Tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp của người làm kế toán quản trị trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Năm 2019, Hiệp hội Kế toán quản trị Hoa Kỳ (IMA) đã điều chỉnh Khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho người làm kế toán quản trị.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nguyên nhân chính thúc đẩy những thay đổi xuất phát từ nhận thức về tác động của công nghệ và kỷ nguyên số tới lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói chung và người làm kế toán quản trị nói riêng. Trong đó, có thể thấy nhiều thay đổi đã tập trung vào các kiến thức và kỹ năng cần thiết gắn với công nghệ và đạo đức nghề nghiệp của kế toán. Bài viết phân tích những nội dung cơ bản của Khung năng lực làm cơ sở tham chiếu phục vụ khâu đánh giá, quản trị và phát triển nghề nghiệp trong quá trình hành nghề kế toán quản trị.

Sự cần thiết phải điều chỉnh Khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho người làm kế toán quản trị

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến yêu cầu cần thay đổi Khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho người làm kế toán quản trị:

Thứ nhất, xuất phát từ những thay đổi trong vai trò của người làm tài chính – kế toán trong doanh nghiệp.

Bộ phận tài chính – kế toán có vai trò truyền thống là lập báo cáo tài chính, quản trị giá trị và đảm bảo tính tuân thủ trong doanh nghiệp (DN) thông qua chức năng ghi nhận, giám sát, kiểm tra, đánh giá. Các chức năng này luôn là nhân tố quan trọng đảm bảo vai trò của bộ phận kế toán – tài chính DN trong tương lai.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, đang có sự dịch chuyển không ngừng về chức năng của kế toán – tài chính, trong đó, bộ phận này ngày càng được định hướng tới tầm chiến lược, gắn với các hoạt động chiến lược và tạo ra giá trị gia tăng lớn trong DN hơn là các hoạt động vận hành thường xuyên, diễn ra hàng ngày và đem lại giá trị gia tăng thấp. 

Thứ hai, xuất phát từ tác động của công nghệ và phân tích dữ liệu tới công việc của kế toán.

Kế toán - tài chính luôn giữ vai trò trung tâm trong công tác xử lý số liệu. Tuy nhiên, hiện nay, cuộc cách mạng dữ liệu đã tạo ra sự biến động lớn trong triển vọng nghề nghiệp về phân tích dữ liệu trong DN, từ đó, bản chất công việc của kế toán – tài chính cũng bị ảnh hưởng lớn. Chính nhờ vào khả năng tiếp cận thông tin chất lượng hơn mà kế toán quản trị có cơ hội phát triển vai trò ra quyết định, phân bổ nhiều nguồn lực vào phân tích xu hướng, phân tích giá trị nguồn thông tin và kết nối sâu sắc hơn với nhà quản trị các cấp trong DN.

Thứ ba, xuất phát từ tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ.

Một trong số những vai trò truyền thống của kế toán – tài chính là xây dựng chính sách và quy trình nhằm bảo toàn các nguồn lực và kiểm soát tính tuân thủ trong thực hiện. Duy trì vai trò này nghiêm ngặt chính là biểu hiện của khía cạnh đạo đức nghề nghiệp. Việc tích hợp ứng dụng công nghệ vào các quy trình sẽ phát sinh các vấn đề gắn với đạo đức nghề nghiệp.

Khi người làm kế toán quản trị không đơn thuần chỉ thu nhận và báo cáo thông tin mà tập trung vào vai trò chiến lược, họ sẽ đối mặt nhiều hơn với các tình huống phức tạp đòi hỏi sự hiểu biết trong cách thức ứng xử phù hợp với khía cạnh đạo đức nghề nghiệp. Như vậy, người làm kế toán quản trị phải lựa chọn cách ứng xử tuân thủ theo các giá trị, quy định về đạo đức nghề nghiệp nói chung và của DN nơi họ hành nghề nói riêng.

Nội dung khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho người làm kế toán quản trị

Bản cập nhật về Khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho người làm kế toán quản trị (gọi tắt là Khung năng lực) năm 2019 của IMA bao gồm 6 nhóm kỹ năng, kiến thức và năng lực cốt lõi nhằm đáp ứng những thay đổi về kế toán, tài chính trong bối cảnh kỷ nguyên số. Các nhóm kỹ năng bao gồm: (1) Chiến lược, hoạch định, đánh giá hiệu quả; (2) Lập báo cáo và kiểm soát; (3) Công nghệ và phân tích số liệu; (4) Nhạy bén trong kinh doanh và điều hành hoạt động; (5) Lãnh đạo; (6) Đạo đức và các giá trị nghề nghiệp. Việc nghiên cứu sự cần thiết khách quan phải cập nhật Khung năng lực cũng như nội dung của Khung năng lực theo quan điểm của IMA là cơ sở để xây dựng khung tham chiếu cơ bản nhằm phát triển nghề nghiệp kế toán quản trị tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Nhóm năng lực và kiến thức về chiến lược, hoạch định, đánh giá hiệu quả

Nhóm một gồm các kỹ năng và kiến thức cần thiết sau: Hoạch định chiến lược, phân tích quyết định, quản trị chi phí chiến lược, các quyết định đầu tư vốn, quản trị rủi ro DN, dự báo và lập dự toán, tài chính DN, quản trị hiệu quả hoạt động.  

