Tích cực triển khai Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu

Hải Hòa

Ngày 25/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). Đề án nêu rõ mục tiêu chung chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

 Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Xác định rõ các mục tiêu triển khai Công ước khung

Tại Hội nghị, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế.

Trong những nỗ lực đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Đề án nêu rõ mục tiêu chung chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Các mục tiêu cụ thể được đề ra gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển các-bon thấp, giảm phải thải. Rà soát, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thủ tục, tạo đột phá cho thu hút các dòng vốn đầu tư, phát triển các- bon thấp của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính đầu tư vào Việt Nam thông qua đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật.

Thứ hai, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quốc gia, ngành và địa phương được rà soát, cập nhật, điều chỉnh phù hợp với mục tiêu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.

Thứ ba, các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh. Đến năm 2030, khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải, sử dụng 100% xăng E5; giảm 32,6% lượng phát thải khí nhà kính trong năng lượng, 43% trong nông nghiệp, 70% trong lâm nghiệp và sử dụng đất đồng thời tăng 20% lượng hấp thụ các-bon, 60,7% trong xử lý chất thải, 38,3% trong các quá trình công nghiệp (so với kịch bản phát triển thông thường). Các giải pháp thu hồi và lưu giữ các-bon từ các nguồn phát thải lớn được nghiên cứu, áp dụng rộng rãi.

Thứ tư, xác định chi tiết tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; xác định các khu vực biển thu hút các nhà đầu tư, đưa một số dự án điện gió ngoài khơi vào hoạt động ở các khu vực có tiềm năng. Đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch; tham gia các tổ chức năng lượng quốc tế.

Thứ năm, phát triển các dự án năng lượng mới không phát thải như sản xuất nhiên liệu hydro xanh, amonia xanh... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng gồm pin tích năng, thủy điện tích năng, trữ nhiệt và lưới điện thông minh, bảo đảm độ ổn định và tích hợp năng lượng tái tạo trong hệ thống điện với tỷ lệ cao.

Thứ sáu, hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ các-bon, thị trường giao dịch tín chỉ các-bon trong nước. Đến năm 2030, thị trường các-bon trong nước được vận hành và kết nối với thị trường các-bon các nước trong khu vực và thế giới.

Thứ bảy, các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu được bảo đảm cơ bản, đặc biệt tại các khu vực dễ bị tổn thương, rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu; các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái, cộng đồng được áp dụng rộng rãi. Phát triển nông nghiệp sinh thái, bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng.

Thứ tám, thực hiện sáng kiến của Liên hợp quốc về “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái”, triển khai Chương trình trồng một tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh.

Thứ chín, xây dựng, tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý; tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu và các sáng kiến quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển dịch năng lượng.

Thứ mười, thúc đẩy ngoại giao khí hậu; phát triển đồng bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh tăng cường năng lực, truyền thông phục vụ phát triển các- bon thấp, giảm phát thải.

Tập trung triển khai 08 nhiệm vụ, giải pháp

Đề án đề ra 08 nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu gồm: Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng carbon; Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh; Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng.

Đồng thời, bảo vệ, phục hồi các nguồn tái nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông; Thúc đẩy ngoại giao khí hậu.

Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành, nguồn xã hội hóa, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định; Đồng thời, huy động hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các quỹ và các định chế tài chính trong nước, quốc tế; khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án phát triển các-bon thấp…

Trong tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 chỉ đạo, điều phối triển khai thực hiện Đề án theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo được ban hành tại Quyết định số 2201/QĐ-TTg ngày 26/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực triển khai thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan giúp Ban Chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện.