Chuyển đổi số ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Tích cực và hiệu quả
Theo Trung tâm Công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, những năm qua, ngành BHXH đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, đáp ứng yêu cầu, bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT).
Ứng dụng công nghệ vì người dân, doanh nghiệp
Đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam cho biết, hiện tại, toàn ngành BHXH đang có gần 30 hệ thống ứng dụng; quản lý cơ sở dữ liệu của khoảng 100 triệu người dân; với hơn 20.000 tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng, để thực hiện các nghiệp vụ của ngành; kết nối liên thông với trên 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 500.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành.
Đặc biệt, ứng dụng trên thiết bị di động VssID - BHXH số chính thức đi vào hoạt động, đã cung cấp dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Sau hơn 1 năm công bố ứng dụng, đến nay, đã có gần hơn 25 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký và phê duyệt, hơn 700.000 lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh BHYT.
Nhằm giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an (trực tiếp là Cục C06) triển khai thực hiện việc xác thực thông tin công dân, triển khai sử dụng Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám, chữa bệnh BHYT theo Đề án 06. Hiện nay, về cơ bản, người dân đã có thể sử dụng căn cước công dân để khám, chữa bệnh BHYT và đã có hơn 5.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân trong khám, chữa bệnh BHYT.
Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19, BHXH Việt Nam đã xây dựng quy trình, điều chỉnh các phần mềm nhằm bổ sung các chức năng, đáp ứng các quy định. Theo số liệu thống kê trên các phần mềm của ngành BHXH, tính đến 31/12/2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận 78.447 hồ sơ của người sử dụng lao động và người lao động trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23. Thực hiện chi trả hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116 và Quyết định số 28 cho 12.930.735 người lao động, với số tiền hơn 30,7 nghìn tỷ đồng.
Phục vụ hiệu quả hoạt động chuyên môn
Theo Trung tâm Công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 dẫn đến giãn cách xã hội, nhiều cơ quan, đơn vị trong ngành BHXH Việt Nam không thể tổ chức làm việc tập trung tại trụ sở. Đứng trước nhu cầu thực tế đặt ra là cần một giải pháp để các công chức, viên chức và người lao động có thể hoàn thành công việc ở mức tối đa mà không cần tới cơ quan hay làm việc tập trung, BHXH Việt Nam đã áp dụng công nghệ Mạng riêng ảo (VPN) và giải pháp Hội nghị truyền hình.
Với VPN, người dùng chỉ cần có mạng internet có thể kết nối truy cập từ xa vào phần mềm nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ và an toàn thông tin, dữ liệu. Với giải pháp Hội nghị truyền hình, người dùng thông qua điện thoại và máy tính bảng, máy tính xách tay kết nối VPN từ xa, triển khai công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành nói chung, từng đơn vị, các phòng nghiệp vụ, quận, huyện, mà không làm ảnh hưởng đến công việc thường xuyên của cán bộ trong ngành BHXH.
Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, ông Lò Quân Hiệp, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) cho biết, việc tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra trên cơ sở tận dụng, khai thác những ưu thế của hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có kết hợp với dữ liệu do các đơn vị cung cấp, đã tạo ra một phương pháp thanh tra, kiểm tra mới; có sự kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp “điện tử”, vừa rút ngắn thời gian, vừa tăng khối lượng nội dung, hồ sơ, nhưng vẫn bảo đảm tính pháp lý, tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật thanh tra.
Trong 2 năm (2020 - 2021), toàn ngành đã rà soát, phân tích dữ liệu và chủ trì, phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 24.104 đơn vị, phát hiện gần 77.221 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 276 tỷ đồng, yêu cầu các đơn vị khắc phục 4.508 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT; yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH gần 14,8 tỷ đồng, về quỹ bảo hiểm thất nghiệp 3,3 tỷ đồng, về quỹ BHYT 142,2 tỷ đồng.