Tiền ảo và địa vị pháp lý
Điểm khác biệt căn bản giữa tiền ảo và tiền là ở vai trò kiểm soát và điều tiết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Gần đây tiền ảo Bitcoin đang trở thành điểm nóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội dưới nhiều góc độ. Vậy bản chất tiền ảo là gì và được tạo nên như thế nào?
Để giúp bạn đọc có cái nhìn sâu rộng hơn về vấn đề này, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Tô Kim Ngọc - Giảng viên cao cấp Học viện Ngân hàng và ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN.
Phóng viên: Trước tiên, xin ông Phạm Tiến Dũng cho biết quan điểm của ông về tiền ảo?
Ông Phạm Tiến Dũng: Theo cách hiểu phổ biến hiện nay thì “Tiền ảo là một loại tiền số (digital money) không có quản lý, được tạo bởi những người tạo lập - phát triển (developers) cũng thường là người kiểm soát. Nó được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định”.
Tiền ảo thường gắn liền với khái niệm cộng đồng ảo (virtual communities) - là những nơi trong mạng không gian ảo mà các cá nhân tương tác với nhau. Sự phổ biến của cộng đồng ảo trong những năm gần đây gắn liền với những tiến bộ công nghệ và việc sử dụng Internet ngày càng nhiều trong mọi mặt của đời sống.
Trong một vài trường hợp, những cộng đồng này tự tạo và lưu hành những đồng tiền của riêng mình để trao đổi hàng hóa, dịch vụ mà họ cung ứng, qua đó tạo ra chức năng phương tiện trao đổi và đơn vị đo lường giá trị cho chính cộng đồng ảo đó.
Về mặt kỹ thuật, thì tiền ảo là kết quả của sự kết hợp nhiều thành tựu ở những lĩnh vực khác nhau, bao gồm nhưng không giới hạn ở khoa học điện toán (P2P networking), khoa học mật mã (các hàm hash mã hóa, chữ ký số).
Cũng có ý kiến cho rằng tiền ảo cũng được coi là tiền và vì thế có thể ứng xử với tiền ảo như một loại tiền?
Bà Tô Kim Ngọc: Có thể khẳng định rằng, Bitcoin nói riêng và các “đồng tiền” trên nền tảng kỹ thuật số nói chung (Cryptocurrency) không phải là tiền, nếu xem xét đến nguồn gốc, bản chất và đặc điểm tiền tệ.
Nói tóm tắt, tiền tệ ra đời do nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa những người sản xuất hàng hóa với nhau khi sản xuất hàng hóa phát triển.
Hình thức đầu tiên của tiền tệ là hàng hóa khi những người tham gia trao đổi lựa chọn loại hàng hóa có giá trị sử dụng thông dụng cho mọi người làm vật trung gian trong trao đổi. Các lựa chọn này dần cố định vào vàng và hình thành nên chế độ tiền đúc bằng vàng và các dấu hiệu của vàng (hay còn gọi là chế độ bản vị vàng).
Trong chế độ bản vị vàng, nhà nước có vai trò đưa ra các quy định về trọng lượng, kích thước, mẫu mã của đồng tiền nhằm đảm bảo sự thống nhất của đồng tiền trong phạm vi quốc gia. Sự gia tăng của sản xuất hàng hóa và nhu cầu trao đổi hàng hóa làm xuất hiện tiền bằng giấy cùng với chức năng độc quyền phát hành tiền tệ của ngân hàng phát hành (tách từ hệ thống NHTM) nguồn gốc của Ngân hàng Trung ương (NHTW) ngày nay.
Như vậy, tiền giấy ngày nay do NHTW phát hành và kiểm soát khối lượng phát hành nhằm các mục tiêu: đủ phương tiện tiền tệ cho giao dịch và thanh toán giá trị hàng hóa dịch vụ trong xã hội; và duy trì sự biến động mức giá cả hàng hóa bình quân (biểu hiện bằng tỷ lệ lạm phát) ở mức độ nhất định và có thể đảm bảo một quy mô thanh khoản nhằm phục hồi kinh tế sau các đợt khủng hoảng. Tiền tệ do NHTW một nước phát hành là tiền pháp định của quốc gia đó.
