Ngành Tài chính:

Tích cực hưởng ứng Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025


Hướng tới thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1734/QĐ-BTC ngày 05/9/2022 về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021–2025.

Tại Quyết định số 1734/QĐ-BTC, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; cân đối nguồn chi thường xuyên, tổng hợp dự toán chi thường xuyên hàng năm để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương cho các Bộ, ngành, địa phương.

Toàn Ngành đẩy mạnh việc kết hợp chặt chẽ các phong trào thi đua thường xuyên hàng năm, các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề với Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 và gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cùng với đó, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, các mô hình, cách làm sáng tạo trong thực hiện chính sách, Chương trình giảm nghèo; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua.

Giai đoạn 2022-2025, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ và các cơ chế, chính sách khác theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cụ thể: Nghị định thay thế Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 31/2007/QĐTTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn...

Tại Quyết định này, Bộ Tài chính đề ra một số giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả với Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, bao gồm: (1) Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; (2) Cấp ủy Đảng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai có hiệu quả Phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, tránh hình thức, lãng phí; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể trong việc chỉ đạo Phong trào thi đua; sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tiến hành tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2025; (3) Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; mở chuyên trang chuyên mục, tăng cường thời lượng tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào thi đua.

Bộ Tài chính đề nghị Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm phổ biến, quán triệt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025 của Bộ Tài chính tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Tài chính. Đồng thời, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, kết quả tổ chức thực hiện Phong trào thi đua và gửi báo cáo về Vụ Thi đua - Khen thưởng trước ngày 30/11 hằng năm để tổng hợp, trình Bộ, báo cáo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương theo quy định. Bộ Tài chính giao Vụ Thi đua - Khen thưởng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai Phong trào thi đua; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này. 

Hưởng ứng Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn và các cơ chế, chính sách liên quan đến chính sách giảm nghèo trong năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, có thể kể đến như:

- Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp chủ trì).

- Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Hân Nguyễn