Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Thường khi gia đình nào tổ chức tiệc, thay vì tất bật nấu ăn chỉ cần đặt trước là có dịch vụ nấu ăn đến phục vụ tận nơi... Loại hình dịch vụ này tạo thuận lợi trong việc tổ chức đám tiệc, nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nở rộ dịch vụ...
Dịch vụ nấu ăn lưu động đang được nhiều gia đình lựa chọn, nhất là tiệc tân gia, chúc thọ, cưới hỏi, đám giỗ... Không thể phủ nhận, dịch vụ nấu ăn lưu động là tiện lợi, gọn gàng, tiết kiệm hơn so với việc đặt cỗ, tiệc tại các nhà hàng, khách sạn, đồng thời giảm tải mệt mỏi cho các thành viên trong gia đình vào ngày đại sự. Giá cả của loại dịch vụ này cũng khá cạnh tranh, tùy theo túi tiền của chủ nhân.
Theo như tiếp thị của một số cơ sở, khách hàng có thể lựa chọn giữa nấu tại chỗ với nấu sẵn và chỉ việc dọn thức ăn ra bàn. Trên thực tế, hình thức được phần đông người dân lựa chọn là các cơ sở chế biến thức ăn xong rồi mang đến; sau khi kết thúc sẽ có người thu dọn.
Cũng chính vì sự tiện lợi nên nhu cầu đặt nấu ăn tại nhà ngày càng phát triển và có nhiều hộ tham gia bởi đầu tư ban đầu khá đơn giản, không cần mặt bằng kinh doanh nhưng mang lại lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có thống kê chính xác, chỉ có một số cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh, còn đa phần là các gia đình tự đứng ra nhận nấu ăn; trong đó phần lớn thành lập theo mùa vụ khi nhu cầu của người dân gia tăng nên các cơ quan chức năng khó quản lý.
Siết chặt quản lý
Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ các loại hình nấu ăn lưu động rất cao, bởi việc giám sát từ nguồn gốc thực phẩm đến quá trình chế biến, vận chuyển thức ăn gần như đều đang bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, các bữa tiệc cưới, hỏi, lễ hội, có đến hàng trăm người tham dự, do đó nguy cơ xảy ra ngộ độc tập thể là rất lớn.
Theo đó, nguyên nhân xuất phát từ việc hầu như cả người kinh doanh lẫn người có nhu cầu muốn thuê nấu ăn, dù tiệc lớn hay nhỏ chỉ quan tâm đến giá cả, chất lượng món ăn chứ gần như bỏ qua khâu quan trọng nhất là vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hai bên thường chỉ thỏa thuận về thực đơn, số món, giá tiền, chứ không hề có hợp đồng cam kết về trách nhiệm phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hầu hết người trực tiếp chế biến, phục vụ ở loại hình này đều không chuyên nghiệp, chủ yếu là người hợp đồng thời vụ nên không được khám sức khỏe và tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vẫn biết, có cầu ắt có cung, song hiện nay rất khó để quản lý dịch vụ nấu ăn lưu động. Theo các chuyên gia, giải pháp trước mắt là cần siết chặt công tác quản lý; các cơ sở dịch vụ ăn uống lưu động phải được kiểm soát an toàn thực phẩm và phải chấp hành các quy định về điều kiện sản xuất chế biến thực phẩm.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử phạt những cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm không chỉ lựa chọn các cơ sở dịch vụ chất lượng, có uy tín, mà còn tích cực giám sát, phát hiện và tố giác những trường hợp vi phạm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.