Có hai đặc điểm để được gọi là đồng tiền pháp định của một quốc gia: được xã hội chấp nhận trong trao đổi và được bảo vệ bằng pháp luật. Vì thế mà đồng tiền của một quốc gia đạt được hai tiêu chuẩn: lưu giữ giá trị an toàn và sử dụng dễ dàng thuận tiện.
Có thể thấy, điểm khác biệt căn bản giữa tiền ảo và tiền là ở vai trò kiểm soát và điều tiết của NHTW.
Vậy có thể coi tiền ảo là tiền điện tử được không?
Ông Phạm Tiến Dũng: Thực chất tiền điện tử (còn gọi là Emoney) là “cơ chế thanh toán điện tử/kỹ thuật số với giá trị thể hiện bằng tiền pháp định, hình thức thể hiện qua phương tiện thanh toán (giá trị được lưu trữ trên phương tiện thanh toán) như thẻ trả trước, ví điện tử...”.
Thuật ngữ này được sử dụng phổ biến trong các văn bản luật, cũng như văn bản chính thống của các quốc gia và các tổ chức tài chính trên thế giới.
Sự khác biệt giữa tiền ảo với tiền điện tử ở chỗ tiền ảo khi được sử dụng với chức năng là đơn vị đo lường giá trị không có sự tương xứng thực tế về địa vị tiền pháp định (legal tender status) như tiền điện tử có được.
Bà Tô Kim Ngọc: Nói một cách đơn giản, tiền điện tử thực chất là một phương thức (hoặc cơ chế) thanh toán (không dùng tiền mặt) điện tử, cho phép di chuyển các dấu hiệu của tiền pháp định. Các quá trình thanh toán bằng tiền điện tử chỉ thực sự hoàn tất khi có sự di chuyển tiền trên các tài khoản tiền gửi liên quan ở NHTM.
Nghĩa là luôn có sự tham gia của ngân hàng trong mỗi giao dịch và chỉ kết thúc khi có sự di chuyển của tiền pháp định. Việc thanh toán tiền ảo được thực hiện trực tiếp giữa những thành viên của cộng đồng tiền ảo, không có sự tham gia của các trung gian như ngân hàng.
Có thể thấy, việc tạo nên tiền ảo, khai thác tiền ảo và sử dụng tiền ảo để thanh toán không có sự tham gia của NHTW hay NHTM. Và tiền ảo gần như hoàn toàn không có vị trí pháp lý giống tiền điện tử và không được đảm bảo bằng một đồng tiền pháp định như tiền điện tử.
Như vậy, khá rõ là tiền ảo không phải là tiền và cũng không phải là tiền điện tử như đã được giải thích. Tuy nhiên, hiện nay tiền ảo đang làm các chức năng của tiền tệ: đo lường giá trị, thanh toán và tích lũy giá trị. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Bà Tô Kim Ngọc: Đúng vậy, nhưng hiện nay việc chấp nhận và thực hiện các chức năng này của tiền ảo đang giới hạn trong phạm vi cộng đồng ảo và không có căn cứ để công nhận pháp lý các chức năng đó. Vì thiếu vai trò của NHTW nên việc thực hiện các chức năng tiền tệ của tiền ảo mang tính tự phát, rủi ro rất cao.
Bởi: Thứ nhất, giá trị của tiền ảo là bất ổn. Như đã giải thích, nó được phát triển bởi một cộng đồng gồm: người lập trình, người phát triển hệ thống phần mềm và người khai thác. Như vậy bản thân tiền ảo cũng có giá trị nội tại là giá trị chất xám của cộng đồng sáng tạo ra nó.
Tuy nhiên quy mô phát hành là tự phát và tăng không ngừng với việc liên tục xuất hiện các loại tiền ảo khác nhau (hiện nay có tới gần 1.000 loại tiền ảo) sẽ làm cho giá trị danh nghĩa của tiền ảo thể hiện qua các đồng tiền pháp định là bất ổn. Sẽ khó thực hiện chức năng thước đo giá trị nếu bản thân giá trị của nó bất ổn.
Thứ hai, tiền ảo không phải là công cụ tích lũy giá trị an toàn. Hiện nay, động cơ nắm giữ tiền ảo không chỉ vì nó có chức năng như một phương tiện thanh toán trong cộng đồng ảo mà còn như một công cụ đầu cơ với mặc định nó có thể chuyển sang đồng tiền pháp định không hạn chế.
