Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 01/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư. Trong đó, Nghị định đã bổ sung thêm quy định về phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư chương trình đầu tư công.
Luật Đầu tư công năm 2014 là một bước tiến lớn, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Với việc thực thi Luật Đầu tư công đã góp phần giải quyết các vấn đề như đầu tư công quá mức và dàn trải, đầu tư công ít gắn kết với khả năng ngân sách dẫn đến tình trạng nợ công tăng…
Đồng thời, thông tin theo dõi, giám sát các dự án đầu tư công bước đầu được hệ thống hóa và số hóa. Cơ chế lập kế hoạch đầu tư công được chuyển từ lập kế hoạch hàng năm sang kết hợp giữa xây dựng kế hoạch trung hạn với kế hoạch hàng năm, góp phần khắc phục tình trạng không cân đối được nguồn vốn, bị động, đầu tư cắt khúc ra từng năm…
Ngày 30/9/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2015/NĐ-CP quy định về giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư, giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư và giám sát đầu tư của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; chi phí giám sát, đánh giá đầu tư, điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn giám sát, đánh giá dự án đầu tư; điều kiện năng lực của cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư...
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện đã xuất hiện một số bất cập trong các quy định, thủ tục làm cản trở hoạt động đầu tư công đòi hỏi cần phải được sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, cần luật hóa các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư công để hạn chế tình trạng đầu tư công kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn…
Trước tình hình đó, ngày 01/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư. Trong đó, đã bổ sung thêm quy định về phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư chương trình đầu tư công.
Cụ thể, phương pháp đánh giá hiệu quả chương trình đầu tư công là phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp).
Đồng thời, Nghị định đã bổ sung quy định phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công. Cụ thể:
Thứ nhất, tùy theo quy mô và tính chất của dự án, có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp) hoặc phương pháp phân tích chi phí – lợi ích.
Thứ hai, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công: Mức độ đạt được mục tiêu đầu tư dự án theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt; chỉ số khai thác, vận hành thực tế của dự án so với các chỉ số khai thác, vận hành của dự án đã được phê duyệt; tỷ suất hoàn vốn nội bộ (EIRR); các tác động kinh tế – xã hội, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên); các biện pháp để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện.