Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề hội nhập quốc tế

TS. ĐẬU ANH TUẤN - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Năm 2015 được đánh giá là năm hội nhập mạnh mẽ và mở cửa sâu rộng của Việt Nam. Nước ta đã hoàn tất đàm phán và ký kết một loạt hiệp định quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc... Việt Nam cũng đã chính thức trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN kể từ ngày 1/1/2016. Như vậy, bước vào năm 2016 cơ hội sẽ mở rộng hơn nữa với kinh tế Việt Nam nhưng đi liền theo đó cũng không ít thách thức đặt ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt lớn, các FTA thế hệ mới, có mức độ tự do hóa sâu, phạm vi rộng với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU)… Các hiệp định này mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn. Đồng thời, thông qua việc thực thi các cam kết của hiệp định thương mại tự do giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để DN tự do sáng tạo, kinh doanh, làm giàu cho DN và cho đất nước.

Các báo cáo đánh giá kết quả thực thi của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) 3 năm, 5 năm trước đây cho thấy, DN Việt Nam dường như chưa khai thác được nhiều cơ hội từ việc gia nhập WTO. Trong khi đó, báo cáo về tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu tận dụng được các ưu đãi thuế quan theo các hiệp định FTA cho biết, sau nhiều năm, mức độ tỷ lệ tận dụng này mới chỉ đạt trung bình khoảng 30%. Để khai thác được hết các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, yêu cầu đầu tiên là ở chính bản thân DN, các DN phải thực sự nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Bên cạnh nỗ lực tự thân của khu vực DN, sự hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng rất cần thiết, để giúp các DN Việt Nam (phần lớn là các DN quy mô nhỏ và vừa) vượt qua những thách thức của hội nhập.

Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp Việt Nam

Việc hiểu rõ các cam kết quy định tại các hiệp định FTA (đặc biệt là các cam kết cho phép tiếp cận thị trường đối tác) và vượt qua thách thức cạnh tranh (chủ yếu từ việc mở cửa thị trường cho đối tác nước ngoài) là điều kiện tiên quyết để DN có thể tận dụng các cơ hội cũng như xử lý các rủi ro, thách thức từ các hiệp định FTA. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiểu biết của DN về các hiệp định FTA quan trọng, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) còn rất hạn chế, dù thái độ chung của DN là lạc quan trước các FTA này.

Doanh nghiệp nhận thức thế nào về các FTA?

- Liên quan tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 công bố tháng 3/2015 do VCCI thực hiện, vẫn có khoảng 30% các DN không biết về việc Việt Nam đàm phán Hiệp định TPP, 70% các DN biết về hiệp định này cũng chủ yếu là “có nghe nói tới” chứ chưa hiểu biết sâu sắc về Hiệp định. Nhóm DN dân doanh tuy có thái độ lạc quan ở mức cao nhất về Hiệp định TPP (66% ủng hộ việc Việt Nam đàm phán TPP) nhưng lại là nhóm hiểu biết sơ sài nhất về việc đàm phán này. Nhóm DN ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ủng hộ Hiệp định TPP, mặc dù họ lo lắng trước tương lai thực thi Hiệp định TPP. Trong khi đó, các DN trong lĩnh vực dịch vụ, xây dựng, khai khoáng lại cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ với Hiệp định này.

