Tìm giải pháp hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp
Những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2014, đã tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống ngân hàng trong năm 2015 thực hiện các giải pháp tiền tệ, chính sách tín dụng hỗ trợ tích cực cho hoạt động của doanh nghiệp năm 2015.
Nhiều tác động tích cực
Những năm 2011 - 2013 lãi suất vay vốn ở mức cao là một trong những rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp (DN) trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên từ năm 2014 đến nay, với định hướng và giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh tạo sức hút để các DN vay vốn ngân hàng, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng. Đây là cơ sở để NHNN và các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể giảm mạnh lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Nhờ đó, điều hành có hiệu quả chính sách tiền tệ (CSTT) đã được điều hành một cách hiệu quả và có sự phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô trong việc kiềm chế lạm pháp, đưa lạm phát từ mức 18,13% năm 2011, xuống mức 6,68% năm 2012, 6,03% năm 2013 và 1,86% năm 2014.
Khi mặt bằng lãi suất giảm mặc dù ngân hàng dư thừa vốn, DN có nhu cầu vay vốn nhưng ngân hàng và DN gặp nhau vẫn có phần khó khăn. Điều này xuất phát từ những khó khăn của nền kinh tế, khi thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước bị thu hẹp. Những khó khăn trên thị trường hàng hóa tiêu thụ đã khiến nhiều DN lâm vào tình cảnh hàng tồn kho tăng cao, nhiều DN do không luân chuyển được dòng vốn, đọng vốn trong hàng hóa, dẫn tới phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn, do vậy cũng không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.
Nhìn từ phía khu vực ngân hàng, việc thả lỏng tín dụng với việc kiểm soát các điều kiện tín dụng, loại hình tín dụng dễ dãi, các tỷ lệ an toàn chưa được đảm bảo hợp lý, kịp thời trong một thời gian dài đã khiến chất lượng của nhiều khoản tín dụng có thể làm suy yếu năng lực tài chính của các ngân hàng trong thời điểm hiện tại, đe dọa tính ổn định của khu vực ngân hàng. Trước tình hình đó, khu vực ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong việc cung ứng tín dụng để ngăn chặn nợ xấu gia tăng. Các điều kiện cấp tín dụng có thể thay đổi không đáng kể, tuy nhiên, việc kiểm soát thực hiện các điều kiện của quy chế được các ngân hàng thực thi là chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, các ngân hàng tập trung đánh giá và xem xét kỹ hơn dòng tiền của các khách hàng khi đưa ra các quyết định cho vay, hay các điều kiện và điều khoản khác như quy mô khoản vay và hạn mức tín dụng, các yêu cầu về tài sản bảo đảm và thời hạn cho vay. Các ngân hàng cũng tập trung giải quyết cho khách hàng truyền thống của mình, đồng thời chủ động tìm những DN có “sức khỏe” tốt để cung ứng tín dụng. Tuy nhiên, trong môi trường rủi ro đang gia tăng hiện nay, tình trạng thông tin bất cân xứng càng làm cho các ngân hàng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm các khách hàng an toàn. Tất cả những điều nêu trên khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các DN hiện còn có những khó khăn.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng vẫn đảm bảo giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã định, NHNN đã chủ động kịp thời ban hành nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn cho cả phía DN và ngân hàng. Các biện pháp này tập trung vào việc tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng cho các DN thông qua việc cho phép điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ nhưng không chuyển nhóm nợ. Điều này giúp các DN gặp khó khăn có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, NHNN còn sử dụng các công cụ CSTT để hướng dòng vốn tín dụng phát triển vào ưu tiên, trọng điểm của quốc gia, như lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn, thủy hải sản, đóng tàu… Quy định các ngân hàng có tỷ trọng cho vay phát triển nông thôn chiếm từ 40% vốn cho vay trở lên chỉ phải áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 1/5 so với mức thông thường, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên trong đó có NNNT thấp hơn lãi suất cho vay lĩnh vực khác khoảng từ 1-2%/năm và liên tục giảm trần lãi…
Kết quả là: giai đoạn 2011 -2014, tín dụng toàn hệ thống có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2014, tín dụng tăng 14,16% vượt mục tiêu đề ra, nhất là tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đạt được mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung. Tính đến 31/12/2014, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại các TCTD đạt 744.622 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,76% dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, cho vay bằng VND chiếm hơn 92% tổng dư nợ nông nghiệp nông thôn, cho vay ngắn hạn chiếm khoảng 70% dư nợ.
