Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành:

Tín hiệu tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Theo Hà Linh/hanoimoi.com.vn

Lãi suất tái cấp vốn đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 0,25% từ ngày 16-9. Việc giảm lãi suất điều hành mới chỉ được thực hiện trong một tuần nên chưa thể thấy rõ tác động tới nền kinh tế, song đây là tín hiệu tích cực từ phía cơ quan điều hành trong việc hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, để từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành - Tín hiệu tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành - Tín hiệu tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Giảm theo xu hướng thế giới

Trong lần giảm lãi suất điều hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước kể từ tháng 10-2017 này, các mức lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng đều được điều chỉnh giảm 0,25%.

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm còn 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu còn 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng còn 7,0%/năm. Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Ngay sau động thái trên của Ngân hàng Nhà nước, nhiều đơn vị đưa ra phân tích. Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nêu rõ: Khác với sự phân hóa trong hướng điều chỉnh lãi suất năm 2018, kể từ đầu năm 2019 đến nay, xu hướng giảm lãi suất có sự đồng thuận cao, khi số lần giảm của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới ngày càng gia tăng. Hiện đã có 93 đợt điều chỉnh giảm trên toàn thế giới, trong khi chỉ có 9 đợt điều chỉnh tăng lãi suất. Đối với tình hình trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế ở mức cao, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu (bình quân 8 tháng năm 2019, lạm phát tăng 2,57%).

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định nhờ dự trữ ngoại hối hiện đã ở mức cao nhất từ trước đến nay, với khoảng 70 tỷ USD. Cán cân thương mại lũy kế 8 tháng năm 2019 thặng dư 5,1 tỷ USD, hết tháng 8 có 11,96 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI được giải ngân.

"Giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Trong bối cảnh hiện tại, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản cho các tổ chức tín dụng" - ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Không làm tăng lạm phát trong ngắn hạn

Việc giảm lãi suất điều hành chưa tác động đến hoạt động của các ngân hàng thương mại trong ngắn hạn. 
Việc giảm lãi suất điều hành chưa tác động đến hoạt động của các ngân hàng thương mại trong ngắn hạn. 

Việc giảm lãi suất điều hành không tác động nhiều đến tình hình kinh doanh của các ngân hàng trong ngắn hạn. Vì các ngân hàng chủ yếu kinh doanh trên thị trường 1 (thị trường giao dịch giữa ngân hàng với người dân, tổ chức kinh tế), còn trên thị trường 2 (thị trường giao dịch liên ngân hàng) lãi suất cũng đang ổn định và đã giảm về mức hợp lý trước khi có quyết định giảm lãi suất điều hành.

Về tác động tới kinh tế vĩ mô, có ý kiến lo ngại việc giảm lãi suất điều hành sẽ làm tăng lạm phát, vì xét về lý thuyết, lượng tiền được đẩy vào lưu thông nhiều hơn, tỷ giá cũng tăng lên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới đều cho rằng, lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp nên không cần thiết phải lo lắng.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, có 3 chỉ báo để Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành. Chỉ báo đầu tiên là từ động thái giảm lãi suất của ngân hàng trung ương các nước, nhất là Mỹ. Về nguyên tắc, khi giảm lãi suất sẽ làm đồng tiền giảm giá, cũng có nghĩa làm tăng tỷ giá hối đoái.

Như vậy, giảm lãi suất điều hành tạo ra hành lang cho Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá rộng hơn, qua đó tránh ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu cũng như sức cạnh tranh của Việt Nam với đối tác thương mại quan trọng. Nhưng mức giảm 0,25%/năm này cũng tác động rất nhỏ tới tỷ giá, chỉ có thể giúp tỷ giá tăng lên 0,1-0,15%. Thứ hai là chỉ số lạm phát đang thấp, thậm chí thấp hơn dự kiến đầu năm. Thứ ba, giảm lãi suất đồng nghĩa Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng lượng cung tiền, qua đó phát đi tín hiệu tăng khả năng cho vay của ngân hàng thương mại.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: “Trên thực tế, sau quyết định này, hàng loạt cổ phiếu đã tăng mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thị trường bất động sản có cơ hội để tăng lượng cung bất động sản. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ bớt căng thẳng”.

Nhìn nhận từ góc độ một ngân hàng thương mại, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cho rằng, quyết định giảm lãi suất phù hợp với định hướng từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước là thận trọng, linh hoạt theo sát tình hình diễn biến chung của kinh tế trong nước và thế giới. Đứng trước bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương các nước trên thế giới áp dụng chính sách nới lỏng, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành không bất ngờ. Lãi suất điều hành thể hiện thông điệp định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong việc sẵn sàng cung ứng vốn với chi phí hợp lý cho nền kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực: “Quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là động thái phù hợp khi kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp. Ở thời điểm hiện tại và dự báo cho cả năm nay, lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát ở mức tương đối thấp. Thông thường, khi lãi suất điều hành giảm sẽ tạo áp lực tăng lạm phát nên việc bối cảnh hiện tại đang giữ được lạm phát tương đối thấp chính là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất. Hơn nữa, việc giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian tới”.

Ông Ngô Ðăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng nhận định: “Việc Ngân hàng Nhà nước chủ động cắt giảm lãi suất điều hành trong thời điểm này là bước đi thận trọng cần thiết để bảo đảm đà tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tăng sức chịu đựng của nền kinh tế trong nước khi đứng trước những bất ổn từ kinh tế thế giới, không tạo áp lực lớn lên lạm phát và tỷ giá”.