Tiền Trung Quốc thấp kỷ lục, tiền Việt có ảnh hưởng?

Theo Phương Linh/plo.vn

Trung Quốc trả đũa ông Trump bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ và ngừng nhập khẩu nông sản từ Mỹ.

Đồng tiền Trung Quốc mất giá mạnh thổi bùng nguy cơ chiến tranh tiền tệ. Nguồn: Internet.
Đồng tiền Trung Quốc mất giá mạnh thổi bùng nguy cơ chiến tranh tiền tệ. Nguồn: Internet.

Ngày 6/8, Trung Quốc tiếp tục hạ giá NDT khiến đồng tiền này mất giá thêm 0,1% so với đôla Mỹ. Trước đó một ngày, đồng tiền này giảm tới 1,5%, lần đầu tiên vượt qua mốc 7 NDT đổi 1 USD.

Việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ cộng với đồng USD giảm lãi suất khiến nền kinh tế toàn cầu diễn biến bất định và khó lường. Điều này gây sức ép lên tỷ giá và chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam.

Những đòn trả đũa nặng nề

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tiếp tục đánh thuế thêm 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, chiều tối 5/8, Trung Quốc đáp trả bằng cách phá giá NDT. Với mức hơn 7 NDT mới đổi được 1 USD, Trung Quốc đã chính thức bước qua lằn ranh đỏ. Bởi đây là lần đầu tiên sau 11 năm kể từ năm 2008, Trung Quốc phá vỡ mốc này.

Đồng tiền Trung Quốc mất giá mạnh thổi bùng nguy cơ chiến tranh tiền tệ, vì nước này có thể dùng tiền tệ làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Gần như lập tức, Bộ Tài chính Mỹ đã xếp Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Ông Trump cũng ngay lập tức tuyên bố Trung Quốc đã giảm giá tiền tệ thấp nhất trong lịch sử và đây được cho là hành động “thao túng tiền tệ”.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đồng NDT mất giá, đồng Việt Nam ổn định với USD thì có nghĩa NDT mất giá so với tiền Việt. Điều này sẽ khuyến khích hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam nhiều hơn. Nó cũng tạo ra những bất lợi trong quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc khi nước ta tăng nhập siêu từ nước này.

“Có khả năng các nước trên thế giới đang dần tiến vào cuộc chiến tranh tiền tệ. Trong cuộc chiến này, các nước sẽ tìm cách đẩy giá trị của đồng tiền xuống so với đồng USD để tạo cạnh tranh trong xuất khẩu” - ông Hiếu dự báo.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, cũng đánh giá: Hiện đang rục rịch cuộc chiến tranh tiền tệ mới. Bởi khi đồng USD, NDT giảm giá đem lại lợi thế cho các nước này xuất khẩu, kinh doanh quốc tế thì đối tác của họ cũng sẽ không ngồi yên. Nghĩa là các nước khác cũng giảm giá đồng tiền để tạo thế cạnh tranh về xuất khẩu cho nước họ.

Tuy nhiên, tại báo cáo phân tích vừa phát hành, các chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận: Trước khó khăn từ thương mại với Mỹ, Trung Quốc cũng ít nhiều có động lực để cho đồng NDT giảm giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu nhưng Trung Quốc cũng hoàn toàn không muốn một kịch bản giảm giá mạnh của đồng nội tệ.

Lý do là Trung Quốc không muốn kích hoạt một làn sóng rút vốn nước ngoài mạnh hơn nữa, gây thêm bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời làm xói mòn dự trữ ngoại hối của nước này như đã từng diễn ra trong giai đoạn 2014-2015. Tuy vậy, việc tỉ giá NDT/USD xuyên qua mức 7 sẽ khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi khác ít nhiều chịu áp lực.

Việt Nam nên cân nhắc tỉ giá hợp lý để tăng năng lực cạnh tranh cho hàng Việt (ảnh lớn).  Trung Quốc hạ giá đồng NDT xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua. Ảnh: PM
Việt Nam nên cân nhắc tỉ giá hợp lý để tăng năng lực cạnh tranh cho hàng Việt (ảnh lớn).  Trung Quốc hạ giá đồng NDT xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua. Ảnh: PM

Sức ép

Việt Nam không nằm ngoài “cuộc chơi” tiền tệ trên thế giới, đặc biệt với tính chất neo chặt vào đồng USD. Hơn nữa Việt Nam có giao dịch mua bán với Trung Quốc khá lớn nên tỷ giá đồng Việt Nam luôn là bài toán không đơn giản cho các nhà điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các chuyên gia có chung nhận định khó có chuyện đồng Việt Nam phá giá mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, phân tích rằng: Về nguyên tắc, đồng NDT mất giá sẽ tạo sức ép cho đồng tiền Việt Nam, dù Ngân hàng Nhà nước có can thiệp hay không cũng bị sức ép từ thị trường. Song nếu nhìn lại quá khứ, kể từ tháng 4 cho đến cuối năm 2018, đồng NDT mất giá khoảng 9,4%, trong khi đó đồng Việt Nam chỉ là 3,5%. Điều đó có nghĩa cách điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là không để đồng Việt Nam mất giá mạnh với đồng USD như đồng NDT mất giá so với USD.

“Quan sát thấy cơ chế điều hành hiện nay của cơ quan quản lý là để mỗi ngày mất giá một ít, một chút. Có thể hiểu Việt Nam không chủ động phá giá mà là điều chỉnh theo tín hiệu thị trường. Nhưng nhìn chung, nếu NDT mất giá 10 đồng thì tiền đồng mất 3 thôi vì lúc đó sẽ giúp hàng hóa Việt Nam không bị mất năng lực cạnh tranh quá lớn so với hàng Trung Quốc. Nếu hàng Trung Quốc hưởng lợi từ việc mất giá đồng tiền quá nhiều sẽ tràn ngập Việt Nam. Do vậy, nên để cho đồng Việt Nam điều chỉnh nhưng cũng không quá lớn so với đồng USD” - ông Thành phân tích.

Tại báo cáo phân tích vừa phát hành, các chuyên gia phân tích từ BVSC cũng cho biết với Việt Nam, tỉ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên Ngân hàng Nhà nước vẫn đang còn khá nhiều dư địa để điều hành trước diễn biến mới của đồng NDT.

“Dù có thể chịu sức ép giảm giá theo NDT nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND giảm giá quá sâu trên 3% nhằm tránh rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ” - BVSC nhận định.

Trả lời báo chí, ông Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nói: Việt Nam đang có dòng vốn nước ngoài trực tiếp và gián tiếp vẫn liên tục đổ vào nhờ lạm phát thấp và tỉ giá hối đoái ổn định. Do đó khi USD không thể tăng giá và với lượng cung ngoại tệ dồi dào, tỉ giá năm nay sẽ tiếp tục ổn định, câu chuyện điều hành tỉ giá cũng thuận lợi hơn nhiều.