Thương chiến Mỹ - Trung: Xuất khẩu sẽ giảm trong ngắn hạn
Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - TS. Cấn Văn Lực, cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam có khả năng không đạt mức tăng trưởng như năm 2018 do thương mại toàn cầu giảm, do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp, do xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng.
Phóng viên: Thương chiến Mỹ - Trung leo thang, theo ông doanh nghiệp lĩnh vực nào sẽ chịu tác động lớn nhất?
TS. Cấn Văn Lực: Theo tôi thì doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu nước ta chịu tác động lớn nhất, nhất là những doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều. Một số doanh nghiệp FDI cũng chịu tác động nhưng không đáng lo ngại do khả năng chống chịu rủi ro của công ty mẹ của những doanh nghiệp này rất tốt.
Ông có thể nói rõ hơn về tác động đối với doanh nghiệp xuất khẩu?
Qua đánh giá, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động tương đối tiêu cực đối với tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn. Trong khi đó, tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kể cả Mỹ và Trung Quốc năm nay dự báo sẽ giảm hơn năm ngoái. Theo lẽ đó, khi tăng trưởng giảm, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cũng sẽ giảm. Vì thế xuất khẩu của Việt Nam có khả năng không đạt mức như 2018. Kim ngạch xuất khẩu đạt 78,76 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm 2019 mới hoàn thành gần 30% so với kế hoạch. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7 - 8% mà Quốc hội giao, xuất khẩu hàng hóa trong 8 tháng còn lại phải đạt từ 184 tỷ USD trở lên, tương ứng khoảng 23 tỷ USD/tháng.
Phân tích của chúng tôi cho thấy xuất khẩu sẽ giảm trong ngắn hạn nhưng về lâu dài là không đáng quan ngại, do dòng vốn từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn FDI đang hoạt động tại Trung Quốc cũng như dòng vốn của doanh nghiệp Trung Quốc. Khi đó sẽ tạo ra những hiệu quả sản xuất, kinh doanh mới, giúp xuất khẩu tăng bằng hoặc hơn năm 2018.
Nhiều ý kiến quan ngại nguy cơ hàng hóa Trung Quốc giả thương hiệu Việt để xuất khẩu ra thị trường thế giới, vậy ý kiến của ông?
Điều ấy có thật và nó tác động một phần lên hàng hóa Việt Nam. Khi hàng hóa của Trung Quốc không xuất khẩu được, họ sẽ xuất khẩu sang Việt Nam hoặc đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Do đó, phải hết sức nghiêm với hành vi đội lốt, phải kiểm tra, kiểm soát, thanh tra thường xuyên và rất chặt chẽ.
Về việc hàng Trung Quốc đẩy sang Việt Nam, doanh nghiệp trong nước cần sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam phải lường trước được sự cạnh tranh này để chủ động tăng cường chất lượng sản phẩm và giá cả phù hợp. Nhưng tôi nghĩ những cái đó chỉ là xu thế ngắn hạn, bởi Trung Quốc sẽ đa dạng hóa thị trường, không riêng thị trường Việt Nam.
Diễn biến thương chiến Mỹ - Trung thay đổi nhanh, theo ông thì doanh nghiệp Việt Nam nên ứng phó thế nào?
Doanh nghiệp cần đánh giá kỹ hơn những tác động rủi ro từ chiến tranh thương mại đối với ngành nghề của mình để đưa ra đối sách, giải pháp đúng. Kế đó, cần chú trọng công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính, tiền tệ, rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Những công cụ này hiện nay các ngân hàng thương mại đều có nhưng cần có sự phối hợp với doanh nghiệp để kiểm soát rủi ro về tỷ giá, về lãi suất tốt hơn.
Tôi cũng khuyến cáo doanh nghiệp và các địa phương chủ động và tăng năng lực hấp thụ sự dịch chuyển các dòng vốn và tăng khả năng kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng cơ hội hiện nay. Đồng thời cũng phải sàng lọc các dự án đầu tư để đảm bảo môi trường, tính hiệu quả, tính kết nối giữa doanh nghiệp trong nước.
Cảm ơn ông!