Tiếp sức cho doanh nghiệp về nông thôn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 57 với nội dung khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây là sự tiếp sức sau nhiều chỉ đạo, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã, đang, hoặc nên đầu tư mạnh dạn và gia tăng hơn vào nông nghiệp mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành trong mấy năm trở lại.
Tinh thần của Nghị định này là nhà nước ưu đãi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, đầu tư về nông thôn, thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước của nhà nước, hỗ trợ tập trung đất đai, tiếp cận hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực mới, phát triển thị trường, cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn.
Cụ thể như: doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở cho người lao động theo quy định tại điều 55 luật Đất đai, được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Doanh nghiệp có dự án ưu đãi đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo. Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp thuộc diện khuyến khích đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.
Cùng với Nghị định 57, Chính phủ cũng đã có những chính sách, biện pháp tạo thông thoáng, dễ dàng, gỡ khó cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cởi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh đang trói doanh nghiệp, loại bỏ các thủ tục hành chính chồng chéo, dựa trên sự điều tra, giám sát thực tế đã diễn ra cũng như lắng nghe ý kiến tại các cuộc tọa đàm, hội thảo quanh chủ đề điều kiện đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp hiện có 33 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với khoảng 345 điều kiện kinh doanh.
Hiện bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành rà soát để bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, việc làm này sẽ tác động tốt đến các doanh nghiệp thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Bộ sẽ cùng các bộ liên đới trách nhiệm hỗ trợ phát triển nông nghiệp rà soát lại các luật hay văn bản dưới luật có liên quan đến kinh doanh nông nghiệp để có những kiến nghị sửa đổi, hoặc tìm cách thực thi, vận dụng thiết thực, phù hợp và hiệu quả hơn.
Chẳng hạn như không thể không xem xét, chỉnh sửa Pháp lệnh giống cây trồng khi quy định: để xét công nhận giống cây trồng chỉ thành lập một hội đồng, nhưng bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh lại quy định thành lập 4 hội đồng, Pháp lệnh quy định 2 lần khảo nghiệm nhưng bản hướng dẫn lại quy định 3 lần. Hoặc như quy định cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải ở trong khu công nghiệp và bố trí theo tiêu chuẩn quốc gia, nhưng nhiều nhà máy loại này hiện ở ngoài khu công nghiệp song đã được tỉnh cho phép, bây giờ lại bắt họ dọn vào khu công nghiệp xây dựng lại nhà máy, tốn kém hàng trăm tỷ đồng, liệu có khả thi?.
Một số quy định trong luật này, pháp lệnh nọ không phù hợp thực tế, hoặc không rõ ràng sẽ dễ gây ra những cách hiểu khác nhau, rất phiền phức cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao chi phí lớn cần sự bảo đảm tồn tại, phát triển bền vững.
Có lẽ đây chính là một trong những lý do khiến Quốc hội và Chính phủ trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra sẽ cùng bàn thảo 2 dự án luật về trồng trọt và chăn nuôi để rộng đường hơn nữa cho phát triển nông nghiệp, đầu tư mạnh vào nông thôn,nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Luật mới cũng sẽ giúp nông dân vượt qua những khó khăn là chưa có thị trường bền vững lâu dài nên cứ phải giải cứu mỗi khi thừa sản phẩm từ dưa hấu đến thịt lợn, luôn gặp cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Để phát triển nông nghiệp và nông thôn, chỗ khó chung cho cả nông dân lẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là đều cần có tiền, chủ yếu trông vào vay vốn ngân hàng, vậy thì nhà nước sẽ hỗ trợ như thế nào? Nghị định 57 khẳng định: phải giúp họ dễ tiếp cận nguồn vốn, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành với mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm hỗ trợ.
Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại, tối đa là 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, tối đa 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 8 năm, dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm.
Nhà nước cũng hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện nhưng không quá 300 triệu đồng về đề tài, bản quyền, công nghệ đối với các doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu, năng lượng.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa bò thịt được ngân sách nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng/1 dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện nước, nhà xưởng và mua thiết bị. Ngoài hỗ trợ hạ tầng như trên nếu doanh nghiệp nhập bò giống cao sản để nuôi trực tiếp hoặc liên kết với hộ gia đình thì được hỗ trợ 10 triệu đồng/con.
Cùng với Nghị định 57 là Nghị định 58 quy định cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp, cá nhân không thộc diện nghèo được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình hợp tác, liên kết tập trung quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Với mô hình nông dân góp ruộng cho doanh nghiệp để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, lợi ích nhiều mặt, tạo điều kiện hiện đại hóa nông nghiệp, cần có những quy định để mối quan hệ này chặt chẽ hơn trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của mỗi bên. Sự liên kết giữa các nhà như nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học, nhà băng( ngân hàng) và nhà chế biến, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của nhà nước điều hành mối quan hệ này, hy vọng sẽ được thể hiện rõ hơn trong 2 dự luật về trồng trọt và chăn nuôi mà Quốc hội và Chính phủ sẽ thảo luận trong kỳ họp Quốc hội đang tiến hành.