Thực trạng và giải pháp Quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ ở Việt Nam
Chuyển giao công nghệ đang trở thành nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động chuyển giao công nghệ trong thời gian qua có nhiều đóng góp đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ. Bài viết đề cập đến công tác quản lý nhà nước, cũng như thực tiễn chuyển giao công nghệ trong thời gian qua, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ ở Việt Nam
Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) ra đời năm 2017 đã hoàn thiện cơ bản các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy CGCN ở Việt Nam. Tiếp theo đó, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã xây dựng và ban hành nhiều nghị định, thông tư để hướng dẫn, cụ thể hóa đối với việc khuyến khích, thúc đẩy hoạt động CGCN, cụ thể: Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV; Thông tư số 02/2018/TT-BKHCN ngày 15/5/2018 của Bộ KH&CN quy định chế độ báo cáo thực hiện hợp đồng CGCN thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao…
Kết quả công tác quản lý nhà nước (QLNN) về CGCN thể hiện qua một số hoạt động khuyến khích, thúc đẩy CGCN có thể kể đến như: Góp phần hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi và tài sản trí tuệ cho các DN Việt Nam, đồng thời giúp các DN giảm thiểu được rủi ro khi tham gia hoạt động giao dịch, mua bán công nghệ, chuyển nhượng công nghệ; Góp phần làm tăng số lượng sản phẩm công nghệ được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và tạo động lực gia tăng giá trị giao dịch mua bán tài sản trí tuệ (giải pháp, quy trình, bí quyết công nghệ); Góp phần hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức trung gian của thị trường KH&CN tại khắp các địa phương trên cả nước; Góp phần làm tăng giá trị giao dịch CGCN trên thị trường thông qua các sự kiện như kết nối cung cầu công nghệ, Chợ công nghệ và thiết bị và các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN; Góp phần huy động được các nguồn đầu tư, mở rộng và phát triển dự án, tạo lợi ích lâu dài thông qua một số dự án thương mại hóa công nghệ và tài sản trí tuệ của các nhà khoa học; Góp phần phát triển thị trường KH&CN bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối mua bán công nghệ để đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu ra thị trường trên Sàn giao dịch công nghệ...
Những khó khăn, bất cập
Thực tế cho thấy, hoạt động CGCN nói chung và công tác QLNN về CGCN nói riêng còn nhiều khó khăn, bất cập như:
Thứ nhất, về hoạt động đầu tư liên quan đến CGCN.
Thời gian qua, việc đầu tư cho KH&CN nói chung, hoạt động CGCN nói riêng còn nhiều tồn tại, bật cập: (i) Nguồn vốn đầu tư thấp, tỷ lệ vốn đầu tư thậm chí còn sụt giảm, đi ngược xu hướng phát triển KH&CN của thế giới; (ii) Chưa xác định được trọng tâm và mũi nhọn trong KH&CN nói chung, CGCN nói riêng để tập trung vốn đầu tư đối với khu vực kinh tế nhà nước; (iii) Hiệu quả và tỷ lệ giải ngân vốn FDI còn thấp, công nghệ được chuyển giao qua đầu tư FDI chủ yếu là công nghệ lạc hậu. Nguồn vốn đầu tư cho KH&CN nói chung và các ngành, lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao còn thấp.
Thứ hai, về nhận thức đối với CGCN.
Nhận thức của cộng đồng DN nói riêng và công chúng nói chung còn nhiều hạn chế: (i) DN Việt Nam chưa có ý thức cũng như ít quan tâm đến việc đổi mới, nâng cấp công nghệ; (ii) Kiến thức và hiểu biết đối với KH&CN, công nghệ cao, CGCN còn thấp, chưa có sự chủ động tham gia vào các chương trình, hoạt động về KH&CN, CGCN... Năm 2018, Bộ KH&CN đã tiến hành điều tra nhận thức công chúng về KH&CN, đối tượng khảo sát là 3600 người trong mọi lứa tuổi (từ 15 đến trên 60), ở các trình độ đào tạo, nghề nghiệp, khu vực làm việc khác nhau. Đánh giá về mức độ quan tâm của công chúng đối với KH&CN, số lượng rất ít người dân “rất quan tâm” đến các lĩnh vực và vấn đề của KH&CN. Ví dụ, đối với vấn đề “Thị trường KH&CN” - nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động CGCN, chỉ có 4% “rất quan tâm”, trong khi đó, có tới 55% “không quan tâm”. Hay vấn đề “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (công nghệ nano trong bảo quản, công nghệ sinh học...)” cũng chỉ có 9% “rất quan tâm”, 44% “quan tâm” và 47% “không quan tâm”…
Thứ ba, về nguồn nhân lực phục vụ hoạt động CGCN.
Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành điều tra nhận thức công chúng về khoa học và công nghệ, đối tượng khảo sát là 3600 người trong mọi lứa tuổi (từ 15 đến trên 60), ở các trình độ đào tạo, nghề nghiệp, khu vực làm việc khác nhau. Đánh giá về mức độ quan tâm của công chúng đối với khoa học và công nghệ, số lượng rất ít người dân “rất quan tâm” đến các lĩnh vực và vấn đề của khoa học và công nghệ.
Nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực KH&CN nói chung và CGCN nói riêng còn tồn tại một số hạn chế sau: (i) Nguồn nhân lực chất lượng cao phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu đối với thành phần kinh tế nhà nước; (ii) Thiếu nguồn nhân lực phục vụ tại các tổ chức dịch vụ KH&CN, nơi tập trung các hoạt động về CGCN; (iii) Không tạo được sự hấp dẫn và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực KH&CN. Như vậy, có thể nhận thấy, lĩnh vực KH&CN nói chung, trong đó có CGCN chưa đủ hấp dẫn để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc. Trong bối cảnh CMCN4.0 đang thúc đẩy KH&CN phát triển mạnh mẽ hiện nay, việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nghiên cứu và phát triển sẽ ảnh hưởng lớn đối với hoạt động KH&CN nói chung, CGCN nói riêng.
Thứ tư, về hoạt động khuyến khích, thúc đẩy CGCN thông qua các tổ chức trung gian.
Thị trường KHCN ở Việt Nam chưa thực sự phát triển để giúp các DN có thể tìm kiếm và mua các công nghệ, bí quyết mà họ cần. Sự liên kết giữa DN (bên cầu trong thị trường KHCN) với các viện trường, các nhà khoa học (bên cung) vẫn còn hạn chế; Vẫn còn ít DN thu hút đầu tư CGCN, hợp tác với bên ngoài để nghiên cứu đổi mới công nghệ; DNNVV gặp nhiều khó khăn trong CGCN.
Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ ở Việt Nam
Nhằm không ngừng đổi mới tư duy và phương thức quản lý nhà nước về CGCN phù hợp với bối cảnh mới để bảo đảm hiệu quả kiểm soát công nghệ đi đôi với giảm thiểu thủ tục hành chính đối với DN, Nhà nước cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, tăng cường vai trò của Nhà nước trong phát triển thị trường KH&CN.
Ngoài vai trò hoạch định chính sách và định ra sân chơi, luật chơi cho các đối tác đầu tư thành lập DN và tham gia thị trường công nghệ, Chính phủ còn có vai trò là “huấn luyện viên” đối với các nhà khoa học để hướng dẫn họ tham gia thương mại hóa sản phẩm. Đồng thời, Chính phủ dẫn dắt và khuyến khích các DN tiếp cận, khai thác ứng dụng và đầu tư cải tiến công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Nói cách khác, Chính phủ cần thực hiện 3 nhiệm vụ sau: (i) Khuyến khích, giúp đỡ nhà khoa học trở thành các doanh nhân công nghệ; (ii) Hướng dẫn, hỗ trợ DN thuần túy trở thành DN công nghệ; (iii) Thu hút, thúc đẩy các nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nhân, DN và các tổ chức tư vấn, dịch vụ tham gia thị trường công nghệ.
Nhà nước khởi xướng, dẫn dắt và thúc đẩy nhà khoa học, nhà đầu tư, DN vào sân chơi chung bình đẳng của thị trường công nghệ. Nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các sàn giao dịch công nghệ cấp quốc gia, đào tạo lực lượng chuyên gia cho các tổ chức trung gian với đầy đủ các dịch vụ pháp tư vấn pháp lý, quản lý tài sản trí tuệ, CGCN, qua đó tạo được động lực trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc kiến tạo và thúc đẩy hoạt động của các tác nhân trung gian có chức năng quảng bá, môi giới, tư vấn và gắn kết quan hệ giữa đối tác trong các hoạt động đầu tư, mua bán, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ...
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, nếu DN khởi nghiệp thành công, Nhà nước có thể thu về nguồn thuế thu nhập DN, thuế chuyển nhượng vốn từ các DN, các nhà đầu tư cho DN khởi nghiệp công nghệ. DN khởi nghiệp công nghệ, những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và những nhà đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp công nghệ sẽ có thêm động lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt, ưu đãi về thuế sẽ thu hút những tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có tiềm lực tài chính bắt đầu quan tâm đầu tư nhiều hơn cho khởi nghiệp công nghệ. Nếu không có những ưu đãi này, rủi ro lớn sẽ là rào cản cho các nhà đầu tư để tham gia vào lĩnh vực này.
Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động CGCN. Thực tiễn đã chứng minh, Nhà nước giữ vai trò quan trọng đối với sự thành bại của quá trình CGCN. Trong bối cảnh thị trường linh hoạt hiện nay, Việt Nam cần có kế hoạch tổng thể về thu hút công nghệ nước ngoài; Cần có nhận thức đầy đủ về vị trí chiến lược trong chuyển giao KHCN, cần chiến lược tổng thể và nhận thức toàn diện nhằm đảm bảo công nghệ nhập về phải phù hợp với khả năng hiện nay; Thường xuyên bổ sung, cập nhật các loại đối tượng thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, để đảm bảo ngăn chặn công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường không được chuyển giao vào Việt Nam.
Ba là, triển khai các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới và CGCN. Thực hiện đa dạng hoá các đối tượng CGCN bằng cách mở rộng quan hệ với nhiều nước, nhiều trình độ công nghệ, nhiều hãng, nhiều hướng phát triển công nghệ. Tuy nhiên, đa dạng hoá phải đi đôi với chọn lọc, biết lựa chọn ra những đối tác khả dĩ mang lại kết quả tối ưu. Mặt khác, cần tạo áp lực, sức ép đối với các DN nhà nước, nhanh chóng tiếp cận và đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam...
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực cho CGCN. Cần nâng cao nhận thức về vai trò và vị trí của cán bộ KH&CN; quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo, tăng năng lực và trình độ kỹ thuật, trình độ công nghệ của đội ngũ này, kể cả lao động kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý trong bối cảnh hiện nay; Các chính sách trọng dụng cần thực sự hấp dẫn, thiết thực, thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có ''bí quyết'' công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để chuyển giao vào nước ta...
Năm là, thúc đẩy CGCN thông qua hợp tác quốc tế. Cần đa dạng hóa các kênh hợp tác, hoạt động hợp tác quốc tế về CGCN để mở rộng và tăng cường theo nhiều mức độ khác nhau, từ hợp tác với cơ quan quản lý KH&CN của các nước, đến các quỹ nghiên cứu KH&CN, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội khác. Các nội dung hợp tác cần chủ động gắn chặt với nhu cầu phát triển KH&CN trong nước, trong đó, chú trọng đến nhu cầu hợp tác quốc tế của địa phương; Tăng cường tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế và tranh thủ các đối tác quốc tế về tri thức, kinh nghiệm, thông tin khoa học, bí quyết công nghệ, đào tạo nhân lực và hỗ trợ trang thiết bị, góp phần đẩy nhanh quá trình CGCN...
Sáu là, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài trong CGCN. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài trong CGCN sẽ tạo liên kết trong cung cấp dịch vụ công nghệ từ khu vực DN đầu tư nước ngoài và các cơ sở nghiên cứu và phát triển trong nước, tạo cơ hội tiếp cận công nghệ nguồn, nghiên cứu, cải tiến làm chủ công nghệ. Theo đó, Việt Nam sẽ rút ngắn khoảng cách về trình độ, nhân lực công nghệ so với các nước...
Tài liệu tham khảo:
Quốc hội (2006), Luật Chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH 11
ngày 29/11/2006;
Quốc hội (2017), Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14
ngày 19/6/2017;
Quốc hội (2013), Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13
ngày 18/6/2013;
Phan Xuân Dũng, Trần Văn Tùng, Phạm Hữu Duệ, “Công nghệ và chuyển giao công nghệ”, NXB Khoa học và kỹ thuật.