Tiếp tục tăng cường trách nhiệm trong bảo vệ môi trường đất

PV. (t/h)

Ô nhiễm môi trường đất là một vấn đề đang gây nhiều lo ngại và cảnh báo trên toàn cầu. Tại Việt Nam, đây cũng là vấn đề hết sức đáng lo ngại. Do vậy, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 yêu cầu, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất; xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do mình gây ra.

Ô nhiễm môi trường đất ở Việt Nam ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của sinh vật, sức khỏe con người hoặc làm suy thoái chất lượng môi trường.
Ô nhiễm môi trường đất ở Việt Nam ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của sinh vật, sức khỏe con người hoặc làm suy thoái chất lượng môi trường.

Chất lượng đất ngày càng bị suy thoái

Môi trường đất là nơi trú ngụ của con người và hầu hết các sinh vật cạn, là nền móng cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và văn hóa của con người. Đất là một nguồn tài nguyên quý giá, con người sử dụng tài nguyên đất vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực phẩm cho con người.

Ô nhiễm môi trường đất chính là sự đưa vào môi trường các chất thải nguy hại hoặc năng lượng đến mức ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của sinh vật, sức khỏe con người hoặc làm suy thoái chất lượng môi trường. Môi trường đất được xem là ô nhiễm khi nồng độ các chất độc trong đất tăng lên quá ngưỡng an toàn và vượt qua khả năng tự làm sạch của môi trường đất.

Theo TS. Phạm Thị Hương Lan - Viện Nhà nước và Pháp luật, đất bị ô nhiễm chính là sự xuất hiện của hóa chất xenobiotic (sản phẩm do con người) hoặc do các sự thay đổi trong môi trường đất tự nhiên tạo nên. Hóa chất này chủ yếu từ các hoạt động công nghiệp, các hóa chất nông nghiệp, vứt rác thải không đúng nơi quy định nên làm cho môi trường đất bị ô nhiễm. Những hóa chất phổ biến như hydrocacbon dầu, hydrocacbon thơm nhiều vòng, dung môi, thuốc trừ sâu, chì, và các kim loại nặng. Mức độ công nghiệp hóa và cường độ sử dụng hóa chất luôn có mối tương quan với mức độ ô nhiễm đất.

Ở Việt Nam hiện nay có 33 triệu ha diên tích đất tự nhiên, trong đó diện tích đang sử dung là 22.226.830 ha, chiếm 68,83% tổng quỹ đất. Tuy nhiên, với nhịp độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển công nghiệp và hoạt động đô thị hoá như hiện nay thì diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng bị suy thoái, diện tích đất bình quân đầu người giảm. Theo thông tin từ Cục Môi trường Việt Nam, chất lượng đất ở hầu hết các khu vực đô thị đông dân cư đang bị ô nhiễm nghiêm trọng nguyên nhân chính là do chất thải từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và rác thải từ các hộ dân. 

Nhiều quy định liên quan đến bảo vệ môi trường đất

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đất, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có nhiều quy định chặt chẽ về vấn đề này.

Theo đó, Điều 17, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về quản lý chất lượng môi trường đất nêu rõ: Chất lượng môi trường đất phải được điều tra, đánh giá, phân loại và công khai thông tin theo quy định của pháp luật; Khu vực đất có nguy cơ ô nhiễm phải được theo dõi và giám sát; Khu vực ô nhiễm môi trường đất phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất; Vùng đất bị ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ dùng trong chiến tranh, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu và chất độc hại khác phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Điều 18 quy định về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể: Điều tra, đánh giá, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất, xác định nguyên nhân, phạm vi và mức độ ô nhiễm, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất; Thực hiện biện pháp kiểm soát khu vực ô nhiễm môi trường đất gồm khoanh vùng, cảnh báo, không cho phép hoặc hạn chế hoạt động nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe con người; Lập, thực hiện phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất; ưu tiên xử lý các khu vực có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng; Quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường đất sau xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.

Về trách nhiệm bảo vệ môi trường đất, Điều 19, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: Quy định chi tiết tiêu chí xác định, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất theo mức độ ô nhiễm; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này; tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về chất lượng môi trường đất; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này; Tổng hợp danh mục các khu vực ô nhiễm môi trường đất; xây dựng, cập nhật vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và công bố thông tin về các khu vực ô nhiễm môi trường đất trên phạm vi cả nước.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất quốc phòng, đất an ninh và khu vực khác theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện điều tra, đánh giá, xác định và khoanh vùng các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, khu vực ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn và xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm; Xử lý khu vực ô nhiễm môi trường đất, khu vực ô nhiễm môi trường đất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này; Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về các khu vực có dấu hiệu ô nhiễm môi trường đất liên tỉnh, khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng; Cập nhật thông tin về khu vực ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường theo quy định.

Làm gì để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đất?

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đất, trong thời gian tới, cần nâng cao ý thức của người dân về ô nhiễm môi trường đất, theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến cho người dân những kiến thức căn bản về môi trường đất để trên cơ sở đó họ có trách nhiệm hơn về hành động của mình trong việc bảo vệ môi trường đất.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược về kiểm soát ô nhiễm môi trường đất trong thời gian tới; xây dựng cụ thể quy quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường liên quan đến đất; xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường đất tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành và các địa phương trong việc quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường đất; Nghiêm cấm và xử phạt nghiêm khắc các hành vi xả các chất thải, nước thải, nước hút bể phốt… và một số chất hóa học độc hại ra môi trường đất.