Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường
Sáng ngày 28/12, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã tổ chức cuộc họp cuối năm để chuẩn bị Tết Quý Mão 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp.
Thành công trong dự báo được các yếu tố kinh tế tác động đến mặt bằng giá
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, trong năm 2022, công tác chỉ đạo điều hành giá chịu rất nhiều áp lực trong việc kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, cùng với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, lạm phát cơ bản được kiểm soát ở dưới mức 4% theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, đảm bảo đời sống người dân và điều kiện sản xuất đầu vào cho doanh nghiệp, qua đó làm đòn bẩy thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Chính phủ đã quán triệt bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất; công tác điều hành giá được thực hiện thận trọng, cơ bản giữ ổn định giá các mặt hàng Nhà nước định giá; điều hành giá xăng, dầu sát với diễn biến giá thế giới nhưng với mức tăng thấp hơn; ban hành kịp thời các chính sách về thuế giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Nhờ đó, đã hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Tính bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%; CPI bình quân năm 2022 ước tăng 3,1-3,2% so với năm 2021 trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội đề ra...
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, từ thực tiễn, kết quả điều hành giá trong giai đoạn đã qua, Bộ Tài chính rút ra được những bài học kinh nghiệm chính cho việc đề ra những định hướng về quản lý, điều hành giá trong thời gian tới.
Cụ thể, công tác quản lý, điều hành giá vẫn có vai trò vô cùng quan trọng trong điều tiết kinh tế vĩ mô của nước ta và cần phải tiếp tục được củng cố, hoàn thiện. Việc triển khai cần tiếp tục thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cần luôn chú trọng đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện, xăng dầu… là các mặt hàng có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Bộ Tài chính cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá cần đặt ra mục tiêu tiên quyết là hoàn thiện thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật về giá nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước, đảm bảo tính thực thi, đầy đủ công cụ pháp lý trong các trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó, để công tác quản lý, điều hành giá có tính hiệu lực, hiệu quả cao, cần tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò, chức năng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo điều hành giá; đề cao tính chủ động trong phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm thực hiện tốt các phương hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Theo Bộ Tài chính, công tác thống kê, tổng hợp, phân tích, dự báo là công cụ quan trọng, đắc lực nhất cho việc hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách về quản lý, điều hành giá.
Việc dự báo được các yếu tố kinh tế tác động đến mặt bằng giá, dự báo các biến động bất thường của kinh tế - xã hội, đánh giá được tác động của việc điều chỉnh các mặt hàng, xây dựng được các kịch bản điều hành giá là thành công lớn nhất trong giai đoạn vừa qua. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu cho giai đoạn tới nhằm tiếp tục triển khai tốt hơn nữa công tác quản lý, điều hành giá.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trên cơ sở dự báo một số áp lực lên mặt bằng giá, Bộ Tài chính đã xây dựng 3 kịch bản, đồng thời đề xuất phương hướng nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong quản lý, điều hành giá năm 2023 như: Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; Điều hành giá các mặt hàng Nhà nước thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm; Chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá năm 2023...
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, năm 2022, tình hình thế giới diễn biến rất nhanh và phức tạp tác động rất lớn tới các nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm giá xăng dầu tăng cao, đứt gãy nguồn cung một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu cho sản xuất, ảnh hưởng tới lạm phát, giá cả các mặt hàng chiến lược, thiết yếu...
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá, sự vào cuộc nghiêm túc, đồng bộ của các bộ ngành, địa phương, đến thời điểm hiện tại, cơ bản lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, qua đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế...
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận cặn kẽ, rút ra các bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho công tác quản lý điều hành giá năm 2023.
Đánh giá cao những kết quả công tác điều hành giá đã đạt được trong năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, đây là kết quả của một loạt giải pháp đồng bộ, tổng thể cả về chính sách tài khóa, tiền tệ, cân đối cung cầu… Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt, chủ động, linh hoạt, kịp thời của cả hệ thống chính trị.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023, một số sắc thuế sẽ hết hiệu lực; giữa năm tăng lương cơ sở; khởi công một loạt dự án lớn cùng các diễn biến khác như: Trung Quốc nới lỏng chính sách chống dịch COVID-19; giá cả một số mặt hàng có thể sẽ tăng lên, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu… sẽ tác động đến công tác điều hành giá…
Trên cơ sở dự báo tình hình quốc tế, trong nước, Quốc hội đã xác định chỉ tiêu lạm phát năm 2023 khoảng 4,5%. Do vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được cũng như những bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành giá để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra.
Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về việc Tổ chức Tết Quý Mão 2023 và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính kịp thời đề xuất việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt tại các địa bàn xảy ra thiên tai, bão lũ…, không để nhân dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính rà soát lại các sắc thuế sắp hết hiệu lực để tham mưu giải pháp phù hợp cho cấp có thẩm quyền "quyết định sớm".
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.