Vận dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Nghiên cứu tiến hành phân tích, xây dựng và kiểm định mô hình về các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị cho các công ty xây lắp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Để thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả đã sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 5 nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị cho các công ty xây lắp trên địa bàn Thành phố, đó là: Nhận thức của nhà quản lý công ty; Quy mô công ty; Đặc điểm ngành xây lắp; Trình độ chuyên môn của cán bộ công nhân viên và Chi phí cho việc vận dụng kế toán quản trị.
Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Theo Luật Kế toán Việt Nam (năm 2015), kế toán quản trị (KTQT) là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán.
Theo Ray H. Garrison và cộng sự (2012), thông tin KTQT là một trong những nguồn thông tin ban đầu của quá trình ra quyết định và kiểm tra trong tổ chức, giúp nhà quản trị các cấp trong tổ chức có những quyết định tốt hơn, qua đó cải tiến kết quả chung của tổ chức.
Ahmed Belkaoui (2017) nhấn mạnh, nhân tố con người, nhân tố cá nhân đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của hệ thống KTQT, vì nhà quản lý phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của đơn vị mình. Chung quan điểm, Trần Văn Tùng (2016) cho rằng, các nhà quản trị trong các tổ chức ở Việt Nam chưa kịp thời quan tâm và coi trọng hệ thống KTQT chỉ mới tập trung xây dựng phần thực hành kế toán tài chính. Nguyên nhân chính là do sự nhận thức về tầm quan trọng KTQT trong tổ chức của nhà quản trị chưa đầy đủ.
Theo Trần Văn Tùng (2017), mỗi doanh nghiệp (DN) đều có những đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau, bao gồm: Lĩnh vực hoạt động, đặc điểm quy trình công nghệ, đặc điểm tổ chức sản xuất... Những yếu tố này ảnh hưởng lớn đến việc ứng dụng KTQT, việc lựa chọn những nội dung và mô hình KTQT khi áp dụng vào DN.
Sản xuất ngành xây lắp có đặc điểm riêng biệt như: (1) Sản xuất xây lắp mang tính chất riêng lẻ; (2) Sản phẩm thường có giá trị lớn, khối lượng công trình lớn, thời gian thi công tương đối dài; (3) Thời gian sử dụng sản phẩm xây lắp tương đối dài và có bảo hành; (4) Sản phẩm được sử dụng tại chỗ, địa điểm xây dựng luôn thay đổi theo địa bàn thi công; (5) Sản xuất được hình thành thường diễn ra ngoài trời, chịu tác động trực tiếp bởi điều kiện môi trường, thiên nhiên, thời tiết và do đó việc thi công xây lắp ở một mức độ nào đó mang tính chất thời vụ. Những đặc điểm này đòi hỏi KTQT phải được tổ chức quản trị phù hợp với công tác quản trị ngành xây lắp.
Dựa vào cơ sở lý thuyết nêu trên, nhóm tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu như Hình 1.
Các giả thuyết nghiên cứu
H1: Nhận thức của nhà quản lý công ty có tác động cùng chiều (+) đến việc vận dụng KTQT.
H2: Quy mô công ty có tác động cùng chiều (+) đến việc vận dụng KTQT.
H3: Đặc điểm của ngành xây lắp có tác động cùng chiều (+) đến việc vận dụng KTQT.
H4: Trình độ chuyên môn của cán bộ công nhân viên có tác động cùng chiều (+) đến việc vận dụng KTQT.
H5: Chi phí cho việc vận dụng kế toán quản trị thấp có tác động cùng chiều (+) đến việc vận dụng KTQT.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Nhóm tác giả sử dụng thang đo 5 Likert cho toàn bộ bảng hỏi: Hoàn toàn không đồng ý; không đồng ý; bình thường; đồng ý; hoàn toàn đồng ý. Để đạt được tối thiểu 105 quan sát, nhóm tác giả đã gửi 180 bảng câu hỏi (từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2020) cho các DN xây lắp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả nhận được 166 phiếu khảo sát, trong đó có 9 phiếu không hợp lệ. Số lượng quan sát còn lại đưa vào phân tích là 157 phiếu thỏa mãn điều kiện mẫu tối thiểu là 105 (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Kiểm định chất lượng thang đo
Bảng 1 cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha của tổng thể đều lớn hơn 0.7. Như vậy, hệ thống thang đo được xây dựng gồm 6 thang đo đảm bảo chất lượng tốt với 24 biến quan sát đặc trưng.
Phân tích nhân tố khám phá
Phân tích nhân tố khám phá EFA biến phụ thuộc
Kết quả kiểm định Bartlett's cho thấy, giữa các biến trong tổng thể có mối tương quan với nhau (sig = 0.000<0.05). Đồng thời, hệ số KMO=0.757 lớn hơn 0.5 (> 0.5), chứng tỏ phân tích nhân tố để nhóm các biến lại với nhau là thích hợp và dữ liệu phù hợp cho việc phân tích. Mặt khác, với phương pháp rút trích Principal components và phép quay Varimax, có 1 yếu tố được rút trích ra từ các biến quan sát. Phương sai trích là 75.7%>50% là đạt yêu cầu.
Phân tích nhân tố khám phá EFA biến độc lập
Ta có, KMO=0.728 thỏa mãn điều kiện 0.5≤KMO≤1, nên phân tích nhân tố được chấp nhận với dữ liệu nghiên cứu. Sig Barlett’s Test=0.000<0.05 cho thấy, kiểm định Bartlett có ý nghĩa thống kê, chứng tỏ các biến quan sát có tương quan với nhau trong nhân tố.
Từ kết quả kiểm định cho thấy, phương sai trích là 77.869%>50% đạt yêu cầu. Với phương pháp rút trích Principal components và phép quay Varimax, có 5 yếu tố được rút trích ra từ 25 biến quan sát. Điều này có nghĩa, 5 yếu tố rút trích ra thể hiện khả năng giải thích được 77.869% sự thay đổi của biến phụ thuộc trong tổng thể.
Kiểm định mô hình hồi quy tuyến tính đa biến
Nghiên cứu thực hiện chạy hồi quy tuyến tính đa biến với phương pháp đưa vào một lượt (Bảng 2).
Trong bảng số liệu khi xét tstat và tα/2 của các biến để đo độ tin cậy, thì các biến độc lập NT, QM, DD, TD và CP đều đạt yêu cầu và các giá trị Sig. thể hiện độ tin cậy khá cao, đều <0.05. Ngoài ra, hệ số VIF của các hệ số Beta đều nhỏ hơn 10 và hệ số Tolerance đều >0.5 cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra.
Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính đa biến
Bảng 3 cho thấy, giá trị hệ số tương quan là 0.858>0.5. Do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập.
Ngoài ra, hệ số xác định của mô hình hồi quy R2 hiệu chỉnh là 0.727. Nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 72.7%. Như vậy, khoảng 72.7% sự biến thiên về vận dụng KTQT cho các công ty xây lắp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các phần còn lại là do sai sót của các yếu tố khác.
Kiểm định Durbin Watson=1.906 trong khoảng 1<D<3, nên không có hiện tượng tự tương quan của các phần dư.
Phương trình hồi quy
VD = 0.350*QM + 0.252*NT + 0.204* TD + 0.173*CP+ 0.116*DD
Như vậy, có 5 nhân tố có ảnh hưởng đến vận dụng KTQT tại DN xây lắp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo thứ tự là: Quy mô công ty; nhận thức của nhà quản lý công ty; trình độ chuyên môn của cán bộ công nhân viên; chi phí cho việc vận dụng KTQT; đặc điểm của ngành xây lắp.
Kết luận và hàm ý quản trị
Để có thể vận dụng được hiệu quả công cụ KTQT cho các DN xây lắp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhà quản lý cần căn cứ quy mô của đơn vị; đặc điểm ngành nghề; trình độ chuyên môn của cán bộ công nhân viên, cũng như tiềm lực về nhân sự, trình độ kỹ thuật, điều kiện của đơn vị mà chọn nội dung, phương pháp kế toán quả trị phù hợp.
Theo đó, đối với các DN có quy mô nhỏ và vừa cần nhận thông tin để cung cấp cho nhà quản trị các nội dung, phương pháp KTQT cơ bản như quản trị chi phí, phân tích mối quan hệ chi phí–khối lượng–lợi nhuận; dự toán ngân sách; phân tích chi phí giá thành sản phẩm; phân biến động chi phí. Đối với các DN có quy mô lớn, nhà quản trị cần đưa ra các quyết định gắn với việc thực hiện chiến lược dài hạn của đơn vị. Công ty cũng cần vận dụng các nội dung, phương pháp KTQT như dự toán ngân sách; kế toán đánh giá trách nhiệm; thẻ điểm cân bằng...
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Văn Tùng (2017), Kế toán chi phí giá thành, NXB Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
2. Ahmed Belkaoui (2017), The Implementation of Management Accounting Practices and its Relationship with Performance in Small and Medium Enterprises, International Review of Management and Marketing, 7(1), 342-353;
3. Emmanuel, C., Otley, D., & Merchant, K. (1990), Accounting for management control, In Accounting for Management Control (pp. 357-384), Springer, Boston, MA;
4. Galbraith, J. K. (1973), Power and the useful economist, American Economic Review, 63(1), 1-11;
5. Ismail & King (2007), Factors influencing the alignment of accounting information systems in small and medium sized Malaysian manufacturing firms, Journal of Information Systems and Small Business, vol. 1, no. 1-2, pp. 1-20;
6. Lucas, M., Prowle, M., & Lowth, G. (2013), Management accounting practices of (UK) small-medium-sized enterprises (SMEs), Improving SME performance through Management Accounting Education, 61(6), 13.