Thương mại điện tử: Cánh cửa mở để vươn xa
Việc tiếp cận và tận dụng sức mạnh của TMĐT thông qua các sàn giao dịch lớn và uy tín là cách tốt nhất để vừa quảng bá sản phẩm, vừa thúc đẩy doanh số bán hàng và gây dựng thương hiệu.
Trong cuộc CMCN 4.0 thì TMĐT được xem là xu thế phát triển mạnh mẽ được các DN hướng tới. Các DN trong nước cũng đang nắm bắt cơ hội tham gia vào các sàn TMĐT lớn như Amazon, Alibaba... để mở rộng thị trường cũng như nâng cao và quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, các DN cần phải trang bị những kỹ năng về TMĐT và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để có thể thành công.
Sự bùng nổ của TMĐT trong những năm gần đây cũng đang tạo thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, đồng thời các DN cũng thông qua các sàn TMĐT để mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2018 đạt 130 tỷ USD, trong đó TMĐT chiếm khoảng 4 tỷ USD, tương đương khoảng 3%.
Các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada và Tiki… đã hút lượng lớn các DN và người tiêu dùng khiến thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam sôi động. Đơn cử, hiện nay tại Shopee có hơn 700 thương hiệu hàng đầu và nhà bán hàng trong và ngoài nước hoạt động. Không chỉ các thương hiệu lớn trên thế giới hợp tác với Shopee mà hiện trong nước các DNNVV cũng đang ngày càng mở rộng quy mô cũng như đa dạng hóa các sản phẩm để bán hàng trên sàn TMĐT này.
Việc tiếp cận và tận dụng sức mạnh của TMĐT thông qua các sàn giao dịch lớn và uy tín là cách tốt nhất để vừa quảng bá sản phẩm, vừa thúc đẩy doanh số bán hàng và gây dựng thương hiệu. Cách làm này giúp DN tiết kiệm khá nhiều thời gian, công sức, chi phí. Dự báo trong năm 2019 sẽ có ngày càng nhiều DNNVV tham gia sàn TMĐT.
Các sàn TMĐT không chỉ hỗ trợ các DN tham gia bán hàng trực tiếp mà đã có những động thái chính sách hỗ trợ trực tiếp các DN Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu thông qua các chương trình hợp tác, đào tạo.
Đơn cử trong năm 2018, Tập đoàn Alibaba triển khai chương trình hỗ trợ DNNVV Việt Nam xuất khẩu sản phẩm trực tuyến sang thị trường toàn cầu theo mô hình B2C. Theo thống kê, đến nay đã có hơn 1.000 DN Việt là thành viên Gold Supplier trên Alibaba. Sàn TMĐT này sẽ hỗ trợ các DN sản xuất trưng bày sản phẩm đến người mua trên toàn thế giới thông qua công cụ tiện ích của nền tảng TMĐT công nghệ thông tin. Đồng thời hỗ trợ các DN có cơ hội tiếp xúc với các yêu cầu chào giá từ người mua hàng và tiến hành chào giá đến các người mua…
Mới đây, sự kiện “gã khổng lồ” về TMĐT trên thế giới là Amazon đổ bộ vào thị trường Việt Nam thông qua việc phối hợp với Bộ Công thương hỗ trợ 200 DN Việt Nam xuất khẩu hàng qua TMĐT được rất nhiều DN quan tâm. Theo Cục Xúc tiến thương mại, thông qua chương trình này hợp tác này, các sản phẩm của DN Việt Nam, nhất là DNNVV sẽ có cơ hội tiếp cận với hàng triệu khách hàng trên thế giới, từ đó mở ra cơ hội xuất khẩu lớn, đặc biệt đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày, sản phẩm tiêu dùng...
Theo Bộ Công thương, hiện đã có khoảng 3.000 DN nộp hồ sơ đăng ký bán hàng qua trang TMĐT này. Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling lựa chọn thí điểm 100 DN tiềm năng trong những ngành hàng mục tiêu có sản phẩm đáp ứng với các tiêu chí của Amazon để đưa vào hệ thống bán lẻ trực tuyến. Thông qua chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon, DN có thể tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng trên khắp thế giới và 1 triệu khách hàng là các cơ sở, DN.
Năm 2019 được xem là năm bùng nổ của kinh doanh trực tuyến. Sự mở rộng hợp tác của các sàn TMĐT hàng đầu trên thế giới với các DN Việt Nam là cơ hội lớn cho các DN mở rộng quy mô, cũng như tiếp cận với nhiều thị trường trên thế giới.