Cần tăng cường vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn
(Tài chính) Khu vực nông nghiệp, nông thôn có khoảng 70% dân số sinh sống và khoảng 60% lao động của cả nước, đóng góp 20% GDP. Nông nghiệp, nông thôn xưa - nay khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế quốc dân, nhất là khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, mất cân đối vĩ mô. Như người xưa đã tổng kết "phi nông, bất ổn"! Tuy nhiên, vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thiếu, mới đáp ứng hơn 1/2 nhu cầu.
Thực trạng đầu tư nông nghiệp, nông thôn
Hội nghị Trung ương 7 khóa X đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể hóa chỉ đạo của Nghị quyết 26, Chính phủ cũng đã ban hành một loạt các văn bản, như: Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị định 61/2010/NĐ-CP nhằm khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, hay Quyết định 315/QĐ-TTg (về bảo hiểm nông nghiệp), Quyết định 1956/QĐ-TTg (về đào tạo nghề nông thôn)...
Trước khi có Nghị quyết 26, tổng vốn đầu tư bố trí cho nông nghiệp, nông thôn bình quân trong 3 năm 2006 - 2008 là 146.575 tỷ đồng (bình quân mỗi năm là 48.858 tỷ đồng), bằng 45,2% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Sau khi Nghị quyết 26 ra đời, mức đầu tư cho lĩnh vực này tăng lên rõ rệt: Năm 2009, tổng vốn đầu tư cho khu vực này là 90.006 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2008; Năm 2010 là 94.754 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2009; Năm 2011 là 100.615 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2010. Tính chung trong 3 năm (2009-2011), tổng vốn đầu tư công bố trí cho khu vực này là 285.465 tỷ đồng, bằng 52% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, gấp 1,95 lần so với trước khi có Nghị quyết 26.
Như vậy, cả giai đoạn 2006-2011, nguồn vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn là hơn 432.000 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Trong đó, đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp là 153.548 tỷ đồng, bằng 35,48% tổng vốn đầu tư; đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn là 279.240 tỷ đồng, bằng 64,52% tổng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, hằng năm Nhà nước đều bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương và nông dân, mỗi năm từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, dịch bệnh... Ngoài ra, nguồn thu từ xổ số kiến thiết cũng được đầu tư cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn mỗi năm khoảng 8.000 tỷ đồng từ. Nhà nước còn hỗ trợ nông dân thông qua chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp khoảng 2.000 tỷ đồng, miễn thu thủy lợi phí khoảng 4.000 tỷ đồng (Vương Đình Huệ, 2013).
Cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, nguồn vốn ODA cho lĩnh vực này cũng ngày càng được mở rộng và tăng cường. Trong giai đoạn 2006-2011, tổng giá trị vốn ODA đã được ký kết lên đến trên 26,897 tỷ USD, với hơn 94% là nguồn vốn vay ưu đãi, trong đó vốn đầu tư dành cho nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp và thủy sản kết hợp phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói, giảm nghèo là 3,833 tỷ USD. Dư nợ cho vay theo cơ chế thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng qua các năm với tốc độ bình quân gần 24%/năm (Vương Đình Huệ, 2013).
Mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng trên thực tế mới chỉ đáp ứng được 55% - 60% yêu cầu, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, một số nơi vẫn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư khiến vốn đầu tư đã ít lại bị lãng phí.
Nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực đầu tư của toàn xã hội còn hạn chế. Cụ thể, đầu tư của tư nhân trong nước vào nông nghiệp, nông thôn chủ yếu dựa vào nguồn vốn của hộ gia đình. Theo kết quả Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2011, bình quân mỗi hộ ở nông thôn chỉ có 17 triệu đồng tích lũy, còn hộ nông nghiệp chỉ có 12,5 triệu đồng tích luỹ, tương đương khoảng 600-800USD/hộ/năm. Tích lũy thấp, nên nông dân khó đầu tư máy móc thiết bị, cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm.
Nguồn FDI đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng thấp. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI đầu tư vào nông, lâm, thủy sản năm 2012 chỉ chiếm 0,6% trên tổng vốn đầu tư và đang có xu hướng giảm.
Hệ quả khi vốn chưa đủ
Vốn mới chỉ đáp ứng hơn nửa nhu cầu, nên đã để lại cho nông nghiệp khá nhiều khó khăn. Cụ thể:
Một là, thiếu vốn đầu tư, nên cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn còn lạc hậu. Nền nông nghiệp hiện đại phải là nền nông nghiệp được phát triển dựa trên cơ sở: thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, tự động hóa và sinh học hóa. Thế nhưng, sản xuất nông nghiệp của nước ta về cơ bản vẫn dựa trên lao động thủ công, lao động cơ bắp của người nông dân là chính. Tự động hóa về cơ bản chưa được ứng dụng. Cơ sở vật chất–kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp lạc hậu dẫn đến năng suất lao động của khu vực này rất thấp. Tốc độ tăng năng suất lao động giảm từ 5,7%/năm giai đoạn 1991-1995 xuống còn 4,51%/năm giai đoạn 1996-2000; 4,48%/năm giai đoạn 2001-2005 xuống chỉ còn 3,51%/năm giai đoạn 2006-2010. Khi năng suất lao động thấp và tăng chậm chứng tỏ giá trị thặng dư được tạo ra thấp, sẽ ảnh hưởng tới tích lũy tái đầu tư để tái sản xuất mở rộng cũng như nâng cao mức sống của người dân.
