Thương hiệu Việt bao giờ mạnh?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Giải đáp câu hỏi này không phải dễ khi hàng Việt ngày càng bị lấn át bởi hàng ngoại, trong khi giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện thua nhiều nước trong khu vực và chỉ trên…Campuchia. Ngày “Thương hiệu Việt Nam” 20/4 năm nay sẽ trở nên ý nghĩa hơn nếu các doanh nghiệp Việt ý thức rõ việc cấp thiết phải có chiến lược xây dựng thương hiệu mạnh để cạnh tranh trước hội nhập.

Xây dựng thương hiệu mạnh sẽ giúp các DN Việt bán được nhiều hàng và với mức giá cao hơn.
Xây dựng thương hiệu mạnh sẽ giúp các DN Việt bán được nhiều hàng và với mức giá cao hơn.

Với một quốc gia có hơn 90 triệu dân, Việt Nam chỉ có 500 nhãn hàng được xếp vào loại tiêu chuẩn “hàng Việt Nam chất lượng cao”. Ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) từng phải thốt lên như vậy trong một diễn đàn về hội nhập. Và ông than phiền rằng năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam với hàng ngoại là điều đáng lo.

Dai dẳng nỗi lo thương hiệu

Lâu nay, khi nói đến cạnh tranh trong hội nhập, giới chuyên gia đều lưu ý rằng một trong những điểm yếu của doanh nghiệp (DN) Việt là thiếu chiến lược xây dựng thương hiệu. Trong khi số DN nội được xem là thương hiệu mạnh ở Việt Nam và trên thị trường quốc tế xem ra vẫn còn quá khiêm tốn.

Theo kết quả khảo sát gần đây của Bộ Công Thương,ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn khá mờ nhạt. Nguyên nhân là do mới chỉ có 20% DN đầu tư xây dựng thương hiệu.

Liệu đó có phải là nghịch lý lớn khi “thương hiệu” chính là yếu tố mang tính sống còn của DN, là sự khẳng định, cam kết của DN về giá trị, đặc tính và những yếu tố về sản phẩm nhằm xác định, duy trì lòng tin của người tiêu dùng?

Theo ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch HĐQT công ty Grant Thornton Việt Nam, có hai yếu tố mà DN Việt Nam cần hết sức lưu ý là mức độ nhận biết thương hiệu của khách hàng và mức độ trung thành của khách hàng đối với thương hiệu.

Ông Kenneth Atkinson cho rằng thương hiệu mạnh giúp DN bán được nhiều hàng và với mức giá cao hơn. Còn sự trung thành của khách hàng chính là yếu tố bảo đảm nguồn doanh thu ổn định và dự đoán được. Cả hai yếu tố này mang ý nghĩa quan trọng trong việc làm tăng giá trị DN.

Lấy trường hợp của doanh nghiệp mình, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, cho biết để tránh rủi ro trong hội nhập thì cần chủ động xây dựng cho mình một chiến lược thương hiệu đúng đắn và hiệu quả với chuỗi lợi thế cạnh tranh cốt lõi.

Điều quan trọng, theo ông Vũ, là xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh, thân thiện, hướng đến cộng đồng và tạo được nhu cầu từ thương hiệu.

Chính nhờ có chiến lược thương hiệu hợp lý, biết phát huy các lợi thế cạnh tranh “sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý, thời gian giao hàng nhanh và dịch vụ hậu mãi tốt” nên như lời ông Lê Phước Vũ, Tập đoàn Hoa Sen hiện đã tạo được ấn tượng thương hiệu Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Thương hiệu nông sản, khi nào?

Thực tế cho thấy, các chiến lược xây dựng thương hiệu mạnh hiện vẫn được tập trung ở các DN lớn có tiềm lực về tài chính, như Hoa Sen chẳng hạn.

Còn với 97% DN Việt là DN nhỏ và vừa thì việc tập trung cho chiến lược thương hiệu vẫn còn nhiều chuyện phải bàn. Đơn cử là các DN trong lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thuỷ sản.

Số liệu khảo sát trước đây của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) từng cảnh báo trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, chỉ có khoảng 15% là của Việt Nam và có đến 90% hàng nông sản Việt được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài, gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng trăm triệu USD.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng các DN kinh doanh các mặt hàng nông sản của Việt Nam nhìn chung vẫn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của thương hiệu, một yếu tố quyết định sự sống còn của DN.

Vì thế, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đang là vấn đề cấp bách nhằm giảm thiệt hại cho nông dân, DN, từng bước nâng cao vị thế của nông sản trên thị trường quốc tế.

Giới chuyên gia khuyến nghị, Nhà nước cần có một kế hoạch dài hạn về việc xây dựng thương hiệu mặt hàng nông sản. Kế hoạch này phải là một bộ phận hợp thành quan trọng trong chiến lược tổng thể của Nhà nước đối với việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam. Nhất là cần lựa chọn sản phẩm, ngành nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển để có cơ chế chính sách đặc thù.

Theo giới chuyên gia, các cơ quan quản lý cần có chính sách thúc đẩy các cơ quan tài chính ngân hàng áp dụng cơ chế tài chính đặc thù ưu tiên việc quảng bá và xây dựng thương hiệu cho DN nhỏ, nhất là trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản, vì hầu hết các DN kinh doanh các mặt hàng này đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn.

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt chỉ có thể phát triển vững chắc khi được đặt trong mối tương quan với việc gia tăng năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và tích cực chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới trên thế giới.