Thương chiến Mỹ - Trung: Không có kẻ thắng
Tính tới năm 2020, các hàng rào thuế quan đã được áp dụng hoặc công bố có thể khiến GDP toàn cầu bị thiệt hại tới 700 tỷ USD, tương đương với mức giảm 0,8% tăng trưởng GDP toàn cầu, theo số liệu ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được xem là nổ ra từ đầu năm 2018, dù trước đó đã có nhiều hành động gây hấn, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế với một số loại hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Kể từ đó, 2 quốc gia liên tiếp có những hành động trả đũa lẫn nhau và duy trì thế giằng co cho tới cuối năm 2019, khi lãnh đạo 2 quốc gia cho biết đã thống nhất về quan điểm để tiến tới thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ tác động mạnh tới Mỹ và Trung Quốc, mà còn khiến toàn cầu chao đảo. Lần đầu tiên trong hàng thập kỷ, tăng trưởng thương mại thế giới thấp hơn mức tăng trưởng GDP. Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thương chiến Mỹ - Trung, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 3% năm 2019, mức thấp nhất trong thập kỷ qua, theo ước tính của IMF.
Đáng chú ý, “nỗi đau” mà thương chiến mang lại không chia đều cho các quốc gia. Thực tế, Mỹ là quốc gia ít chịu thiệt hại nhất trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới khi xuất khẩu đi xuống, bởi thị trường tiêu dùng nội địa mạnh và rộng lớn giúp tăng trưởng kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu.
Châu Âu thấm thía
Tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được châu Âu cảm nhận một cách thấm thía. Theo Ủy viên Hội đồng Công tác kinh tế và tài chính Liên minh châu Âu Pierre Moscovici, các quốc gia châu Âu chịu tổn thất lớn bởi nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và có độ mở lớn.
Chẳng hạn, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, năm 2018, 40% GDP của Đức do xuất khẩu đóng góp, mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có nhiều diễn biến bất ngờ, khó đoán định, cộng đồng kinh doanh của Đức gặp thế khó trong việc sắp xếp lại các hoạt động kinh doanh, cũng như lên kế hoạch cho chiến lược phát triển trong tương lai.
Dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Đức năm 2019 hạ xuống còn 0,5%, từ mức 1,5% trước đó. Kết quả là nhiều công ty bắt đầu thu hẹp hoặc trì hoãn hoạt động đầu tư, điều nhiều năm nay chưa từng xuất hiện.
Thực tế, thương chiến còn ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia có nền kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu, ví dụ điển hình là Iceland - quốc gia phát triển đầu tiên tìm kiếm sự trợ giúp từ IMF kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Iceland Ásgeir Jónsson cho biết: “Tăng trưởng kinh tế Iceland phụ thuộc vào ngành du lịch. Kể từ khủng hoảng tài chính gần nhất, lượng khách du lịch trung bình hàng năm đã tăng trưởng gấp 5 lần, đạt 2,5 triệu lượt người. Tuy nhiên, lượng khách nước ngoài theo hướng sụt giảm kể từ khi xung đột thương mại Mỹ - Trung bắt đầu và giảm tới 15,6% trong mùa hè 2019 so với cùng kỳ năm trước đó”.
Tại Hội nghị toàn cầu do IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức vào tháng 10/2019, lãnh đạo nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới khẳng định, mối liên kết kinh tế giữa các quốc gia đã tạo ra một môi trường yên bình, ổn định cho hoạt động kinh tế trong những thập kỷ gần đây; diễn biến bất thường từ xung đột thương mại Mỹ - Trung một lần nữa chứng minh rằng, tăng trưởng thương mại toàn cầu đòi hỏi sự liên kết giữa các nền kinh tế.
Thực tế, sự giàu có, thịnh vượng của cả Mỹ và Trung Quốc ngày nay có được cũng là nhờ thương mại tự do trên toàn cầu. Chẳng hạn, tăng trưởng thương mại giai đoạn 1950 - 2016 đã giúp GDP tính trên đầu người của Mỹ tăng thêm 7.014 USD/người và 18.131 USD/hộ gia đình. Trong khi đó, kể từ khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế cách đây 40 năm, hàng triệu người dân đã thoát khỏi đói nghèo.
Tuy nhiên, xung đột giữa 2 quốc gia khiến tự do thương mại toàn cầu bị tổn thương. Trong bối cảnh này, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên toàn cầu bị thu hẹp. Minh chứng rõ nhất là dựa vào chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) – thước đo lượng đơn hàng mới và thay đổi hoạt động sản xuất của nhà sản xuất, cũng như lượng hàng tồn kho. Chỉ số dưới 50 thể hiện sản xuất thu hẹp. Theo đó, PMI toàn cầu nói chung và các nền kinh tế phát triển nói riêng đều đi xuống kể từ khi các hàng rào thuế quan được dựng lên vào giữa năm 2018 với việc chính quyền của Tổng thống Trump đánh thuế lên 34 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nước Mỹ không là ngoại lệ
Áp thuế lên các hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, đối tượng chịu tổn thương đầu tiên là người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Trước tiên, nông dân Mỹ đối diện với thiệt hại khi sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc chịu hàng rào thuế cao, buộc chính quyền Mỹ phải có các chương trình hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD.
Tiếp theo, việc Mỹ áp thuế lên sản phẩm nhôm, thép và diễn biến bất ổn từ thoả thuận thương mại khu vực Bắc Mỹ khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Ông Christopher Cabaldon, Thị trưởng TP. West Sacramento, California cho biết, chi phí cho công trình xây dựng trị giá 100 triệu USD của Thành phố tăng thêm 80%, bởi các công ty xây dựng đòi hỏi chi phí cao hơn để bù đắp cho giá nguyên vật liệu và các rủi ro gia tăng (chẳng hạn thuế tiếp tục leo dốc) trong tương lai.
“Ngay cả một thành phố nhỏ như chúng tôi cũng cảm nhận được tác động của chiến tranh thương mại. Đã đến lúc chúng ta nhận ra nền kinh tế địa phương cần có sự gắn kết với hệ thống toàn cầu”, ông Christopher Cabaldon chia sẻ.
Việc Mỹ áp dụng hàng rào thuế quan với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng tại thị trường nội địa. Đã có không ít số liệu quá khứ chứng minh cho vấn đề này. Chẳng hạn, năm 2009, Mỹ tạm thời nâng thuế đối với sản phẩm lốp xe tải và ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong 2 năm, số lượng việc làm tại các công ty sản xuất lốp xe của Mỹ tăng 1.200 việc làm mới. Tuy nhiên, giá lốp xe tăng khiến sức mua giảm sút. Diễn biến này khiến nước Mỹ mất đi gần 3.500 việc làm tại lĩnh vực bán lẻ.
Các thị trường mới nổi tự cứu mình
Xung đột thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới thúc đẩy việc thành lập các liên minh riêng giữa các thị trường kinh tế mới nổi nhằm tạo ra sức mạnh chống chọi trước các diễn biến khó lường của kinh tế toàn cầu.
Chẳng hạn, theo ông Abdoulaye Daouda Diallo, Bộ trưởng Tài chính Senegal, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới lĩnh vực năng lượng và cắt dòng vốn tại thị trường tài chính. Những biến động này càng nhấn mạnh vai trò của Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA). Theo đó, tính tới tháng 7/2019, 54 trong tổng số 55 quốc gia châu Phi đã ký AfCFTA. Đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới về số quốc gia tham gia, kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Các nền kinh tế mới nổi khác cũng chịu chung áp lực. Peru hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 xuống 3%, từ mức 4,2% trước đó do lo ngại tác động từ chiến tranh thương mại. Mexico đang ở bờ vực khủng hoảng bởi nền kinh tế vốn đã khó khăn lại phải đối mặt với nhiều thử thách.
“Xung đột thương mại tạo nên bất ổn và không đối tượng nào có thể an toàn trong màn sương mù này”, Bộ trưởng Tài chính Bahrain chia sẻ.
Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa tìm được cách hoá giải, một số nền kinh tế được hưởng lợi, nhưng chỉ là trong ngắn hạn.