Tiếp tục mở rộng hệ thống quản lý trái phiếu phát hành qua Kho bạc Nhà nước
Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ tiếp tục thực hiện tin học hóa, mở rộng hệ thống quản lý trái phiếu phát hành qua KBNN cấp trung ương. Công tác này dự kiến triển khai là trong khoảng thời gian 2 năm 2021-2022 nhằm mục tiêu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý đối với nghiệp vụ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) của KBNN, góp phần quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả.
TPCP là công cụ nợ để huy động vốn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), trả nợ gốc đến hạn, cơ cấu lại nợ Chính phủ. Việc phát hành TPCP thường xuyên hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước, tạo lãi suất chuẩn để các công cụ nợ khác trên thị trường tham chiếu. Luật Quản lý nợ công năm 2017 quy định, Bộ Tài chính là chủ thể phát hành TPCP và Bộ Tài chính ủy quyền cho KBNN tổ chức phát hành.
Thực hiện chủ trương về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, thời gian qua, KBNN đã nỗ lực cải tiến công tác tổ chức phát hành TPCP, quản lý danh mục nợ TPCP góp phần cùng ngành Tài chính thực hiện thắng lợi chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công và hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách được Quốc hội và Chính phủ giao.
Tháng 2/2018, hệ thống quản lý trái phiếu phát hành qua KBNN cấp trung ương đã được vận hành và phục vụ công tác quản lý phát hành, thanh toán TPCP, tín phiếu kho bạc (TPKB). Từ đó đến nay, hệ thống quản lý trái phiếu đã đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ huy động vốn.
Cụ thể như: Quản lý danh mục mã TPCP; Quản lý kế hoạch phát hành TPCP (năm và hàng quý); Quản lý đấu thầu phát hành TPCP thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội; Quản lý thông tin các đợt đấu thầu TPCP, kết quả dự thầu, kết quả phát hành theo phương thức đấu thầu; quản lý kết quả đấu thầu TPKB thông qua Ngân hàng Nhà nước (Hệ thống thực hiện chức năng tải kết quả đấu thầu TPKB, chưa bao gồm chức năng: lập thông báo đấu thầu, lập bảng kê, công bố kết quả đấu thầu TPKB…) và kết quả bán lẻ trực tiếp TPKB cho Ngân hàng Nhà nước; Quản lý kết quả trái phiếu phát hành theo phương thức bán lẻ tại trung ương; quản lý thanh toán… Nhìn chung, hệ thống cơ bản đáp ứng những nghiệp vụ chính của công tác huy động vốn.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Các số liệu báo cáo mới ở mức độ tổng hợp dữ liệu, chưa đáp ứng hết yêu cầu phục vụ công tác điều hành của lãnh đạo KBNN, lãnh đạo Bộ Tài chính; một số mã trái phiếu do thực hiện hoán đổi (năm 2019) đã bị thay đổi quy mô mã, song do hệ thống chưa đáp ứng nghiệp vụ hoán đổi TPCP, nên số liệu trên vẫn chưa được điều chỉnh. Thể thức một số văn bản in từ hệ thống chưa phù hợp mẫu quy định theo Công văn số 3030/KBNN-VP ngày 11/6/2020 của KBNN về về việc hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính....
Như vậy, để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý đối với nghiệp vụ phát hành TPCP của KBNN, góp phần quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả, việc mở rộng hệ thống quản lý trái phiếu phát hành qua KBNN cấp trung ương là yêu cầu cần thiết.
Theo KBNN, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện tin học hóa các nghiệp vụ đang và sẽ thực hiện như: Hoán đổi, mua lại TPCP; Phát hành TPCP hỗ trợ thanh khoản thị trường theo Luật Quản lý nợ công 2017 và Thông tư số 111/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn phát hành và thanh toán công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường trong nước và bổ sung một số yêu cầu nghiệp vụ về quản lý dữ liệu đấu thầu công cụ nợ. Dự kiến thời gian thực hiện trong năm 2021-2022.
Theo KBNN, hệ thống quản lý trái phiếu phát hành qua KBNN cấp trung ương sau khi mở rộng sẽ đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ hoán đổi TPCP, mua lại TPCP, phát hành TPCP hỗ trợ thanh khoản và một số yêu cầu nghiệp vụ.
Chức năng hệ thống quản lý trái phiếu được mở rộng theo hướng: Quản lý các hoạt động nghiệp vụ mua lại, hoán đổi TPCP theo các quy định hiện hành (nghiệp vụ mua lại, hoán đổi công cụ nợ thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc phương thức đấu thầu gồm: thông báo mua lại, hoán đổi); quản lý các hợp đồng; quản lý kết quả dự thầu, quản lý và công bố kết quả đấu thầu…
Đồng thời, bổ sung một số yêu cầu nghiệp vụ quản lý dữ liệu đấu thầu công cụ nợ như: Về phát hành TPCP theo phương thức riêng lẻ, bổ sung tính năng hệ thống thực hiện thông báo phát hành, hỗ trợ lập công văn thu tiền như đối với phương thức đấu thầu phát hành; Về phát hành TPKB, bổ sung các tính năng hỗ trợ thực hiện nghiệp vụ đấu thầu phát hành TpKB với quy trình tương tự như nghiệp vụ đấu thầu phát hành TPCP hiện nay.
Về thanh toán gốc, lãi TPCP sẽ cho phép điều chỉnh các khoản thanh toán gốc, lãi có điều khoản trả thêm lãi nếu thanh toán vào ngày nghỉ... Bổ sung tính năng cho phép tính toán các chỉ tiêu như kỳ hạn phát hành bình quân hàng năm, kỳ hạn còn lại, lãi suất phát hành bình quân hàng năm, lãi suất bình quân của cả danh mục TPCP, tính toán số liệu về gốc, lãi NSNN phải trả trong các năm tiếp theo theo từng phương thức phát hành, điều chỉnh số liệu theo ngày thực thanh toán...
Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện tin học hóa các nghiệp vụ đang và sẽ thực hiện như: Hoán đổi, mua lại TPCP; Phát hành TPCP hỗ trợ thanh khoản thị trường theo Luật Quản lý nợ công 2017 và Thông tư số 111/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn phát hành và thanh toán công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường trong nước và bổ sung một số yêu cầu nghiệp vụ về quản lý dữ liệu đấu thầu công cụ nợ. Dự kiến thời gian thực hiện trong năm 2021-2022.