Dễ dàng nhận thấy, các kỹ năng trong nhóm “Lập kế hoạch, báo cáo và ra quyết định” thuộc Khung năng lực cũ được kết cấu lại vào nhóm mới này. Điểm thay đổi là kỹ năng thuộc nhóm Kế toán chi phí và Quản trị chi phí được tách ra thành hai mảng là Quản trị chi phí chiến lược và Kế toán chi phí, trong đó Quản trị chi phí chiến lược theo Khung năng lực mới là kỹ năng thuộc nhóm “Chiến lược, hoạch định, đánh giá hiệu quả”; còn Kế toán chi phí thuộc nhóm “Lập báo cáo và kiểm soát”. Điều này cho thấy IMA đã nhận thức được vai trò cốt lõi của kỹ năng quản trị chi phí trong khâu ra quyết định chiến lược, theo đó, nâng cao vai trò và vị thế của kế toán quản trị trong quy trình xây dựng và triển khai chiến lược DN.

Nhóm năng lực và kiến thức về lập báo cáo và kiểm soát

Nhóm hai gồm các kỹ năng và kiến thức cần thiết sau: kiểm soát nội bộ; thu nhận, ghi chép thông tin giao dịch kinh tế, tài chính của DN; kế toán chi phí; lập báo cáo tài chính; phân tích báo cáo tài chính; lập kế hoạch và báo cáo thuế; lập báo cáo tổng hợp.

Để đáp ứng được kỹ năng thuộc nhóm này, kế toán quản trị phải có khả năng đánh giá, đo lường và lập báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tuân thủ theo các chuẩn mực và quy định hiện hành. Nghĩa là, nhóm kỹ năng này có sự tương đồng đáng kể với vai trò truyền thống của kế toán là thu nhận thông tin và cung cấp thông tin qua hoạt động giám sát và đánh giá. Mặc dù, kế toán quản trị có nhiều thay đổi dưới tác động của Cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) nhưng những vai trò cơ bản vẫn đảm bảo được thực hiện và cải biến phù hợp.

Việc bổ sung kỹ năng rà soát và lập báo cáo thuế và báo cáo tổng hợp phản ánh những thay đổi trong môi trường cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài và nhu cầu của các bên liên quan về nâng cao hiệu quả công bố thông tin đa chiều.

Nhóm năng lực và kiến thức về công nghệ và phân tích dữ liệu

Nhóm ba gồm các kỹ năng và kiến thức cần thiết sau: Tổ chức hệ thống thông tin, quản trị dữ liệu, phân tích dữ liệu, mô hình hóa dữ liệu.

Thay đổi lớn nhất của Khung năng lực mới là việc bổ sung nhóm năng lực và kiến thức về “Công nghệ và phân tích số liệu”. Mặc dù, khung năng lực cũ đã đề cập tới sự cần thiết phải tích lũy kỹ năng về công nghệ đối với kế toán quản trị nhưng trước những biến động không ngừng của khoa học công nghệ và việc ứng dụng mô hình phân tích dữ liệu hiện đại vào công việc kế toán đã thúc đẩy IMA tích cực rà soát nhằm hoàn thiện nhóm năng lực này.

Đáp ứng được nhóm kỹ năng này giúp người làm kế toán quản trị làm chủ được công nghệ và kỹ thuật phân tích dữ liệu, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Ngày nay, quy trình xử lý dữ liệu và thông tin đòi hỏi góc nhìn toàn diện cũng như năng lực liên quan tới từng khâu thu nhận, phân tích và báo cáo kết quả phân tích dữ liệu, đồng thời, phải luôn đảm bảo tính trung thực và bảo mật của dữ liệu. 

Nhóm năng lực và kiến thức về nhạy bén trong kinh doanh và điều hành hoạt động doanh nghiệp

Nhóm bốn gồm các kỹ năng và kiến thức cần thiết sau: kiến thức về lĩnh vực hoạt động của DN, kiến thức điều hành DN, quản trị chất lượng và cải tiến liên tục, quản lý dự án.

Trước đây, nhóm kỹ năng này chỉ tập trung vào kiến thức và năng lực về điều hành kinh doanh. Khung năng lực mới đã mở rộng thêm các kỹ năng nhằm củng cố vai trò của kế toán quản trị với tư cách là “đối tác” của chính DN, trực tiếp  tham gia hỗ trợ vào mọi hoạt động và chức năng của DN. Mặc dù, việc hiểu biết về điều hành DN luôn là một năng lực không thể thiếu nhưng phạm vi của kỹ năng này đã rộng hơn trước.

Để đáp ứng được môi trường kinh doanh trong bối cảnh CMCN 4.0, người làm kế toán quản trị cần hiểu rõ tác động của công nghệ tới các mô hình, quy trình kinh doanh và rủi ro kinh doanh. Người làm kế toán quản trị phải có đủ nhạy bén để đánh giá các kết quả trong bối cảnh cụ thể thông qua lựa chọn nguồn dữ liệu thích hợp, tiến hành phân tích nhằm hỗ trợ quy trình ra quyết định kinh doanh và kiểm soát mọi hoạt động của DN.

Nhóm năng lực và kiến thức về lãnh đạo

Nhóm năm này bao gồm các kỹ năng và kiến thức cần thiết sau: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng thúc đẩy và tạo động lực cho nhân viên; phối hợp, làm việc nhóm và quản trị mối quan hệ; quản trị trong môi trường biến động; kỹ năng đàm phán; quản trị xung đột phát sinh trong môi trường kinh doanh; quản trị năng lực.

Kỹ năng lãnh đạo bao gồm năng lực hợp tác và khả năng truyền cảm hứng cho tập thể nhằm đạt được mục tiêu chung của DN. Đây là nhóm duy nhất không có sự khác biệt khi so sánh với Khung năng lực cũ của IMA. Điều này thể hiện tầm quan trọng có tính chất nền tảng của người làm kế toán quản trị khi triển khai công việc với tư cách là người điều phối không chỉ trên phương diện tài chính mà ở phương diện khác của một DN.

Nhóm năng lực và kiến thức về đạo đức và các giá trị nghề nghiệp

Nhóm sáu gồm các kỹ năng và kiến thức cần thiết sau: hành vi đạo đức nghề nghiệp; nhận diện và xử lý hành vi/ứng xử vi phạm đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn khuôn mẫu và tiêu chuẩn luật định về đạo đức và giá trị nghề nghiệp.

Trước đây, đạo đức nghề nghiệp là một nội dung thuộc nhóm kỹ năng về ra quyết định. Việc bổ sung nhóm năng lực và kiến thức về đạo đức và các giá trị nghề nghiệp thành một nhóm năng lực riêng biệt là một sự thay đổi lớn của Khung năng lực mới. Điều này cho thấy IMA nói riêng và cộng đồng kế toán tài chính nói chung đã nhận thức được vai trò quan trọng của vấn đề đạo đức và các giá trị nghề nghiệp trong quá trình thực hành kế toán quản trị trong xã hội.

Người làm kế toán quản trị cần thể hiện được hành vi đạo đức nghề nghiệp của bản thân. Có nghĩa là phải tuân thủ các quy chế, quy định về hành vi ứng xử nơi làm việc. Tuy nhiên, các giá trị và đạo đức nghề nghiệp cần được nhận thức rộng hơn, bao gồm cả năng lực hoài nghi nghề nghiệp, nhận diện các hành vi xung đột và sai lệch với quy định, từ đó lựa chọn cách thức hành xử phù hợp.

Kết luận

Việc nghiên cứu tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp kế toán nói chung và kế toán quản trị nói riêng từ kinh nghiệm của các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp trên thế giới là vô cùng cần thiết. Qua đó, giúp định hướng và xây dựng khung kỹ năng tại Việt Nam phục vụ cho quá trình phát triển nghề nghiệp kế toán trong xu thế hội nhập và CMCN 4.0. Đối với người làm kế toán, trong đó có kế toán quản trị, khung năng lực giúp họ có nhận thức và định hướng đúng đắn trong quá trình hành nghề.

Đối với các Hiệp hội nghề nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, khung năng lực là cơ sở phục vụ chọn lọc, đánh giá, quản trị nghề nghiệp. Đối với các cơ sở đào tạo, khung năng lực là bản tham chiếu phục vụ quá trình hoàn thiện, đổi mới chương trình đào tạo phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, bối cảnh và thông lệ quốc tế. Qua đó, trang bị, rèn giũa các kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực kế toán quản trị trong tương lai nhằm đáp ứng ứng nhu cầu của nền kinh tế - xã hội trong bối cảnh CMCN 4.0.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Raef Lawson, SF Strategic finance, March.2019, “New competencies for management accountants”;
2. Lachlan Colquhoun, In the Black, Nov. 2018, “The core skills required of the new management accountant”;
3. Website: imanet.org/framework.