Hai là, do hạn chế của việc thiếu vốn đầu tư nên việc mở rộng các ngành, các lĩnh vực sản xuất trong nông nghiệp đều gặp khó khăn và diễn ra chậm chạp. Việt Nam có 3.260 km bờ biển với vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2, song thủy sản vẫn chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Khai thác hải sản của người dân chủ yếu vẫn ở ven bờ, đánh bắt hải sản xa chưa phát triển, tàu cá công suất nhỏ. Bên cạnh đó, chúng ta có hơn 14,5 triệu ha đất lâm nghiệp, diện tích này chiếm tới 43,8% trong tổng diện tích tự nhiên của nước, nhưng khoảng 20 năm qua, giá trị sản xuất do ngành lâm nghiệp tạo ra chưa bao giờ đạt tới 7% trong tổng giá trị của toàn bộ ngành nông nghiệp.
Ba là, nguồn nhân lực trong khu vực nông nghiệp dồi dào, nhưng trình độ thấp. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này diễn ra khá chậm chạp do thiếu vốn để tổ chức đào tạo nghề trên quy mô rộng. Hiện tại, vẫn còn trên 70% lao động trong nông nghiệp chưa được đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ. Sản xuất nông nghiệp của đất nước vẫn dựa trên nền tảng của kinh tế hộ nông dân là chính; người nông dân thực hiện công việc sản xuất chủ yếu là dựa trên kinh nghiệm "cha truyền, con nối" từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bốn là, thiếu vốn để phát triển, nông dân nước ta vẫn là tầng lớp nghèo nhất trong xã hội. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước là 14,2%, khu vực thành thị có tỷ lệ này là 6,9%, còn khu vực nông thôn tới 17,4%. Đa số nông dân nước ta chưa có nguồn tài chính tích lũy dồi dào để tự đầu tư phát triển các hoạt động sản xuất - kinh doanh, cải thiện đời sống.
Năm là, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đạt yêu cầu và sức cạnh trạnh thấp trên trường quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, nhất là gạo, thủy sản, cà phê chưa được chú trọng. Những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng vẫn còn quá ít khiến cho sản phẩm khi xuất khẩu không bán được giá cao, thậm chí còn bị ép giá. Việt Nam chủ yếu vẫn là xuất khẩu nông sản thô, hàm lượng chế biến thấp.
Một số khuyến nghị
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn. Trước mắt, Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) theo hướng tăng chi đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phân bổ ngân sách nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương thuần nông.
Thứ hai, tăng cường ngân sách nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Bảo đảm đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 cao gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010 như Nghị quyết 26 đã nêu. Nguồn chi ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn nên duy trì tỷ lệ khoảng 60% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách và trái phiếu chính phủ. Tăng cường việc công khai quá trình phân bổ vốn ngân sách nhà nước thông qua các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư.
Thứ ba, tăng vốn đầu tư trực tiếp phát triển nông nghiệp theo hướng ưu tiên nâng cao năng lực, hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ, nhằm tạo ra những đột phá mới về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Chủ trương đầu tư cần quan tâm cơ giới hóa, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giảm thất thoát và gia tăng giá trị của sản phẩm.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển mạng lưới tín dụng nông thôn, tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn với cơ chế ưu đãi đối với nông nghiệp, nông thôn. Tìm cách đưa tín dụng trực tiếp đến tay nông dân thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm, lựa chọn ưu tiên với các mặt hàng có tiềm năng thị trường mà nông dân đang cần vốn đầu tư.
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và nông dân thông qua cho vay theo chuỗi ngành hàng, lấy doanh nghiệp thu mua, chế biến làm trung tâm. Ngân hàng cung cấp tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành hàng có tiềm năng thị trường, có vùng nguyên liệu, có hợp đồng nông sản với nông dân. Doanh nghiệp sử dụng khoản vay để ứng trước vốn, giống, vật tư, thiết bị cho nông dân có hợp đồng nông sản, đồng thời cần tính tới việc tăng tính linh hoạt về vốn cho nông dân. Tóm lại, để vốn tín dụng đầu tư hiệu quả, thì phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết, khi đó tín dụng sẽ bền vững, thậm chí không cần thế chấp cho khoản vay.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thu tiền sử dụng đất, về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nhất là các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản thực phẩm sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các vùng khó khăn. Nhân rộng, phổ biến các mô hình xã hội hóa đầu tư, mô hình quản lý các công trình hạ tầng có hiệu quả, bền vững cho các vùng nông thôn.
Thứ sáu, tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chủ trương thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Lĩnh vực nông nghiệp có nhiều rủi ro, nên bảo hiểm nông nghiệp là cơ sở để các tổ chức tín dụng mạnh dạn hơn trong việc đưa tín dụng vào khu vực này.
Thứ bảy, tăng cường quản lý, tránh đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí. Nguồn lực hạn chế, nên mỗi đồng vốn ngân sách cần được sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Phải tăng trách nhiệm và xử lý nghiêm người quản lý, đối với mọi hành vi đầu tư không hiệu quả, làm thất thoát vốn./.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban chấp hành Trung ương (2008). Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
2. Vương Đình Huệ (2013). Nâng cao hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Tạp chí Cộng sản điện tử, truy cập từ http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/nong-nghiep-nong-thon/2013/21330/Nang-cao-hieu-qua-dau-tu-cong-cho-nong-nghiep-nong-dan.aspx
3. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (2012). Thực trạng, giải pháp và định hướng đầu tư cho "tam nông", Tạp chí Tài chính điện tử, truy cập từ http://www.tapchitaichinh.vn/Nghien-cuu-dieu-tra/Thuc-trang-giai-phap-va-dinh-huong-dau-tu-cho-tam-nong/14038.tctc