- Liên quan tới Hiệp định EVFTA: Báo cáo kết quả điều tra về sự sẵn sàng của các DN trước Hiệp định EVFTA, do VCCI thực hiện vào tháng 8/2015 cho thấy, mặc dù mức độ hiểu biết của các DN Việt Nam về Hiệp định EVFTA có phần khả quan hơn Hiệp định TPP, mức độ sẵn sàng của các DN này trước Hiệp định EVFTA vẫn còn nhiều lo ngại. Cụ thể, mặc dù có tới 82% DN được điều tra đã biết về việc Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định EVFTA ở các mức độ khác nhau, song có tới gần 57% trong số đó “chỉ nghe nói tới” mà không biết gì sâu hơn và số đã tìm hiểu kỹ chỉ vỏn vẹn chưa đầy 4%. Về chất lượng của các nguồn thông tin, trong khi có 52% DN đánh giá các thông tin từ nguồn hiệp hội, VCCI là từ bình thường đến mức khá chi tiết thì tỷ lệ này ở nguồn Đoàn đàm phán và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ là 24% và 34% (theo chiều ngược lại, có tới 58-68% DN cho rằng, thông tin từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Đoàn đàm phán là “hầu như không đáng kể”; trong khi, tỷ lệ này chỉ là 30% đối với nguồn thông tin từ các Hiệp hội và VCCI).

Tuy nhiên, kết quả trên có sự phân hóa nhất định theo nhóm DN. Dường như các DN dân doanh và FDI dựa khá nhiều vào nguồn tin từ các hiệp hội và VCCI, trong khi các DN nhà nước lại nhận được nhiều thông tin từ việc tham vấn với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là điều đáng lo ngại, mặc dù VCCI và các hiệp hội là các đầu mối thông tin cho các DN nhưng từ góc độ phân tích các nội dung cam kết thì Đoàn đàm phán và các bộ, ngành liên quan mới là các đơn vị có thông tin chi tiết, chính xác và đầy đủ nhất cho các DN.

Kỳ vọng của DN trước Hiệp định EVFTA, kết quả điều tra cho thấy, 53% DN cho rằng, Hiệp định EVFTA sẽ có tác động tích cực tới tương lai kinh doanh của mình, trong khi đó chỉ có 3% DN đánh giá, Hiệp định EVFTA sẽ có tác động tiêu cực đến tương lai kinh doanh của họ. 18% DN khác cho rằng, Hiệp định EVFTA sẽ vừa có tác động tiêu cực vừa có tác động tích cực, trong khi 5% DN đánh giá Hiệp định EVFTA sẽ không có tác động gì đáng kể. Có 20% DN chưa thể xác định được tác động của Hiệp định EVFTA và vì vậy không có ý kiến.

Mức độ chuẩn bị của doanh nghiệp

Theo Báo cáo Điều tra về mức độ chuẩn bị của DN Việt Nam để thực thi các Hiệp định FTA thực hiện vào tháng 8/2015 của VCCI cho thấy, các DN Việt Nam dường như vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thực thi các FTA nói chung cũng như Hiệp định EVFTA nói riêng. Kết quả điều tra của VCCI cho thấy, 63% DN chưa có bất kỳ hành động chuẩn bị nào để chuẩn bị cho việc thực thi các FTA trong tương lai. Đối với các DN đã có sự chuẩn bị, phần nhiều mới chỉ chuẩn bị “một chút”, chủ yếu tập trung vào những hoạt động dễ, ít tốn kém, chỉ đòi hỏi thái độ mở, chủ động tiếp nhận là chính (chủ yếu là tìm hiểu, tìm kiếm thông tin từ bên ngoài) mà chưa phải những hoạt động đòi hỏi những nỗ lực chủ động và nguồn lực thực sự từ bên trong (như đào tạo nhân lực, chuẩn bị nguồn lực, nghiên cứu để tham vấn chính sách…).

Đề cập sâu hơn về những lý do chủ yếu giải thích tại sao sự chuẩn bị của DN cho Hiệp định EVFTA nói riêng và các Hiệp định FTA nói chung còn hạn chế, có tới 65% DN cho biết, họ không có thông tin thích hợp về các cam kết, 40% nói họ không có đủ nguồn lực hay nhân lực để tiến hành các hoạt động chuẩn bị và 35% thừa nhận là họ không biết phải chuẩn bị gì, bởi không được hướng dẫn gì. Một số lý do khác cũng được nhắc tới nhưng ở mức độ ít hơn, ví dụ do DN cho rằng, các Hiệp định FTA nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình (17%). Cũng có một nhóm nhỏ cho biết kinh nghiệm thực hiện các FTA trước đây, không chuẩn bị gì cũng không sao cả (8%), không chuẩn bị gì vì có chuẩn bị cũng không ăn thua (5%), hoặc thấy các DN như mình không ai chuẩn bị gì (5%). Kết quả này cho thấy, nguyên nhân dẫn tới việc DN hầu như chưa chuẩn bị gì nhiều cho các FTA là từ cả các nguyên nhân khách quan (thiếu thông tin, hướng dẫn) và chủ quan (thiếu nguồn lực). Và việc khắc phục những bất cập này lại không phải chuyện quá khó khăn (bởi thông tin về các FTA các cơ quan Nhà nước đã có, việc hướng dẫn DN cũng như vậy và nếu cơ quan Nhà nước làm tốt những việc này thì chi phí nguồn lực mà DN bỏ ra để chuẩn bị sẽ giảm tương đối).

Khi được hỏi “nếu Hiệp định EVFTA được ký kết, DN mong đợi gì ở các cơ quan Nhà nước”, 78% các DN cho biết, họ cần những biện pháp hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước, để tận dụng tốt nhất những cơ hội và vượt qua thách thức từ Hiệp định EVFTA; 72% cho rằng Nhà nước cần thiết phải có một cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, giải thích, tư vấn cho DN về Hiệp định EVFTA; 63% nhấn mạnh cần có một đầu mối cung cấp tất cả các thông tin về Hiệp định EVFTA mà DN cần. Số các DN khẳng định sẽ tự chuẩn bị, không hy vọng gì được Nhà nước hỗ trợ là rất nhỏ (5%); còn số DN không chuẩn bị gì, cũng không cần Nhà nước hỗ trợ gì, tới đâu sẽ lo tới đó, số DN này chỉ chiếm chưa đầy 1%.

Tầm quan trọng của cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp?

Cung cấp thông tin và hỗ trợ DN trong tìm hiểu và thực thi các cam kết thương mại là hoạt động đã và đang được Chính phủ rất quan tâm trong thời gian qua. Từ sau thời điểm Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, nhiều hoạt động phổ biến, tuyên truyền, cung cấp thông tin về các cam kết WTO đã được các bộ, ngành triển khai. Toàn văn các cam kết đã được đăng tải trên website của các bộ, ngành. Hàng trăm các hội thảo, đào tạo về WTO đã được thực hiện. Nhiều bài báo, chương trình truyền hình, ấn phẩm… tuyên truyền, phổ biến về cam kết WTO đã được phát hành rộng rãi trên khắp cả nước. Với các FTA cũng vậy, mức độ tuyên truyền, phổ biến tuy có phần ít hơn, song quy mô vẫn lớn cả về tần suất và diện bao phủ và được các bộ, ngành liên quan thực hiện mạnh mẽ theo cách này hay cách khác.

Tuy nhiên, đánh giá tổng thể cho thấy, những thông tin về các cam kết WTO, về các Hiệp định FTA và hội nhập mà DN cần biết lại rất thiếu, bởi nhiều nguyên nhân:

Một là, các cam kết, hiệp định được đăng tải toàn văn trên các website của các bộ, ngành là quá phức tạp, quá hàn lâm, khó hiểu với các DN; thậm chí vẫn còn có những hiệp định, cam kết chưa từng được đăng tải, dù chỉ là đăng toàn văn;

Hai là, thông tin cung cấp qua các khóa đào tạo, hội thảo, các phương tiện thông tin đại chúng còn chung chung, sơ sài, chưa đi vào cụ thể từng lĩnh vực, khía cạnh mà DN quan tâm;

Ba là, đối với những vướng mắc cụ thể về các vấn đề liên quan tới cam kết của DN thì không có một đơn vị hay đầu mối nào đứng ra để giải đáp, hướng dẫn một cách chính danh.

Tóm lại, thiếu thông tin cụ thể, thiếu những hướng dẫn rõ ràng, thiếu các đầu mối giải thích cam kết… được cho là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng các DN Việt Nam chưa tận dụng, nắm bắt được các cơ hội to lớn mà các cam kết thương mại quốc tế mang lại.

Trong nỗ lực cải thiện tình hình cung cấp thông tin cho DN trong hội nhập, VCCI đã thành lập một đơn vị riêng, chuyên trách về các vấn đề hội nhập để hỗ trợ DN về WTO và các cam kết mở cửa thương mại - Trung tâm WTO và Hội nhập (gọi tắt là Trung tâm WTO và Hội nhập) thuộc VCCI đã ra đời từ năm 2010. Cho đến nay, sau 5 năm hoạt động, Trung tâm WTO và Hội nhập đã trở thành đầu mối thông tin và hỗ trợ pháp lý về hội nhập cho DN lớn nhất tại Việt Nam. Ba lĩnh vực hoạt động hỗ trợ chủ yếu của Trung tâm WTO và Hội nhập, gồm:

(i) Cung cấp thông tin pháp lý và thực tiễn cập nhật về các cam kết WTO và các hiệp định FTA cho DN với tất cả các thông tin đều được xử lý/tóm tắt phù hợp với trình độ và sự quan tâm của DN (website: www.trungtamwto.vn và www.wtocenter.vn với tổng cộng gần 15 triệu lượt truy cập; bản tin quý về chính sách thương mại quốc tế với trên 15 số đã phát hành; trên 40 cẩm nang tóm tắt nội dung các hiệp định, cam kết trong WTO…);

(ii) Tư vấn, hướng dẫn DN về các vấn đề WTO, các hiệp định FTA và hội nhập qua các đơn vị chuyên môn (ví dụ như Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ thương mại đã hỗ trợ tư vấn cho DN, hiệp hội trong tất cả các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ liên quan tới DN Việt Nam ở trong nước và nước ngoài), qua đường dây nóng (hàng trăm lượt tư vấn mỗi năm);

(iii) Hỗ trợ, đại diện cho cộng đồng DN đưa ra các khuyến nghị về phương án đàm phán các hiệp định FTA thế hệ mới, các hiệp định/thỏa thuận/công ước/điều ước khác có liên quan tới thương mại (trung bình Trung tâm WTO và Hội nhập đề xuất khoảng 30 khuyến nghị/năm).

Nỗ lực của Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đã mang lại những hiệu quả ban đầu thiết thực. Tuy vậy, các hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đạt được kỳ vọng, bởi nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, thiếu nguồn lực thực hiện: Trong nhiều trường hợp, do không có nguồn lực, các hoạt động hỗ trợ DN chưa được thực hiện kịp thời và với tần suất mong muốn. Ví dụ: Do hạn chế về kinh phí cho dịch thuật nên không thể cung cấp thông tin bằng tiếng Việt cho các DN về những vấn đề nóng trong hội nhập trên thế giới; cũng do hạn chế về kinh phí nên không thể thuê tư vấn tốt để thực hiện việc xử lý, tóm tắt các cam kết và chuyển tải sang ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với DN; không kịp thời soạn thảo xuất bản được các ấn phẩm, cẩm nang hữu ích cho DN…

Thứ hai, thiếu hỗ trợ chuyên môn từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Các cán bộ đàm phán và thực thi là những người hiểu rõ nhất, chính xác nhất về các cam kết và vì vậy cũng là những người có thể giải thích, tư vấn tốt nhất cho DN. Tuy nhiên, không phải lúc nào VCCI cũng nhận được sự phối hợp, hỗ trợ về chuyên môn của các cán bộ, cơ quan này trong việc giải đáp vướng mắc, tư vấn cho DN; mọi sự phối hợp (nếu có) đều phụ thuộc vào sự thiện chí của từng cá nhân, chứ hoàn toàn không có một cơ chế phối hợp, thường xuyên và ràng buộc nào từ phía các bộ, ngành liên quan.

