Tiếp tục tổng rà soát các chung cư để phân loại những vi phạm về phòng cháy, chữa cháy
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg diễn ra ngày 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tổng rà soát các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, để phân loại, đánh giá cụ thể từng nhóm tồn tại, vi phạm về trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Phát hiện nhiều vi phạm về phòng cháy, chữa cháy
Tại Hội nghị, đánh giá về công tác PCCC, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã tích cực nghiên cứu, tham mưu ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, làm cơ sở chính trị, pháp lý cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Chủ động nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, xác định mục tiêu, đối tượng có nguy cơ cao cần tập trung quản lý, kiểm tra an toàn PCCC. Đã tiến hành tổng rà soát, kiểm tra 100% nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ.
Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn về PCCC với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Có nhiều mô hình, sáng kiến phát huy hiệu quả, xây dựng được hơn 40 nghìn mô hình Tổ liên gia an toàn về PCCC; gần 50 nghìn mô hình Điểm chữa cháy công cộng; vận động hơn 11 triệu hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, 3 triệu hộ gia đình mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai…
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ được thực hiện quyết liệt hơn, không có ngoại lệ, đã kiểm tra an toàn PCCC gần 190.000 lượt cơ sở; phát hiện 67.000 tồn tại, thiếu sót và kiến nghị khắc phục; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 8.500 trường hợp...
Đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Còn tình trạng buông lỏng quản lý, để xảy ra xây dựng các công trình không tuân thủ quy định pháp luật, không đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC...
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC, trật tự xây dựng chưa nghiêm; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng chây ỳ, kéo dài không khắc phục vi phạm. Vụ cháy chung cư mini tại Khương Đình, Hà Nội đã bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong quản lý nhà nước về PCCC và trật tự xây dựng.
Hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCCC, cứu nạn, cứu hộ, các kỹ năng ứng phó sự cố, thoát hiểm... còn hạn chế. Việc thực tập, diễn tập phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn chưa nhiều, chưa đi vào thực chất, sát tình hình thực tế.
Một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của PCCC; chưa chủ động bổ sung các giải pháp bảo đảm an toàn cháy nổ, trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm cần thiết; còn chủ quan, lơ là trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt...
Thực hiện quyết liệt, nghiêm túc công tác phòng cháy, chữa cháy
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để nâng cao ý thức, trách nhiệm và kỹ năng của người dân, doanh nghiệp trong PCCC và cứu hộ, cứu nạn để bảo vệ cho chính mình, bảo vệ cộng đồng.
Nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về PCCC; Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn lực của xã hội cho công tác đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất PCCC, cứu hộ, cứu nạn, để đáp ứng yêu cầu khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, tiếp tục thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Những tồn tại có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải chuyển các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm.
Đồng thời, tiếp tục tổng rà soát các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ, trong đó phải phân loại, đánh giá cụ thể từng nhóm tồn tại, vi phạm về trật tự xây dựng, PCCC, điện lực để có giải pháp phù hợp...
Giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Xây dựng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, Bộ này khẩn trương hoàn thành tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ - yêu cầu chung về thiết kế (trước ngày 31/12/2023); Nghị định thay thế Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, trong đó quy định cụ thể các yêu cầu về cấp nước chữa cháy tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu đông dân cư (trong quý II/2024).
Tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng; tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý về trật tự xây dựng.
Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Điện lực, trong đó bổ sung quy định về sử dụng điện an toàn sau công tơ để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân. Phối hợp rà soát các cơ sở kinh doanh, bảo quản hóa chất có nguy cơ cháy, nổ cao ở khu dân cư, nơi tập trung đông người và di dời, bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư công đảm bảo cho công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn theo quy định; quan tâm cân đối để thực hiện Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo hoàn thành tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC, đánh giá, phân loại, đưa ra giải pháp trước mắt và lâu dài bảo đảm hạn chế cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra (hoàn thành trong tháng 12/2023).
Ngoài các nhiệm vụ trên, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng...