Thương mại trên nền tảng số: Đánh thức “mỏ vàng”

Theo Quỳnh Anh/baocongthuong.vn

Việt Nam đã và đang thu được “trái ngọt” từ thương mại trên nền tảng số, với giá trị kinh tế lên đến 81.000 tỷ đồng vào năm 2017 và tiềm năng có thể tăng lên đến 953.000 tỷ đồng vào năm 2030. Thậm chí, nếu kỹ thuật số cũng được coi là một lĩnh vực, đây sẽ là ngành xuất khẩu lớn thứ 8 trong nền kinh tế Việt Nam, trị giá tới 97.000 tỷ đồng và tăng thêm 570% vào năm 2030, với giá trị 652.000 tỷ đồng.

Không lâu nữa, thương mại số của Việt Nam sẽ phát triển đột phá. Nguồn: Internet
Không lâu nữa, thương mại số của Việt Nam sẽ phát triển đột phá. Nguồn: Internet

Những con số ấn tượng này được đưa ra trong báo cáo về những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong thương mại trên nền tảng số, do Công ty AlphaBeta cùng Quỹ Hinrich và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố tại Hà Nội.

Báo cáo trên cũng nêu rõ, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng kênh thương mại điện tử xuyên biên giới; hợp tác với những nhà phân phối trực tuyến. Đặc biệt, một số doanh nghiệp khéo léo tận dụng sức hấp dẫn toàn cầu của thực phẩm Việt Nam để tiếp cận nhiều đối tượng hơn thông qua kênh YouTube.

Tuy nhiên, hiện còn một số quan ngại về ngành kinh tế này. Đó là việc bảo vệ quyền riêng tư của công dân, an ninh quốc gia, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp kỹ thuật số và việc làm, bảo vệ cơ sở tính thuế trong nước. Theo TS. Konstantin Matthies – đại diện Công ty AlphaBeta, các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ địa phương bảo mật dữ liệu kém hơn so với nhà cung cấp toàn cầu.

Do vậy, để có thể đánh thức "mỏ vàng" thương mại trên nền tảng số nói chung, kỹ thuật số nói riêng, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có chính sách cởi mở, thông thoáng hơn và đặc biệt, hành động trong 3 lĩnh vực quan trọng. Thứ nhất, bảo đảm lưu lượng dữ liệu mở và khả năng tương tác. Thứ hai, xem xét lại các hạn chế về nội dung, khuyến khích biện pháp hướng đến sáng kiến đổi mới trong quy định về bản quyền và trách nhiệm trung gian. Thứ ba, giảm thiểu các rào cản trong hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Có thể nói, mặc dù còn khá nhiều tồn tại như tập quán thương mại, quy mô doanh nghiệp, tính liên kết… nhưng với quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và khoa học - công nghệ của Chính phủ cộng với nguồn nhân lực có tiềm năng lớn, giàu khát vọng, hoàn toàn đủ cơ sở để tin rằng, không lâu nữa, thương mại số của Việt Nam sẽ phát triển đột phá.