Hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Thùy Linh

Ngày 24/10, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội thảo “Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đề xuất giải pháp hoàn thiện”.

Biển và hải đảo Việt Nam có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Biển và hải đảo Việt Nam có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đánh giá tiềm năng biển đảo Việt Nam, tổng quan về quá trình hình thành và hoàn thiện pháp luật về biển và hải đảo; tổng quan chính sách, pháp luật về giao khu vực biển và tình hình tực hiện thời gian qua, những vấn đề mới đặt ra cần giải quyết, định hướng tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới…

Hội thảo cũng nhận được các báo cáo tham luận của các Sở Tài nguyên – Môi trường về việc thực thi pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại địa phương, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất… trong việc thực thi pháp luật biển và hải đảo.

Được biết, biển và hải đảo Việt Nam có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, một trong những ưu tiên hàng đầu trong toàn hệ thống chính trị, được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Đảng và Chính phủ.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từ trung ương đến địa phương từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo ngày càng được quan tâm đầu tư và đẩy mạnh. Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đang được xây dựng. Công tác kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển được chú trọng. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển được tăng cường.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường biển vẫn còn nhiều khó khăn, trước hết là do nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường biển còn hạn chế. Tư duy phát triển xem trọng các yếu tố kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn các yếu tố môi trường; coi trọng lợi ích trước mắt hơn lợi ích và hệ quả lâu dài; cơ cấu tổ chức trong công tác quản lý biển và hải đảo tại các địa phương chưa có sự thống nhất.

Mặt khác, các quy định pháp lý đặc biệt là các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và quy định về lấn biển đang trong quá trình xây dựng; đồng thời không có lực lượng thanh tra chuyên ngành về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo dẫn đến công tác giám sát việc thực thi các quy định bảo vệ môi trường biển còn hạn chế.