Tín dụng tăng 4,03% trong quý I/2022
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến 21/3/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03%, vượt xa mức tăng trưởng tín dụng quý I/2021 (1,47%).
Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội quý I/2022 của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong 3 tháng đầu năm, trước bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, NHNN tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng ổn định. Thị trường chứng khoán có nhiều triển vọng tích cực với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu ước tính tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính đến thời điểm 21/3/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,54%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,47%).
Những tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý I/2022 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9%.
Các lĩnh vực của nền kinh tế có xu hướng phục hồi và tăng trưởng, tác động tích cực đến hoạt động của thị trường chứng khoán.
Trên thị trường cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân quý I/2022 đạt 31.409 tỷ đồng/phiên, tăng 18,1% so với bình quân năm trước.
Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân quý I/2022 đạt 13.149 tỷ đồng/phiên, tăng 15,3% so với bình quân năm 2021.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân quý I của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 139.076 hợp đồng/phiên, giảm 26% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch bình quân sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 38,42 tỷ đồng/phiên, giảm 46%.
Về chỉ số giá tiêu dùng, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.