Thực trạng và giải pháp phòng chống rửa tiền đối với các tổ chức tín dụng

PV.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đa chiều, đa phương diện, hoạt động rửa tiền ngày càng phức tạp và tinh vi, tìm cách "trú ẩn" ở tất cả các lĩnh vực nhưng nhạy cảm nhất vẫn là ở lĩnh vực tín dụng – ngân hàng. Do vậy cần có góc nhìn tổng quan về thực trạng của hoạt động rửa tiền tại các tổ chức tín dụng và cần có giải pháp hữu hiệu nhất để hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng hoạt động rửa tiền thông qua tổ chức tín dụng

Sự thật đương nhiên là những kẻ rửa tiền và những kẻ tài trợ cho khủng bố phải có khả năng tiếp cận với các tổ chức tài chính. Những tổ chức này cung cấp phương tiện cho các cá nhân đó chuyển các khoản tiền giữa các tổ chức tài chính khác cả trong nước và quốc tế.

Đồng thời, những tổ chức này cũng cung cấp các phương tiện để chuyển đổi các đồng tiền và trả tiền cho các tài sản được sử dụng trong quá trình rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, tiền không thể được rửa, khủng bố không thể được tài trợ nếu không có sự dính líu của các tổ chức tài chính, một số doanh nghiệp hoặc cá nhân.

Thực tế cho thấy, khi tội phạm kiểm soát được các tổ chức tài chính hay nắm được các vị trí quản lý cấp cao trong các tổ chức tài chính, các nước sẽ cảm thấy để ngăn chặn và khám phá việc rửa tiền khó khăn vô cùng.

Nguồn tiền “bẩn” có xu hướng được đưa vào các quốc gia nơi hệ thống pháp luật dành ít sự quan tâm hơn cho việc kiểm soát nó. Sự xuất hiện của nhiều hơn một nền tài phán khiến cho việc phát hiện nguồn gốc phi pháp của tiền cũng như vấn đề xử lý là tương đối khó khăn và phức tạp.

Trước thực trạng đó, pháp luật Việt Nam cần thiết phải đáp ứng được những yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế về phòng chống rửa tiền, không chỉ để phù hợp với vai trò là thành viên của FATF mà còn để ngăn ngừa và phòng chống tội phạm rửa tiền có hiệu quả.

Trong nền kinh tế hiện đại, hệ thống pháp luật của các quốc gia có xu hướng đòi hỏi kiểm soát dòng lưu chuyển tiền tệ thông qua hệ thống các tổ chức tài chính, hầu hết các giao dịch lớn đều được yêu cầu phải thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua chúng.

Ở Việt Nam, hệ thống tổ chức tài chính được quản lý bởi nhiều cơ quan và được điều chỉnh bởi những bộ phận pháp luật khác nhau.Trong đó, các giao dịch được tập trung thực hiện qua hệ thống các tổ chức tín dụng, mà chủ yếu là các ngân hàng.

Do đó, phòng chống rửa tiền trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng vì thế được đặc biệt quan tâm trong những năm qua và trong thời gian sắp tới.

Đề xuất giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống rửa tiền

Việt Nam hiện nay đã tránh được nguy cơ bị Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF đưa vào Danh sách những quốc gia có rủi ro về rửa tiền và tài trợ cho khủng bố gây bất ổn cho hệ thống tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của của cơ quan này, Việt Nam vẫn thuộc danh sách các quốc gia có thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền, chống khủng bố.

Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF cũng khuyến cáo, nếu không có những cải thiện kịp thời về chính sách trong quá trình rà soát của FATF, không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ trở thành đối tượng bị áp dụng biện pháp đối kháng từ các quốc gia thành viên của FATF.

Do đó, trong thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện những yêu cầu xác đáng của FATF để tránh nguy cơ có thể gây tổn hại đến uy tín và hoạt động động tài chính ngân hàng.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo triển khai xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến phòng, chống rửa tiền theo đúng tiến độ mà Chính phủ đã giao theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg. Trong đó chứa đựng hầu hết các giải pháp quan trọng nhằm tăng cường khả năng phân loại và quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, bổ sung hướng dẫn để nhận diện giao dịch đáng ngờ kể cả đối với các giao dịch có ý định thực hiện hoặc chưa được hoàn tất nhưng đáng ngờ về bản chất.

Thứ ba, duy trì và tăng cường biện pháp nhằm đưa chính sách về một nền kinh tế không sử dụng tiền mặt vào thực tiễn.

Thứ tư, tăng cường năng lực của Cục Phòng, chống rửa tiền trở thành một cơ quan đầu mối thực thụ trong việc thu thập, chia sẻ và xử lý thông tin của các đối tượng báo cáo theo Luật Phòng, chống rửa tiền. Trong đó bao gồm cả các giải pháp nâng cao nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để Cục Phòng, chống rửa tiền hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ năm, thực hiện tổng thể các biện pháp đưa các nội dung của Basel II vào thực tiễn tại các ngân hàng thí điểm, từ đó mở rộng ra toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời nghiên cứu tính khả thi và xây dựng kế hoạch đưa Basel III và Basel IV vào triển khai trên thực tế tại Việt Nam, nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.