Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp
Sáng 27/12, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và triển khai chương trình công tác năm 2024.
Tích cực tham gia ý kiến, xử lý các vướng mắc liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp
Báo cáo kết quả công tác năm 2023 tại Hội nghị, ông Phạm Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, đối với công tác nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, theo kế hoạch năm 2023, Cục Tài chính doanh nghiệp được giao 3 đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đối với Đề án rà soát, tổng kết và đề xuất thay thế Luật số 69/2014/QH13, hiện nay, Cục đang trình Bộ Tài chính về tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về Hồ sơ Đề án này.
Theo Phó Cục trưởng Phạm Văn Đức, liên quan đến tổng hợp kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022, căn cứ quy định của Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Cục Tài chính doanh nghiệp đã đôn đốc, rà soát, cập nhật số liệu báo cáo của 827 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước để xây dựng báo cáo Chính phủ. Ngày 30/9/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 482/BC-CP về hoạt động đầu tư, quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022 trong phạm vi toàn quốc.
Trong năm 2023, Cục Tài chính doanh nghiệp đã trình Bộ ký trên 200 công văn gửi Văn phòng Chính phủ, và trên 300 công văn gửi các cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp và các cơ quan Bộ, ngành, địa phương để tham gia ý kiến, xử lý các vướng mắc, tồn tại tài chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động tái cơ cấu của các doanh nghiệp. Điển hình như: Hướng dẫn, xử lý các vấn đề tài chính, tái cơ cấu dự án ngành Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Xăng dầu, Hóa chất, Nông, Lâm nghiệp; Xử lý tài chính khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp; Phương án phân phối lợi nhuận, chia cổ tức của doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Phạm Văn Đức cho biết, định kỳ hàng tháng, quý và hàng năm, Cục Tài chính doanh nghiệp đã báo cáo, tổng hợp, phân tích, đánh giá về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Năm 2023, đã có 60 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm 11 doanh nghiệp thuộc Trung ương và 49 doanh nghiệp thuộc các địa phương. Các đơn vị còn lại đang triển khai xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Đối với việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, Cục đã báo cáo Bộ ban hành và có ý kiến tham gia về các nội dung liên quan đến thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp (gồm Tổng Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam - DATC và Tập đoàn Bảo Việt).
Năm 2023, Cục Tài chính doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính theo chủ trương chung của Chính phủ, Bộ Tài chính. Ngày 25/10/2021, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2664/QĐ-BTC về việc công bố Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2022 của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp đứng thứ 2 trong số các đơn vị cấp Cục thuộc cơ quan Bộ Tài chính, tăng 1 bậc so với năm 2021.
Trong đó, đối với DATC, Cục đã trình Bộ phê duyệt Đề án cơ cấu lại DATC giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch kinh doanh 5 năm của DATC (giai đoạn 2021-2025) và phê duyệt Chiến lược của DATC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; đồng thời, triển khai thực hiện công tác giám sát, xếp loại doanh nghiệp và thực hiệc các nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định.
Đối với Tập đoàn Bảo Việt, Cục đã trình Bộ Tài chính phê duyệt Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 của Tập đoàn; Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, Cục đang thực hiện các công việc liên quan đến xây dựng Quy chế hoạt động của Người đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn Bảo Việt; báo cáo giám sát tài chính và cảnh báo về tình hình đầu tư 6 tháng đầu năm 2023 đối với Công ty mẹ; Phương án sắp xếp, xử lý nhà đất…
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ để hoàn thành công tác năm 2024
Về phương hướng, giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Phạm Văn Đức cho biết, Cục Tài chính doanh nghiệp sẽ tiếp tục đôn đốc, tham gia ý kiến với các cơ quan đại diện chủ sở hữu để phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp năm 2021 – 2025 theo Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với xây dựng cơ chế chính sách, Cục sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thiện Hồ sơ Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.
Cùng với đó, năm 2024, căn cứ Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, Cục Tài chính doanh nghiệp sẽ tính toán số thu về cổ phần hóa và thoái vốn, dự thảo nội dung báo cáo Bộ, trình Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh số thu về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Bùi Tuấn Minh – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh, để đạt được những kết quả tích cực trong năm 2023, phải kể đến sự hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, do đó, Cục trưởng mong muốn, thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Tài chính doanh nghiệp để đạt những kết quả thực chất, đóng góp cho sự phát triển chung của toàn Ngành trong thời gian tới.
Theo Cục trưởng Bùi Tuấn Minh, năm 2024, bám sát các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Tài chính doanh nghiệp sẽ tăng cường công tác chỉ đạo điều hành và nâng cao trách nhiệm của các lãnh đạo Cục theo từng lĩnh vực, lãnh đạo các Phòng chuyên môn và từng chuyên viên nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương đôn đốc thực hiện và nâng cao trách nhiệm đến từng cán bộ công chức.
Cục Tài chính doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục tích cực sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong công tác quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp, công tác sắp xếp, cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.