Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam mang tầm vóc lịch sử

Minh Hà (t/h)

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong 40 năm đổi mới, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng, mang tầm vóc lịch sử. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước...

Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tổng Bí thư Tô Lâm.

Động lực quan trọng đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế”, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" đòi hỏi phải có tâm thế, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế. Sự ra đời của Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới" là "quyết sách đột phá", đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của Đất nước với việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Hội nhập quốc tế đã từng bước phát triển qua các thời kỳ, từ hội nhập có giới hạn, có chọn lọc, thiên về ý thức hệ, hội nhập kinh tế đơn thuần ban đầu đến "hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện" hiện nay.

Đại hội Đảng lần thứ IX lần đầu tiên đề ra chủ trương "hội nhập kinh tế quốc tế". Đại hội Đảng lần thứ XI đánh dấu một bước chuyển trong tư duy từ "hội nhập kinh tế quốc tế" sang "hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực".

Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị là sự cụ thể hóa đường lối hội nhập quốc tế với chủ trương "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế". Gần đây nhất, tại Đại hội lần thứ XIII, định hướng chiến lược này của Đảng một lần nữa được phát triển, hoàn thiện hơn thành "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng có hiệu quả".

Trong 40 năm đổi mới, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng, mang tầm vóc lịch sử. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước. 

Việc tham gia các thỏa thuận hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế đa tầng nấc, nhất là 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã gắn kết Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt, tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, đưa Việt Nam lọt vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; nằm trong nhóm 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất thế giới từ năm 2019 đến nay, là một trong 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, kết quả thực hiện các chủ trương hội nhập quốc tế vẫn còn những điểm chưa thực sự như mong đợi, chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển.

Hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đem lại không ít thách thức và mặt trái như: Cạnh tranh không công bằng, tăng trưởng không bền vững, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, nguy cơ "chệch hướng", "xâm lăng văn hóa", "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", "xói mòn niềm tin" trong nội bộ…

“Nâng tầm” hội nhập quốc tế

Kế thừa những giá trị đã được khẳng định, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, Nghị quyết số 59-NQ/TW đã nắm bắt được dòng chảy của sức mạnh thời đại và "nâng tầm" hội nhập quốc tế với những quan điểm mang tính cách mạng, tính đột phá, tính dân tộc, tính khoa học, tính thời đại cao.

Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cùng với quốc phòng, an ninh, "đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế" là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tinh thần trọng yếu thường xuyên trong hội nhập quốc tế là phải tranh thủ nguồn lực, điều kiện thuận lợi bên ngoài cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước từ sớm, từ xa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, đảm bảo tốt nhất lợi ích của nhân dân.

Trong nhận thức, hội nhập quốc tế, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý phải là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, lực lượng chủ công và đối tượng thụ hưởng các lợi ích của hội nhập quốc tế. Hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc, hội nhập, hòa nhập chứ không hòa tan.

Một yêu cầu quan trọng khác được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đó là hội nhập quốc tế phải mang tính chất "đồng bộ, toàn diện, sâu rộng", trong đó các lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau trong một chiến lược tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình và bước đi phù hợp.

Cùng với "tinh thần đổi mới" về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của Nghị quyết số 18-NQ/TW; "tư tưởng đột phá" về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Nghị quyết số 57-NQ/TW; định hướng về hội nhập quốc tế là "cẩm nang hành động" của Nghị quyết số 59-NQ/TW sẽ tạo nên "bộ ba chiến lược" trong trọng tâm "Ổn định lâu dài - Phát triển bền vững - Đời sống nâng cao" do Đảng đã vạch ra.

Ngoài các nội dung trên, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu triển khai triển khai quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về hội nhập quốc tế trong giai đoạn Cách mạng hiện nay.

Theo Tổng Bí thư, Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn. Những thành quả của hội nhập cho đến nay đã góp phần tích lũy thế và lực cho sự bứt phá tiếp theo. Tiếp nối tinh thần đó, Nghị quyết số 59-NQ/TW đánh dấu bước chuyển quan trọng của Đảng ta về tư duy và định hướng hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới, tạo động lực đưa Đất nước tiến tới đài vinh quang của độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn thịnh, trường tồn.