Tích cực gỡ khó về tín dụng cho nhà ở xã hội

Minh Vân

Ngoài gói 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm. Gói ưu đãi này sẽ tạo thêm động lực cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp vay tiền mua nhà.

Dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông của Công ty Địa ốc Hoàng Quân đã bàn giao đưa vào sử dụng. Ảnh: HQC
Dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông của Công ty Địa ốc Hoàng Quân đã bàn giao đưa vào sử dụng. Ảnh: HQC

Đề xuất gói vay mới cho người mua nhà ở xã hội

Theo Bộ Xây dựng, đến nay có 30 địa phương trên cả nước công bố danh mục 72 dự án nhà ở xã hội (NOXH) đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ này cho rằng phát triển NOXH tại nhiều địa phương còn hạn chế. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ triển khai thấp so với mục tiêu đề án, dù tập trung nhiều khu công nghiệp như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ, Long An...

Đánh giá về tốc độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, gói tín dụng này đã giải ngân được 1.144 tỷ đồng, bao gồm 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư các dự án vay, 11 tỷ đồng cho người mua nhà vay. Như vậy, so với thời điểm hồi tháng 3, giải ngân gói này đã tăng gần gấp đôi về số vốn, nhưng cũng chỉ đạt gần 1% quy mô gói vay.

Ngoài gói 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10 - 15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).

"Gói ưu đãi này sẽ tạo thêm động lực cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp vay tiền mua nhà", Bộ Xây dựng cho biết.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), để cuộc đua phát triển NOXH có hiệu quả và bền vững cần đảm bảo hai yếu tố mấu chốt là quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi.

Ông Châu cũng đề nghị tăng thêm lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư NOXH lên 15%, thay vì 10% như trước. Quy định này áp dụng cho chủ đầu tư tự tạo lập quỹ đất, mục tiêu thu hút thêm nhiều doanh nghiệp cùng tham gia cuộc đua phát triển nhà xã hội.

Theo Chủ tịch HoREA, các doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án NOXH.

Theo chuyên gia,, để cuộc đua phát triển nhà ở xã hội có hiệu quả và bền vững cần đảm bảo hai yếu tố mấu chốt là quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi. Ảnh: minh họa
Theo chuyên gia,, để cuộc đua phát triển nhà ở xã hội có hiệu quả và bền vững cần đảm bảo hai yếu tố mấu chốt là quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi. Ảnh: minh họa

Do đó, ông Lê Hoàng Châu đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo sở Xây dựng các địa phương thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án NOXH đã có chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.

"Về quỹ đất để phát triển NOXH, Hiệp hội đề nghị các địa phương bố trí đủ quỹ đất để phát triển NOXH khi lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định và triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư", ông Châu đề xuất.

Nhận định về gói tín dụng dành cho NOXH, Chủ tịch HoREA cho biết, nguyên nhân cốt yếu là gói tín dụng này "chưa phù hợp với người dân". Dù Ngân hàng Nhà Nước đã hai lần điều chỉnh hạ lãi suất, hiện còn 8% một năm với doanh nghiệp và 7,5% mỗi năm với người mua nhà, song đây vẫn là mức khá cao. Mức lãi này còn được điều chỉnh 6 tháng một lần, sau đó thả nổi khiến người mua nhà xã hội "bất an nên ngại vay".

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng thêm 2 đối tượng được vay bao gồm người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.

"Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8-5%, thời hạn vay tối đa 25 năm để thực hiện Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH trong giai đoạn 2021-2030", ông Châu đề xuất.

Nhiều “ông lớn” bất động sản vào cuộc

Xây dựng nhà ở xã hội đang rất được nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành tham gia. Chẳng hạn như Vinhomes của Tập đoàn Vingroup đã khởi công 4 dự án nhà ở xã hội tại TP. Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa, bổ sung hơn 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và quỹ nhà ở tại các địa phương.

Đồng thời, Tập đoàn Vingroup cũng đang tiếp tục thực hiện thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh.

Hay mới đây, Tập đoàn Novaland vừa ký hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân để xây nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Theo thỏa thuận, các bên sẽ cùng đóng góp tài chính, năng lực, kinh nghiệm, khai thác quỹ đất hiện có của cả hai bên để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội tiềm năng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khác như Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An...

Với sự hợp tác này, Novaland cùng Địa ốc Hoàng Quân dự kiến có thể bàn giao 3.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay tại nhiều địa phương. Đồng thời, hai bên sẽ cùng triển khai nghiên cứu phát triển dự án nhà ở xã hội mới thuộc quỹ đất hiện có của Novaland.

Hay như "ông lớn" bất động sản khu công nghiệp Tổng công ty Đầu tư và Phát triển (Becamex) cũng đã thực hiện trên 45.000 căn hộ vừa là nhà ở công nhân, vừa là nhà ở xã hội tại Bình Dương. Một căn hộ có diện tích 30 m2 bao gồm cả gác lửng, giá bán mỗi căn là 100-300 triệu đồng. Trong năm 2024 tại tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp này cũng sẽ ưu tiên khởi công 10.000 căn nhà ở xã hội.

Trước đó, CTCP Hưng Thịnh Incons (HTN) - thành viên nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng có kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội. Hồi tháng 12/2023, liên danh của Hưng Thịnh Incons đã đăng ký thực hiện dự án khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Cầu Rào 2 (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng.