Thúc đẩy thanh toán điện tử: Cơ hội và rào cản

Theo Thanh Huyền/doanhnhansaigon.vn

Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 (VEPF) hôm 6/11 xoay quanh những kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động.

Việt Nam đã có hệ sinh thái ban đầu được hình thành để thúc đẩy, ủng hộ không dùng tiền mặt. Nguồn: internet
Việt Nam đã có hệ sinh thái ban đầu được hình thành để thúc đẩy, ủng hộ không dùng tiền mặt. Nguồn: internet

Theo Báo cáo về xu hướng thanh toán do Tập đoàn Tài chính JP Morgan Chase phát hành trong năm 2017, ví điện tử và thanh toán di động sẽ là bước phát triển tất yếu của thế giới.

Tại Việt Nam, hơn 50% dân số sử dụng internet và khoảng 54% dùng smartphone. Đó là điều kiện thuận lợi để thanh toán trên thiết bị di động (mobile payment), thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện.

Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản đối với mục tiêu thanh toán không tiền mặt. Một khảo sát của World Bank cho biết, có 65% số người gửi, nhận tiền ngoài hệ thống chính thức hoặc trả tiền học phí, tiền hóa đơn bằng tiền mặt. Một vài rào cản quan trọng đáng chú ý là 6,2 triệu người không tiếp cận được dịch vụ tài chính vì quá xa; 2,2 triệu người cho rằng quá đắt để sử dụng; 2,3 triệu người thấy khó khăn về mặt giấy tờ khi mở tài khoản và 1,1 triệu người không có niềm tin vào hệ thống tài chính.

Việt Nam là thị trường thứ 19 mà Tập đoàn Tài chính JP Morgan Chase triển khai Samsung Pay. Ông Nguyễn Quang Hiền Huy - Phó tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina nói, có 4 yếu tố khiến tập đoàn này quyết định triển khai Samsung Pay tại Việt Nam.

Thứ nhất là chỉ đạo của Chính phủ. Thứ hai, thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong top 3 điểm đến của các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này tại châu Á. Thứ ba, tại Việt Nam có hơn 110 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành, dự kiến sẽ tăng lên 150 triệu thẻ trong năm 2018. Thứ tư, tăng trưởng về lượng người dùng smartphone. Tính đến hết tháng 6/2017, Việt Nam có khoảng 48 triệu thuê bao di động băng rộng, gồm cả 3G lẫn 4G.

Khách mời đặc biệt của VEPF là tỷ phú Jack Ma - Chủ tịch Tập đoàn Alibaba - hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Tại đây, ông Jack Ma đối thoại xoay quanh những kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc và việc toàn cầu hóa nền tảng thương mại lớn nhất thế giới Alibaba.

Nhấn mạnh sự quan trọng của kết nối internet trong phát triển dịch vụ thanh toán, ông Jack Ma cho rằng, tốc độ internet ở Việt Nam cần nhanh hơn nữa, thủ tục hành chính cần cải thiện một cách nhanh nhất có thể.

"Hãy để doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ phải lo thủ tục hành chính trong một thời gian ngắn, thay vì "xin - cho", ông nói, Chính phủ cần tạo ra không gian để doanh nhân kinh doanh dễ dàng. Ông Jack Ma cho biết, Alibaba tới Việt Nam không phải để cạnh tranh mà muốn góp phần giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển thương mại điện tử, thanh toán di động.

Trao đổi với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn, chuyên gia tài chính - ngân hàng - TS. Cấn Văn Lực nhận xét, việc Jack Ma đến Việt Nam cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã đủ hấp dẫn. Bởi vì nước ta có quy mô dân số lớn và đã có nền tảng để phát triển thanh toán điện tử. Việt Nam đã có hệ sinh thái ban đầu được hình thành để thúc đẩy, ủng hộ không dùng tiền mặt. Đặc biệt, Chính phủ đang thúc đẩy và ủng hộ sự phát triển thị trường này.

Đang có cơ hội rất lớn để Việt Nam phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt. Tập đoàn Alibaba sẽ sớm xác lập mối quan hệ làm ăn tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử. Do đó, hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, bảo mật, an toàn cũng như tăng lợi ích cho khách hàng là những vấn đề cần hoàn thiện trong thời gian tới.

Một vấn đề nữa cần lưu ý khi hợp tác với các tập đoàn toàn cầu, cũng như với Tập đoàn Alibaba, đó là có thể tiếp cận công nghệ, tiếp cận cơ sở dữ liệu khách hàng, tiếp cận phương thức kinh doanh hiện đại nhưng Việt Nam cần có một khung pháp lý để đảm bảo hợp tác chặt chẽ và thành công.