Phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và kinh tế số đang là xu hướng chủ đạo, các hoạt động Logistics xuyên suốt từ sản xuất tới tiêu dùng ngày càng giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất, dịch vụ nói riêng và của toàn nền kinh tế nói chung. Vấn đề phát triển dịch vụ Logistics ở Việt Nam được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tổng quan ngành dịch vụ Logistics trên thế giới
Ngành dịch vụ logistics bao gồm rất nhiều thành tố, đa dạng loại hình dịch vụ và ở mỗi tổ chức lại có một cách ứng dụng vận hành theo năng lực lõi của riêng mình.
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực Logistics có thể được nhóm thành 16 loại hình trong 4 nhóm gồm: Cơ sở hạ tầng Logistics, Vận hành Logistics, Dịch vụ Logistics và Tư vấn Logistics.
Theo báo cáo về cơ cấu doanh thu Logistics trên thế giới của công ty tư vấn toàn cầu BCG, nhóm vận hành Logistics chiếm tỉ trọng lớn nhất (85% tổng doanh thu).
Doanh thu tập trung tại các mảng dịch vụ (chiếm 82% tổng doanh thu): Vận tải đường bộ, Chuyển phát CEP, Giao nhận đường bộ & đường sắt, Giao nhận đường biển & đường hàng không và dịch vụ Logistics theo hợp đồng.
Đáng chú ý là dịch vụ Chuyển phát CEP mới chỉ chiếm 7% tổng doanh thu và đang có xu hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây.
Sự khác biệt giữa Supply Chain – Logistics và CEP
Sự khác biệt của 3 khái niệm này được thể hiện qua bảng sau:
TIÊU CHÍ |
CEP |
LOGISTICS |
SUPPLY CHAIN |
Tầm ảnh hưởng |
Ngắn hạn |
Ngắn hạn và trung hạn |
Dài hạn |
Mục tiêu |
Giao hàng chặng cuối |
Giảm chi phí vận chuyển, tăng được chất lượng dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng |
Giảm được chi phí trên toàn chiến dịch phân phối dựa trên việc tăng cường khả năng cộng tác và phối hợp, do đó tăng hiệu quả trên toàn bộ hoạt động Logistics, tối ưu để tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp |
Công việc |
Chuyển phát |
Vận tải, kho bãi, dự báo, giao nhận, dịch vụ khách hàng... |
Tất cả các hoạt động của Logistics và quản trị nguồn cung cấp/ nguồn cầu, quản lý dự trữ, sản xuất, hợp tác và phối hợp của các đối tác, khách hàng… |
Phạm vi hoạt động |
Vận hành một khâu |
Vận hành nhiều khâu + quản lý bên trong doanh nghiệp |
Quản trị chuỗi + quản lý cả bên trong lẫn bên ngoài |
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Supply Chain là một chuỗi các hoạt động bao gồm: Thu mua nguyên vật liệu (Raw material), tìm kiếm Nhà cung cấp (Supplier), sản xuất thành phẩm (Manufacturer), phân phối sản phẩm (Distribution), đơn vị bán lẻ (Customer) và cuối cùng là người tiêu dùng (Consumer).
Để quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng này, doanh nghiệp cần đến phần mềm quản trị ERP, bao gồm 2 module Chức năng và Kỹ thuật.
Tại mỗi khâu trong chuỗi cung ứng, vai trò của nhà kho là không thể thiếu. Tại đây, diễn ra những công đoạn như: Tiếp nhận hàng, Kiểm tra hàng, Phân loại, Lưu kho, Dán nhãn, Vận chuyển. Việc xử lý tốt ở khâu đằng trước sẽ tạo thuận lợi cho luồng hàng hóa ở những khâu phía sau.
Cơ hội và thách thức của ngành dịch vụ Logistics Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam hiện có hơn 3000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong mảng logistics, trong đó 89% là doanh nghiệp trong nước, 10 % là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp trong nước hầu hết ở quy mô vừa và nhỏ và chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu toàn thị trường. Nhiều tên tuổi lớn là các công ty xuyên quốc gia cung cấp dịch vụ logistics tại thị trường VN phải kể đến như Maersk Line, DHL, Kuehne + Nagel …
Cũng theo thống kê của Hiệp hội Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.
Thị trường logisitcs tại Việt Nam được đánh giá cao, đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái.
Điều này cho thấy, tiềm năng của logistics của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên cạnh tranh cũng khốc liệt không kém. Nếu nhìn vào bức tranh chung của ngành Logistics Việt Nam thì các doanh nghiệp nước ngoài đang ở thế trên. Cụ thể, vẫn có một số lợi thế về doanh nghiệp nội địa, đó là:
Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam sở hữu phần lớn kho bãi, khiến doanh nghiệp nước ngoài phải thuê lại hoặc liên kết, liên doanh để phục vụ dịch vụ Logistics;
Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước hiểu được thị trường, tâm lý khách hàng, địa lý, thời tiết, văn hóa của người bản địa hơn doanh nghiệp nước ngoài;
Thứ ba, về nhân sự, lao động Việt Nam thông minh, nhanh nhạy nên dễ dàng nắm bắt các quy trình, công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia. những nội dung trên chỉ là lợi thế nếu như không tập trung giải quyết triệt để từ các đơn vị, thành tố sau:
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics
Năng lực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics thể hiện ở năng lực quy trình, quản trị, nhân lực và công nghệ, và những khó khăn thách thức của các doanh nghiệp cũng sẽ đến từ những yếu tố nội tại này.
Năng lực công nghệ yếu, nhân sự không được đào tạo bài bản chính quy, tính thực thi quy trình yếu, năng lực quản trị hạn chế là những khó khăn mà doanh nghiệp logistics đang gặp phải.
Chỉ khi đồng nhất được 4 yếu tố: quản trị, quy trình, nhân lực, công nghệ thống tin thì doanh nghiệp đó sẽ có được yếu tố tiên quyết để dẫn đầu, cùng tạo ra 1 nền tảng liên kết doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp Logistics
Cơ sở hạ tầng
Cơ sở vật chất hạ tầng còn chậm phát triển cũng là một hạn chế lớn đối với sự phát triển của Logistics. Hạ tầng giao thông, hạ tầng kho bãi, hạ tầng công nghệ đều là những thông tin được nhắc đi nhắc lại trong các văn bản, quy định, chính sách, báo cáo Logistics qua từng năm nhưng thực sự đến hiện tại sự cải thiện cải tiến còn rất chậm.
Hạ tầng cảng biển cơ cấu còn bất hợp lý, hầu hết các bến cảng đều là bến tổng hợp và bến container chiếm số lượng rất ít. Chính vì sự bất hợp lí này mà tình trạng thừa, thiếu vẫn diễn ra. Ngoài ra, trong số các cảng của Việt Nam thì hầu hết là cảng nhỏ, số lượng cảng quốc tế chiếm số lượng rất ít với 20 cảng.
Hạ tầng giao thông đường bộ cũng có những khúc mắc tương tự, theo chức năng thì tỉ lệ giữa đường quốc lộ so với đường tỉnh lộ không có sự chênh lệch nhiều. Điều này khiến xe địa phương lưu thông đường quốc lộ quá nhiều nên đã gây nhiều ách tắc và tai nạn giao thông, đồng thời làm chất lượng đường nhanh chóng xuống cấp do lưu lượng tăng quá nhanh và nhiều.
Kết cấu hạ tầng đường sắt còn lạc hậu, yếu kém so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Năng lực vận chuyển còn thấp do quy mô còn nhỏ và chưa được hiện đại hóa. Ngoài ra, đối với đường hàng không hiện nay có thể nói là chưa đủ phương tiện chở hàng cho việc vận chuyển vào thời gian cao điểm.
Hạ tầng kho bãi, xét ở một góc độ nào đó - có thể nói vẫn đang trong tình trạng “chỗ ăn không hết, chỗ lần chẳng ra”. Những chỗ có nhu cầu kho bãi cao thì luôn luôn thiếu trong khi có những khu vực dù đã được quy hoạch để làm kho bãi, thì mặt bằng thì lại luôn “ế”. Các dự án về Logistics luôn được đặt sau dự án phát triển của hạ tầng đô thị, mặc dù Logistics được coi là một trong những ngành chủ lực của Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế.
Hạ tầng công nghệ hiện nay ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ với đa số các ứng dụng công nghệ thông tin được đưa vào vận hành và có kết quả tốt như giải pháp tự động hóa kho hàng thương mại điện tử, hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa sản xuất với các nguyên tắc sản xuất tinh gọn, hoạt động hiệu quả, và một số ít nhà bán lẻ trong nước đang triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu mua tới khâu phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng.
Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp Logistics nội địa chịu đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động của mình. Trình độ ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp Logistics Việt Nam đang ở mức độ thấp, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ - hiện đang chiếm gần 80% thị phần vận tải nội địa. Đây là một trong những yếu tố khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể vận hành một cách có hiệu quả, tối ưu chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Logistics
Khi sự thống nhất giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics đang chưa có thì việc một doanh nghiệp đối tác tìm một đơn vị cung cấp dịch vụ tin cậy là vô cùng khó khăn.
Pháp lý - Chính sách
Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương từ nay đến năm 2030 và cũng đã nêu lên một số nội dung liên quan đến giao thông vận tải và Logistics như: Thực hiện đề án phát triển dịch vụ Logistics nhằm tối ưu hóa thời gian và chi phí vận tải, giảm tiêu hao nhiên liệu; phát triển hoạt động của các sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối mạng lưới vận tải; tiếp cận, ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, công nghệ vận tải xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên cơ sở pháp lý hiện vẫn chưa đủ. Theo đó, vẫn cần hoàn thiện khung pháp lý Logistics minh bạch, phù hợp xu thế phát triển hiện nay, tạo thuận lợi thương mại và thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ Logistics Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, thực hiện một cửa quốc gia, điện tử hóa khai hài quan, ứng dụng thương mại điện tử, cải cách thủ tục hành chính… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ Logistics cắt giảm chi phí, nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Nghiên cứu cần thành lập Ủy ban Quốc gia về Logistics, là cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối thực thi các chương trình, mục tiêu chung của ngành, tham gia tư vấn quy hoạch và chiến lược tổng thể phát triển Logistics của Việt Nam đến năm 2030...
Giải pháp phát triển ngành dịch vụ Logistics Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số
Trong thời gian tới, để ngành logistics của Việt Nam phát triển tương xứng và không bị tụt lùi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung triển khai một số giải pháp chính sau:
Về phía Nhà nước:
- Cần có hành lang pháp lý đầy đủ để đảm bảo cho các mô hình kinh doanh logistics mới trong thời đại kinh tế số như hiện nay.
- Cần xây dựng hạ tầng quốc gia logistics, trong đó công nghệ phải là yếu tố cốt lõi cho mọi hoạt động để số hóa hoạt động logistics trên quy mô quốc gia.
Về phía các doanh nghiệp logistics:
- Mạnh dạn ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để chuyển đổi số. Trong các xu hướng công nghệ trong logistics, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng các công nghệ như IoT, AI, Machine Learning, dùng robot để tự động hóa trong kho hàng…
- Thay đổi tư duy về chuyển đổi số từ trong mỗi tổ chức, từ cấp cao nhất đến từng cán bộ, nhân viên để họ hiểu rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu.
- Các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế số cần hợp lực, chia sẻ cùng nhau hướng đến một mục đích chung. Khi thế giới được "phẳng hóa", công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ thì các doanh nghiệp lại càng cần phải liên kết chặt chẽ hơn bao giờ hết.