Sửa đổi quy định về chứng nhận, công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông


Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 10/2020/TT-BTTTT ngày 7/5/2020 sửa đổi Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Thông tư số 10/2020/TT-BTTTT, việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo một trong ba phương thức được quy định tại Điều 5 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật:

Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình; Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất; Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.

Thông tư số 10/2020/TT-BTTTT cũng quy định nguyên tắc áp dụng các phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Trong đó, phương thức 1 áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong dây chuyền đã có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001 hoặc tương đương).

Phương thức 5 áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong dây chuyền chưa có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001 hoặc tương đương) nhưng có quy trình sản xuất và giám sát đảm bảo chất lượng để đánh giá.

Phương thức 7 áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa không áp dụng được theo Phương thức 1 hoặc Phương thức 5.

Thông tư 10/2020/TT-BTTTT nêu rõ, phương thức chứng nhận phải được ghi trên Giấy chứng nhận hợp quy và làm cơ sở cho việc xác định phạm vi của Giấy chứng nhận hợp quy, phương pháp giám sát đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa sau chứng nhận.