Tín hiệu khả quan từ động thái doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2014
(Tài chính) Tại hội thảo “Động thái doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2014”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố khảo sát nhanh động thái doanh nghiệp Việt Nam năm trên quy mô toàn quốc để đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2014 và dự cảm cho 6 tháng cuối năm 2014.
6 tháng đầu năm có xu thế tốt lên
Nhìn chung, nhiều yếu tố của tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 được các doanh nghiệp cảm nhận là tốt hơn so 6 tháng cuối năm 2013, mặc dù vẫn còn tồn tại một số yếu tố chưa được cải thiện.
Tổng thể điều kiện sản xuất, kinh doanh năm 6 tháng đầu năm 2014 tốt hơn so với 6 tháng cuối năm 2013. Trong đó, điểm sáng nổi bật trong các chuyển biến tốt là yếu tố tiếp cận nguồn thông tin về thị trường, công nghệ.
Tổng doanh số có xu thế được cải thiện rõ rệt. Cảm nhận về doanh số thực 6 tháng đầu năm 2014 đã rõ rệt hơn so với 6 tháng cuối năm 2013 (chỉ số động thái (CSĐT) thực thấy đạt 8 điểm so với mức 0.3 điểm của năm 2013).
Đáng chú ý, năng suất lao động bình quân được cảm nhận có xu hướng được cải thiện rõ rệt trong 6 tháng đầu năm 2014. Đây là chỉ số lạc quan nhất trong các chỉ số đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thể hiện xu thế tất yếu trong điều kiện hiện nay, cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức được rằng tăng trưởng không thể mãi dựa vào yếu tố vốn, mà phải dựa vào yếu tố năng suất lao động. Năng suất lao động năm 2013 tăng lên so với năm 2012, 6 tháng đầu năm 2014 tăng so với 6 tháng cuối năm 2013.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tiếp cận vốn vay 6 tháng đầu năm 2014 đã dễ dàng hơn rất nhiều. Một trong những nguyên nhân mang lại kết quả này có thể là do mức lãi suất cho vay có thể thấp hơn sau hàng loạt đợt hạ lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước. Một nguyên nhân khác cũng có thể là do các thủ tục vay vốn và các điều kiện được vay vốn của ngân hàng được thông thoáng hơn.
Về kết quả hoàn thành kế hoạch chung, trong năm tháng đầu năm 2014, đối với kế hoạch doanh thu 21,6% doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch, 27,9% doanh nghiệp đạt trên 90% kế hoạch.
Tuy nhiên, tiêu thụ sản phẩm vẫn đang là một thách thức rất lớn cho doanh nghiệp. Trong 5 tháng đầu năm 2014, có khoảng 4,2% doanh nghiệp trả lời khảo sát phải tạm thời ngừng hoạt động. Thời gian ngừng hoạt động trung bình là 1,5 tháng, doanh nghiệp có thời gian ngừng hoạt động ngắn nhất là 0,5 tháng và dài nhất là 4 tháng. Doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong thời gian qua do không tìm được thị trường đầu ra chiểm tỷ lệ cao nhất (50%).
6 tháng cuối năm dự cảm tiếp tục tốt hơn
Theo Báo cáo, các yếu tố được cải thiện trong 6 tháng đầu năm, sẽ tiếp tục tốt hơn trong 6 tháng cuối năm 2014, như: doanh số (CSĐT dự cảm đạt 25 điểm), hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị (CSĐT dự cảm đạt 17 điểm), việc làm (CSĐT dự cảm đạt 13 điểm), năng suất lao động (CSĐT dự cảm đạt 22 điểm).
Đặc biệt, từ khi khảo sát bắt đầu thực hiện vào năm 2010, đây là lần đầu tiên yếu tố về lợi nhuận được doanh nghiệp dự cảm tốt lên (+3 điểm). Mức cải thiện của yếu tố này được dự cảm chưa thực sự đáng kể nhưng cũng đã phát đi một tín hiệu thể hiện chuyển biến tốt trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính - bà Nguyễn Thị Hải Bình nhận định, trong 6 tháng cuối năm, một số yếu tố kinh tế vĩ mô có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là đầu tư, xuất – nhập khẩu, thị trường tiền tệ, tài chính, qua đó có thể gây sức ép đối với tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm. Xuất - nhập khẩu, đặc biệt là xuất nhập khẩu với Trung Quốc có thể bị tác động mạnh, trong đó về xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều là các mặt hàng nông sản như cao su, lúa gạo, rau quả; trong khi nhập khẩu các mặt hàng như phân bón, giống cây trồng, nguyên phụ liệu ngành dệp may (vải, hóa chất nhuộm, phụ kiện,…) có thể bị tác động do kim ngạch nhập khẩu với Trung Quốc khá lớn. Dòng vốn FDI, đặc biệt là vốn giải ngân có thể chậm lại trước tâm lý quan ngại của các nhà đầu tư. Thị trường du lịch cũng bị tác động, đặc biệt là lượng khách du lịch từ Trung Quốc. Vận tải đường biển, bắt xa bờ, khai thác dầu khí cũng có thể bị ảnh hưởng. Thị trường tài chính (vàng, tỷ giá, chứng khoán) có thể có những biến động phức tạp do yếu tố tâm lý.
Tuy nhiên, với những nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ, với các biện pháp, giải pháp ứng phó kịp thời, cùng với việc triển khai có hiệu quả và đồng bộ các chính sách pháp luật mới được sửa đổi, ban hành, thì khả năng hoạt động sản xuất. kinh doanh của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm sẽ góp phần hạn chế các tác động tiêu cực nêu trên./.