Một số chính sách tín dụng đặc thù của NHNN như nêu trên đã có tác động tốt trong việc khai thác các thế mạnh của các vùng miền trong cả nước. Điển hình là thực hiện chương trình kết nối ngân hàng với DN đã được triển khai một cách quyết liệt. Chỉ trong vòng 8 tháng từ khi bắt đầu triển khai (từ tháng 4/2014 đến hết năm 2014) NHNN đã tổ chức được trên 300 hội nghị kết nối ngân hàng với DN, qua đó đã giải ngân khoảng 250.000 tỷ đồng, với 24.000 DN được tiếp cận vay vốn qua chương trình này. Có thể nói đây là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa ngân hàng với DN, tạo được sự đồng thuận, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương trong việc tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các DN… Năm 2014, NHNN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành cơ chế chính sách và lựa chon 31 dự án của 28 DN tham gia chương trình cho vay thí điểm với mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao vào phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp tiền tệ, tín dụng của năm 2014, chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm đã và đang được tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt trong năm 2015. Ngoài ra, NHNN cũng sẽ thực hiện thêm một số các giải pháp tiền tệ, tín dụng chủ yếu hướng vào việc tháo gỡ những khó khăn, rào cản để các DN có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng một cách hiệu quả nhất. Theo đó, ngày 27/1/2015, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện CSTT và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2015. Cụ thể, Chỉ thị này đã nêu: Tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 13-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế...; Tổ chức thực hiện các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh...
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Với định hướng hoạt động tín dụng nêu trên, để hỗ trợ DN ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian tới một số giải pháp đồng bộ cần triển khai:
Thứ nhất, tiếp tục kiểm soát mức độ tăng trưởng tín dụng của từng TCTD, thông qua việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực tài chính và khả năng cho vay của TCTD.
Thứ hai, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản suất kinh doanh, theo đó cần: (i) đẩy nhanh việc sửa đổi, thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị định 41/2010/NĐ-CP không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, NHNN đã đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 41/2010/NĐ-CP theo hướng: đề xuất chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó sẽ mâng mức tín chấp từ 1,5 đến 2 lần mức hiện hành. Đồng thời, có chính sách cụ thể khuyến khích DN, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm tạo ra bước chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, tăng khả năng liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực… và xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, để có thể mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho các DN nhỏ và vừa, Chính phủ đã cho phép các địa phương thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng (Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa ban hành). Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của các quỹ này chưa phát huy tác dụng.
Để các Quỹ bảo lãnh tín dụng thực sự phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, hỗ trợ tích cực cho việc mợ rộng tín dụng lành mạnh đối với DN nhỏ và vừa, ngày 4/5/2015, NHNN đã ban hành Thông tư số 05/TT-NHNN, hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho vay có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư này đã tạo một hành lang pháp lý quan trọng, tháo gỡ những vướng mắc cho các DN nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng thông qua hình thức bảo lãnh tín dụng của Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Thông tư quy định rõ phương thức phối hợp giữa bên cho vay và Quỹ Bảo lãnh tín dụng, nguyên tắc cho vay có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng và nghĩa vụ bảo lãnh, quy định việc chuyển gia và xử lý tài sản đảm bảo khi bên cho vay chấp thuận việc từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Quỹ này; quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của bên bảo lãnh và bên cho vay, trách nhiệm của NHNN trong việc phối hợp với các Sở, Ban ngành tại địa phương để xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cho vay có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại các địa phương
Thứ tư, tiếp tục triển khai các chương trình gắn tín dụng ngân hàng với chính sách kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện cho vay bằng ngoại tệ, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế, góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, hỗ trợ DN xuất khẩu, DN có nguồn thu ngoại tệ.
Thứ năm, cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.
Thứ sáu, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tích cực chủ động đầu tư có hiệu quả, chia sẻ khó khăn với DN, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cầu kinh tế. NHNN đã chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại Nhà nước tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ đối với chăn nuôi, thủy sản (cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất, gia hạn nợ tối đa 24 tháng đối với các hộ gia đình, cá nhân DN). Dư nợ cho vay lĩnh vực này đến cuối tháng 4/2015 ước đạt 42.700 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm 2014.
Có thể nói, điểm nhấn của chính sách tín dụng năm 2015 là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, thủ tục vay vốn để các DN, nhất là DN nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng hơn, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và hướng mạnh dòng vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, trong năm 2015 dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ được ngành Ngân hàng ưu tiên cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Với chính sách tín dụng đúng hướng 4 tháng đầu năm 2015, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng hơn 3%, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.