Xử lý nghiêm cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm
Hơn 19% cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm - đó là con số mà Cục An toàn thực phẩm (ATTP) công bố về công hậu kiểm tra quý I/2018.
Còn nhiều sai phạm
Theo báo cáo của Cục ATTP, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm gần 159.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ Trung ương đến xã, phường. Tổng số vi phạm là 31.138 với tổng số tiền phạt là hơn 19,3 tỷ đồng. Đặc biệt, Cục ATTP đã chuyển 6 vụ việc nghiêm trọng về ATTP sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ.
Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, trong 6 vụ này, có 4 vụ khi cơ quan chức năng lấy mẫu thực phẩm phát hiện sản phẩm có hoạt chất chính không đạt 70% chất lượng theo công bố; 2 vụ nghi làm giả tài liệu khi làm thủ tục hành chính, trong đó có sản phẩm bảo vệ sức khỏe. 1.590 sản phẩm không bảo đảm ATTP bị thu hồi, chủ yếu là các sản phẩm bao gói sẵn, trong đó có sữa nhập khẩu, thực phẩm chức năng - ông Phong nói.
Nêu ý kiến về những sai phạm vệ sinh an toàn thực phẩm gần đây, ông Phong nhấn mạnh, với những hành vi vi phạm chất lượng hàng hóa, nhất là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như (thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư làm từ bột than tre của Công ty Vinaca) cần xử lý nghiêm.
Bởi theo quy định mới, doanh nghiệp chỉ cần tự công bố chất lượng đã được đưa ra thị trường. Khi cơ chế đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông thoáng ở “đầu vào” thì phải xử lý chặt ở “đầu ra”, đó là quá trình hậu kiểm sản phẩm. Tới đây, các hoạt động hậu kiểm sẽ chú trọng cả những sản phẩm nhập khẩu được miễn kiểm tra chuyên ngành.
Triển khai tháng an toàn thực phẩm
Theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, thực hiện Kế hoạch số 225/ KH-BCĐTƯVSATTP ngày 13/3/2018 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018, Cục ATTP đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và các địa phương triển khai tháng cao điểm về an toàn thực phẩm từ 15/4 - 15/5/2018, trong đó 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương có sự phối hợp của lực lượng công an, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm; các địa phương triển khai thanh tra, kiểm tra ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện và xã).
Cục ATTP đang theo dõi chặt chẽ việc triển khai kế hoạch của Trung ương trên phạm vi cả nước, kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 sẽ được tổng hợp, công bố công khai theo quy định”- Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, hiện nay công tác quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Việt Nam có sự thay đổi phương thức, theo đó giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp theo hướng giảm tối đa tiền kiểm, tập trung hậu kiểm.
Trừ 4 nhóm thực phẩm có yêu cầu đặc biệt, hiện nay đa số thực phẩm thông thường doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng chịu trách nhiệm hậu kiểm và tăng mức xử phạt. Tuy nhiên, ông Phong nhấn mạnh, việc tự công bố không có nghĩa là doanh nghiệp thích công bố như thế nào thì công bố, vẫn phải bảo đảm mức trần an toàn theo quy định Codex quốc tế ban hành.