Tín dụng xanh của Việt Nam đạt 528.000 tỷ đồng

Tuấn Thủy

Theo Báo cáo tháng 8/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB), tính đến hết tháng 6/2023, tín dụng xanh của Việt Nam đã đạt 528.000 tỷ đồng, tỷ trọng trên tổng dư nợ là 4,2%, tăng hơn 5% so với cuối năm 2022.

Ngành Năng lượng chiếm tỷ trọng rất lớn trong việc chuyển đổi sang kinh tế xanh.
Ngành Năng lượng chiếm tỷ trọng rất lớn trong việc chuyển đổi sang kinh tế xanh.

Việt Nam là nền kinh tế quy mô tuy còn nhỏ, nhưng có độ mở rất cao, liên kết chặt chẽ với kinh tế thế giới và chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nên cũng cũng không nằm ngoài xu thế phát triển này. Nguồn vốn tài chính xanh trên thế giới trong 10 năm gần đây tăng theo cấp số nhân, đã trở thành dòng vốn chủ đạo và được khuyến khích phát triển.

WB ước tính, riêng tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm để Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thải carbon và nâng cao khả năng chống chịu có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm.

Đặc biệt, ngành Năng lượng chiếm tỷ trọng rất lớn trong việc chuyển đổi sang kinh tế xanh của Việt Nam. Tỷ trọng của tín dụng xanh dành cho năng lượng tái tạo cũng rất lớn. Trong số hơn 500.000 tỷ đồng tín dụng xanh, có tới 233.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo số liệu mới nhất, tín dụng xanh đã lên tới 243.000 tỷ đồng.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hải - Chuyên gia Kinh tế, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam, khoản tín dụng xanh tại Việt Nam chiếm khoảng 35% tổng vốn dành cho các dự án điện mặt trời, điện gió quy mô lên tới 22KW trong thời gian qua.

“Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm về năng lượng tái tạo, trong đó riêng tín dụng xanh đã khoảng 11 tỷ USD," ông Hải nhận định.

Với lĩnh vực trái phiếu xanh, quy mô lại đang giảm mạnh. Năm 2021 là 37.000 tỷ đồng nhưng đến 2023 chỉ còn khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. So với quốc tế, con số này còn rất khiêm tốn, bởi trên thế giới, trái phiếu xanh chiếm hơn 50% tổng giá trị phát hành trái phiếu, TS Nguyễn Thanh Hải thông tin.

Theo ông Hải, về lâu dài, để phát triển thành công thị trường vốn xanh tại Việt Nam, cần có các nhóm giải pháp hỗ trợ để chuẩn hóa khung tiêu chí đánh giá, tạo cầu cho các sản phẩm tài chính xanh.

Ngoài ra, cần phát triển hơn nữa sự hình thành và tham gia của các quỹ đầu tư thông qua việc xây dựng cơ chế thuế; khuyến khích tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua quỹ đầu tư, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

 

Trong năm 2023, từ khóa “nguồn vốn xanh” đã trở thành tâm điểm bàn luận trong giới doanh nghiệp. Sức nóng của vấn đề càng tăng lên khi Chính phủ và Bộ Tài chính đang có hàng loạt động thái tích cực liên quan đến vấn đề này.