chưa có tiền lệ nên có những vấn đề đặt ra trong điều kiện hiện nay cần phải được tiếp tục xem xét và hoàn thiện, cụ thể:
Thứ nhất, nền KTTT định hướng XHCN mà Việt Nam đang xây dựng là một nền kinh tế mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa và những giá trị XHCN đất nước đang phấn đấu. Thế nhưng, vấn đề cần xem xét là liệu chúng ta có thể nghiên cứu để áp dụng nhiều hơn, đầy đủ hơn những quy luật, những giá trị chung của thể chế KTTT nhằm tạo thuận lợi sự phát triển vừa nhanh hơn, vừa bền vững hơn.
Thứ hai, định hướng của Đảng và Nhà nước và thực tiễn vừa qua đã chứng minh rằng, để phát triển nền kinh tế Việt Nam không thể chỉ dựa vào một thành phần kinh tế nào, mà cần phải khơi dậy được mọi tiềm năng, mọi nguồn lực của đất nước, với một khát vọng chung là xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Để hiện thực hóa điều đó, cả nước đang phát động tinh thần khởi nghiệp với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu DN.
Như vậy, nòng cốt để phát triển kinh tế Việt Nam, là chỗ dựa bền vững cho kinh tế đất nước, phải chăng là mọi thành phần kinh tế trong nước, bao gồm cả: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và KTTN? Như vậy, về định hướng vĩ mô, liệu chúng ta cần có sự thay đổi nào không để khơi dậy được mọi tiềm lực kinh tế của đất nước; tạo ra một sân chơi thực sự công bằng, bình đẳng, trong thụ hưởng chính sách, được tiếp cận các nguồn lực và việc tuân thủ luật pháp?
Thứ ba, bảo đảm rằng sự phát triển của đất nước là sự phát triển có tính bao trùm và không quá thiên lệch, tạo ra sự phân biệt về giàu nghèo quá lớn giữa các vùng miền, giữa các thành phần, đối tượng trong xã hội.
Thứ tư, cần có chiến lược cùng những giải pháp hữu hiệu như thế nào để việc phát triển kinh tế của đất nước bảo đảm hài hòa 2 yếu tố, đó là: Phát triển “nhanh” và “bền vững”. Đây là hai yêu cầu song hành, bởi với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam nếu không có giải pháp để đạt một tốc độ phát triển ở mức cao thì rất dễ bị tụt hậu, rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Nhìn chung, động lực và triển vọng hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phụ thuộc vào những nhận thức và hành động thực tiễn mới, đầy đủ, sâu sắc hơn về phát triển KTTT định hướng XHCN.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội;
2. Phạm Viết Đào (2016), Mặt trái của kinh tế thị trường, NXB Văn hóa, Hà Nội;
3. Nguyễn Văn Huyên (2018), Lối sống của người Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hóa, Tạp chí Triết học số 12, trang 32-34;
4. Mai Thanh (2019), Một số suy nghĩ về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, tạp chí Cộng sản, số 60, trang 6-9.