Tuy nhiên vì nó có số lượng hữu hạn (hiếm) và ở giai đoạn đầu bùng nổ nên giá đang tăng nhanh chóng với tốc độ gấp nhiều lần so với tốc độ tăng của giá chứng khoán và BĐS trước các cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 1997 hay 2008. Như một quy luật, giá tiền ảo có thể tụt dốc rất nhanh bởi sự gia tăng quy mô và loại tiền ảo cũng như nguy cơ lũng đoạn thị trường của những người nắm giữ tiền ảo khối lượng lớn.
Mặt khác, sau giai đoạn hào hứng với loại tiền ảo, mối đe dọa của thị trường tiền ảo có thể dẫn tới các yêu cầu quản lý chặt và hạn chế việc chấp nhận tiền ảo cũng như hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, giá trị tiền ảo sẽ tụt giảm nhanh chóng. Xét ở góc độ này, tiền ảo giống một công cụ đầu tư (hoặc tài sản rủi ro) hơn là tiền hay phương thức thanh toán.
Vậy các quốc gia đã ứng xử với tiền ảo thế nào?
Ông Phạm Tiến Dũng: Hiện vẫn chưa có được một hành lang pháp lý và quản lý thống nhất, rõ ràng với các đồng tiền ảo trên phạm vi toàn thế giới trên cơ sở xác định rõ bản chất của tiền ảo là tiền, là phương tiện thanh toán hay là tài sản rủi ro. Nhưng nhìn chung, hầu hết các quốc gia có thái độ khá thận trọng với tiền ảo.
Và đã đưa ra các cấp độ quản lý khác nhau như: Cấm trên diện rộng được áp dụng ở một số quốc gia như: Bangladesh, Bolivia, Ecuador, Kyrgyzstan… Cấm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được áp dụng ở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hay Ngân hàng Trung ương Niregia...
Tuy nhiên, cũng có nước không cấm việc trao đổi và mua bán Bitcoin cũng như các loại tiền ảo mà coi đó như một loại tài sản và đánh thuế trên các giao dịch mua bán Bitcoin (như Anh, Canada, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan…).
Hay một số quốc gia cấp phép cho các sàn giao dịch Bitcoin và các loại tiền ảo như Nhật Bản, Singapore hay bang New York (Hoa Kỳ)… và chủ yếu áp dụng hình thức cảnh báo rủi ro đối với người sử dụng, đầu tư. Số rất ít nước chấp nhận tiền ảo như một phương tiện thanh toán như Nhật Bản nhưng kèm theo điều kiện cấp phép, quản lý và sử dụng rất chặt chẽ.
Còn quan điểm của NHNN về ứng xử pháp lý với tiền ảo thì sao?
Bà Tô Kim Ngọc: Việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, mỗi quốc gia tùy thuộc vào đặc điểm của hệ thống tài chính, dẫn tới mức độ nhạy cảm khác nhau của hệ thống tài chính với các tác động từ bên ngoài hệ thống, có thể lựa chọn mức độ ứng xử pháp lý phù hợp và lộ trình hoàn thiện.
Với một cấu trúc thị trường dễ bị tổn thương như của Việt Nam hiện nay, thì việc thận trọng trong ứng xử với tiền ảo là cần thiết. Điều này, không đồng nghĩa với việc không nhìn nhận sự tồn tại khách quan của loại hình tiền ảo. Có lẽ cách ứng xử thích hợp nhất là coi các Cryptocurrency là một loại hình tài sản rủi ro và cần xúc tiến xây dựng khung pháp lý cho việc đầu tư, sở hữu và quản trị giao dịch loại tài sản rủi ro cao này.
Ông Phạm Tiến Dũng: Trong thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo khác, ngày 27/2/2014, NHNN đã khẳng định: i/Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; ii/Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ.
Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử”.
Theo đó, NHNN Việt Nam được giao làm đầu mối rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ (thời hạn hoàn thành: tháng 8/2018); đồng thời phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo.
NHNN sẽ tiến hành theo dõi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam đề xuất các biện pháp và chính sách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quản lý đối với tiền điện tử cũng như phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành để đề xuất biện pháp quản lý phù hợp đối với tiền ảo với tư cách là tài sản trong thời gian tới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Trân trọng cảm ơn ông, bà!