Thuế thu nhập doanh nghiệp, bao nhiêu là phù hợp?
(Tài chính) Một số nước châu Á đã giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để thu hút đầu tư. Hiện ở châu Á, Singapore và Đài Loan là hai nền kinh tế có mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thuộc vào nhóm thấp nhất là 17%.
Cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư
Xu hướng chung trong cải cách chính sách thuế TNDN trên thế giới hiện nay là: từng bước giảm thuế suất; mở rộng cơ sở tính thuế; giảm các khoản chi phí được trừ; áp dụng chính sách ưu đãi thuế; tăng cường công tác quản lý thuế nhằm chống chuyển giá và hạn chế các trường hợp lợi dụng để tránh nộp thuế.
Một số nước châu Á đã giảm thuế suất thuế TNDN để thu hút đầu tư. Từ năm 2009 đến nay, thuế suất thuế TNDN ở Malaysia là 25%. Thái Lan cũng giảm thuế suất từ 30% xuống 23% năm 2012.
Năm 2008, Trung Quốc cũng đã thực hiện điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN đối với các doanh nghiệp trong nước từ 33% xuống 25% và xóa bỏ toàn bộ các quy định phân biệt đối xử về nghĩa vụ thuế giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện ở châu Á, Singapore và Đài Loan là hai nền kinh tế có mức thuế suất TNDN thuộc vào nhóm thấp nhất là 17%.
Cùng với đó, quy định về các khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN ở các nước ngày càng chặt chẽ, hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng để trốn thuế. Một số nước ban hành các quy định khống chế mức khấu trừ khi tính thuế TNDN. Ví dụ, Trung Quốc khống chế mức khấu trừ chi phí quảng cáo chung là 15% doanh thu hàng năm. Một số ngành (mỹ phẩm, dược, đồ uống giải khát) được phép khấu trừ tối đa 30% doanh thu hàng năm.
Nhiều nước ban hành chính sách thuế TNDN có lợi hơn so với các nước khác nhằm thu hút đầu tư. Các hình thức ưu đãi thường là ưu đãi về thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ưu đãi thuế đối với công nghiệp hỗ trợ, cho phép chuyển lỗ, miễn giảm thuế có thời hạn, giảm nghĩa vụ thuế, cho phép khấu hao nhanh, hỗ trợ tái đầu tư...
Kinh nghiệm cho Việt Nam trong cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp
Hiện thuế TNDN vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN của Việt Nam. Trong giai đoạn 2009- 2012, thu từ thuế TNDN (không kể thu từ dầu thô) đạt mức bình quân hàng năm khoảng trên 20%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, do sự biến động nhanh của nền kinh tế nên một số quy định trong chính sách thuế chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn trong nước, cũng như xu hướng chung về cải cách chính sách thuế TNDN trên thế giới.
Để đảm bảo chính sách thuế TNDN ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn cũng như thông lệ quốc tế, việc cải cách chính sách thuế TNDN ở Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung vào các vấn đề lớn sau:
- Từng bước hạ thuế suất theo lộ trình rõ ràng để đảm bảo giảm mức thu nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh. Việt Nam cần giảm mức thuế suất phổ thông, trước mắt có thể giảm từ 25% xuống 23% để không gây tác động lớn tới cân đối cân NSNN, đồng thời có thể công bố lộ trình giảm thuế suất từ nay đến năm 2020 về mức tương đương mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN (khoảng 20%). Đây cũng là kỳ vọng của phần đông các doanh nghiệp Việt Nam.
- Bổ sung một số quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN để khuyến khích tích tụ vốn, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
- Quy định ưu đãi thuế TNDN đối với DNVVN. Việc áp dụng chính sách thuế suất thấp hơn so với mức thuế suất phổ thông sẽ tạo điều kiện cho DNNVV tăng tích lũy để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thành các DN lớn. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với DNNVV cần quy định rõ ràng, cụ thể tiêu chí, điều kiện để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, hạn chế các trường hợp lợi dụng, gian lận thuế.
Chính sách thuế đóng vai trò then chốt trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và có ảnh hưởng to lớn đến việc phát triển kinh tế và xã hội. Do đó, cần đặc biệt chú ý việc cải cách, hoàn thiện chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng.