Đồng bằng Sông Cửu long:
Tìm chiến lược đầu ra cho nông sản
(Tài chính) Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nổi tiếng với hạt gạo và con cá tra, nhưng câu hỏi day dứt nhất là làm sao tìm được đầu ra cho hai sản phẩm nông nghiệp chủ lực này để giúp người nông dân thoát nghèo, chứ không phải là gia tăng sản lượng, theo ý kiến của nhiều diễn giả một hội thảo chiều ngày 29-5 tại TP Cần Thơ.
Theo TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cần thiết phải có chiến lược đầu ra cho sản phẩm để có kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh tình trạng người trồng lúa ngày càng nghèo thêm.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ giữa nhóm công tác với đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các viện, trường, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tại thành phố Cần Thơ chiều 29-5, ông Bảnh băn khoăn khi sản phẩm nông nghiệp làm ra bao nhiêu là vừa vẫn chưa ai biết được.
Ông Bảnh cho rằng, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nghiên cứu nhu cầu thị trường tiêu thụ để có kế hoạch đặt hàng các nhà khoa học sản xuất các giống phù hợp với yêu cầu thị trường. “Ngành lúa gạo không có bước chuyển đổi kịp thời thì 20 năm sau nữa sẽ không ổn,” ông Bảnh cảnh báo.
Mặt hàng cá tra là một điển hình về nỗi bức xúc cần phải có một chiến lược đầu ra.
Theo Tổng cục Thủy sản trong vòng 10 năm gần đây diện tích nuôi cá tra đã tăng 5 lần, sản lượng tăng 36 lần, giá trị xuất khẩu tăng gấp 45 lần và chiếm 34,4% tổng giá trị xuất khẩu ngành thủy sản và đóng góp khoảng 2,2% GDP cả nước.
TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, Phó chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, cho rằng các số liệu thống kê về diện tích nuôi, sản lượng cá tra không chính xác nên rất khó xây dựng kế hoạch, lập phương án xử lý các tình huống liên quan, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và rớt giá, thua lỗ như thời gian qua.
“Hiện tại các doanh nghiệp ngành cá tra tại ĐBSCL có 30% mạnh khỏe, 30% đang phải nằm bệnh viện và khoảng 30% chết chưa chôn”, ông Dũng nói.
Theo báo cáo của các tỉnh thành ĐBSCL, năm 2013 diện tích nuôi cá tra chỉ đạt 5.556 héc ta, giảm 7% so cùng kỳ 2012, sản lượng đạt 1.131 tấn, giảm 12%.
Các nhà khoa học đã đi sâu phân tích các vấn đề mấu chốt khiến hai mặt hàng lúa gạo và cá tra của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần đây luôn trong tình trạng bị động. Đa phần người sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh đang hết sức khó khăn…
Trước thực trạng “được mùa-rớt giá” của các mặt hàng nông sản chủ lực, ông Lê Vĩnh Tân, Phó ban kinh tế Trung ương, đặt ra câu hỏi là liệu ĐBSCL có thể làm giàu từ nông nghiệp được không.
Theo ông Tân, quy hoạch lại sản xuất cho toàn vùng là biện pháp chính để tháo gỡ các vướng mắc hiện tại. Đây là chuyện đã đề cập cách nay hàng chục năm nhưng chưa làm được bởi thiếu người chỉ huy chung.
Các khó khăn hiện tại sẽ không có lối thoát nếu từng tỉnh, từng doanh nghiệp đơn lẻ tự tìm biện pháp cho riêng mình. Liên kết kinh tế vùng lần này được xem là thời cơ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ là đầu mối tổ chức thực hiện các quy hoạch, liên kết trong toàn vùng, theo ông Tân.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc cơ cấu lại sản xuất chỉ nên làm khi đã biết, bàn đã thông… không nên vội vàng mà phải tìm hiểu thấu đáo xem phải trồng gì, nuôi gì, sản lượng bao nhiêu, bán cho ai, giá cả ra sao…, nghĩa là phải có một chiến lược đầu ra rõ ràng.
Trước đó, sáng ngày 29-5 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cùng phối hợp Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức hội nghị phổ biến quy định của các thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2014 cho các doanh nghiệp chuyên ngành.
Tại hội nghị này, đại diện Tổng cục Thủy sản đã giới thiệu những nội dung cơ bản Nghị định 36/2014/NĐ-CP (ngày 29-4-2014) của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Theo nghị định này, các cơ sở nuôi, chế biến cá tra thành lập sau 20-6-2014 phải phù hợp quy hoạch được phê duyệt; cũng từ thời điểm này trở đi, khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu thủy sản, phải có giấy đăng ký hoạt động nuôi cá tra thương phẩm.
Theo Cục chế biến Nông – Lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), chế biến cá tra ở ĐBSCL hiện có khoảng 70 cơ sở, tập trung phần lớn ở Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ. Đây là ngành kinh tế quan trọng có hơn 200.000 lao động, với các nhà máy có máy móc thiết bị tương đối hiện đại và đồng bộ. Tuy nhiên, 92% sản phẩm làm ra chỉ mới là dạng sơ chế (cá tra phi lê); các loại sản phẩm chế biến sâu, phối chế, sản phẩm ăn liền…chỉ chiếm 8%.