Bảo vệ môi trường đất trước nguy cơ ô nhiễm ngày càng gia tăng
Đất là một nguồn tài nguyên quý giá của một quốc gia. Với tốc độ phát triển công nghiệp và hoạt động đô thị hoá diễn ra như hiện nay thì chất lượng đất ngày càng bị suy thoái, diện tích đất bình quân đầu người giảm. Thực trạng đó đòi hỏi cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường đất.
Ô nhiễm đất hiện nay là một vấn đề đáng lo ngại không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Ô nhiễm đất cùng với những ô nhiễm khác như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước... đang hủy hoại môi trường sống của nhân loại.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, các loại ô nhiễm này có quan hệ mật thiết với nhau. Ô nhiễm không khí tạo mưa acid rơi xuống làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nước thải vào đất gây ô nhiễm và ngược lại ô nhiễm đất làm ô nhiễm mạch nước ngầm và ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh.
Theo thông tin từ Cục Môi trường Việt Nam, chất lượng đất ở hầu hết các khu vực đô thị đông dân cư ở nước ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó nguyên nhân chính là do chất thải từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và rác thải từ các hộ dân. Tình trạng rác thải dồn ứ, quá tải không xử lý kịp tại các thành phố lớn trong thời gian qua cũng gây ra ô nhiễm môi trường đất nặng nề.
Hiện nay, thực trạng quỹ đất giảm theo thời gian do sức ép tăng dân số cùng với quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước đang gây sức ép lên môi trường đất. Quá trình quy hoạch và sử dụng đất của nhiều tỉnh thành vẫn còn bộc lộ những hạn chế và bất hợp lý trong phân bổ quỹ đất cho các ngành và lĩnh vực.
Tình trạng phổ biến hiện nay là việc chuyển đổi cơ cấu mục đích sử dụng đất, suy giảm mạnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp do đô thị hoá, quỹ đất nông nghiệp được chuyển sang sử dụng vào mục đích xây nhà ở, các khu công nghiệp và thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông.
Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cần nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường đất trước nguy cơ ô nhiễm. Hiện nay, các quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương đối với bảo vệ môi trường đất đã được nêu rõ trong Luật, Nghị định.
Cụ thể, theo Điều 19, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quy định chi tiết tiêu chí xác định, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất theo mức độ ô nhiễm; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này; tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về chất lượng môi trường đất; Tổng hợp danh mục các khu vực ô nhiễm môi trường đất; xây dựng, cập nhật vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và công bố thông tin về các khu vực ô nhiễm môi trường đất trên phạm vi cả nước... Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất quốc phòng, đất an ninh và khu vực khác theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện điều tra, đánh giá, xác định và khoanh vùng các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, khu vực ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn và xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm; Xử lý khu vực ô nhiễm môi trường đất, khu vực ô nhiễm môi trường đất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này; Cập nhật thông tin về khu vực ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường theo quy định...
Theo Điều 11, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, đối với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường đất, việc triển khai dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp, sử dụng đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, sử dụng đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đất, bảo đảm không làm ô nhiễm, suy giảm, thoái hóa chất lượng đất, không làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm không làm ô nhiễm, suy thoái đất và được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm phải bảo đảm không gây tác động xấu đến cảnh quan môi trường, cản trở dòng chảy; trả lại đất đúng với trạng thái mặt đất theo yêu cầu của cơ quan giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo các chuyên gia môi trường, hiện nay, trách nhiệm về bảo vệ môi trường đất đã quy định khá rõ ràng trong luật. Vấn đề hiện nay là các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và người dân nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các trách nhiệm này của các tổ chức, cá nhân liên quan.