Thứ ba, thiếu các đầu mối giải thích cam kết chính thức: Trong quá trình thực thi các cam kết, nhiều trường hợp tư vấn hay giải thích từ phía VCCI chỉ có tính chất tham khảo, DN cần có sự giải thích thống nhất và có hiệu lực từ các cơ quan có thẩm quyền để áp dụng trong trường hợp cụ thể của mình. Tuy nhiên, hiện chưa có một cơ quan nào được giao trách nhiệm và thẩm quyền này. Điều này, dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi triển khai trong thực tế, bởi cơ quan quản lý ở địa phương và DN có cách hiểu khác nhau về các cam kết và không ai làm trọng tài cho các trường hợp này.

Hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một loạt các hiệp định FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, mức độ cam kết sâu, những cơ hội và thách thức đặt ra đối với DN dự kiến sẽ rất lớn. Các DN Việt Nam lại chưa có thông tin và cũng chưa có sự chuẩn bị cần thiết cho việc tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức này. Và DN rất cần những hỗ trợ thông tin, tư vấn từ các cơ quan Nhà nước liên quan. Do đó, đề nghị Chính phủ có các biện pháp thích hợp để tăng cường việc cung cấp thông tin và tư vấn cho DN, đặc biệt liên quan tới Hiệp định TPP và Hiệp định EVFTA, bao gồm:

Thứ nhất, chỉ định các đơn vị có thẩm quyền trong việc hướng dẫn, giải thích nội dung các cam kết một cách chính thức cho các DN.

Thứ hai, đặt ra cơ chế phối hợp bắt buộc giữa các cơ quan có chuyên môn về các cam kết hội nhập với các đầu mối cung cấp thông tin, tư vấn cho DN như Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), để kịp thời hỗ trợ DN trong những thông tin, tư vấn những về những vấn đề đòi hỏi chuyên môn sâu của cán bộ đàm phán, thực thi. Trước mắt, liên quan tới việc phổ biến, truyên truyền các cam kết các Hiệp định TPP, Hiệp định EVFTA, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Đoàn đàm phán và các bộ, ngành liên quan cử cán bộ có chuyên môn phối hợp với VCCI trong các hoạt động như:

(i) Tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo phổ biến, tuyên truyền cho DN về các khía cạnh, lĩnh vực cam kết của các Hiệp định TPP và EVFTA;

(ii) Tổ chức biên soạn các Cẩm nang hướng dẫn DN về các cam kết Hiệp định TPP, Hiệp định EVFTA cụ thể trong từng ngành;

(iii) Thiết lập đầu mối thông tin để cung cấp thông tin cho DN về các Hiệp định TPP, Hiệp định EVFTA.

Thứ ba, hỗ trợ về nguồn lực cho các đầu mối cung cấp thông tin, tư vấn hội nhập tương tự Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI). Chú ý chỉ hỗ trợ cho những đầu mối chứng minh được rằng, hoạt động có hiệu quả, có sản phẩm và kết quả cụ thể, cho phép công chúng/DN tiếp cận được thuận tiện nhất… không hỗ trợ tràn lan lãng phí nguồn lực như giai đoạn trước đây.

Các hiệp định mở cửa thương mại thời gian qua và những hiệp định FTA thế hệ mới sắp tới chắc chắn sẽ là một động lực mới, mang theo những cơ hội chưa từng có cho nền kinh tế Việt Nam và các DN Việt Nam. Để những cơ hội đó không bị chuyển hóa thành thách thức mà thực sự trở thành hiện thực thì còn rất nhiều việc phải làm. DN sẽ phải là những người đầu tiên cần thay đổi. Vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh sẽ là việc tiên quyết phải làm, do vậy DN mong muốn Chính phủ hỗ trợ trong việc hiểu, nắm bắt và tận dụng các cơ hội cũng như vượt qua những thách thức của hội nhập.