Giảm lãi suất điều hành và những tác động hiệu ứng?
Kể từ ngày 16/9/2019, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25% xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm... Sự kiện này được đánh giá là sẽ có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế…
Theo Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ban hành ngày 12/9, kể từ 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Động thái trên của Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức thu hút sự quan tâm, đánh giá phân tích từ các tổ chức, chuyên gia.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tính cho giai đoạn tháng 5 (03/05/2019) đến hết tháng 8 (30/08/2019), VND đã tăng 0,26% so với USD dưới tác động của xu hướng nới lỏng chính sách từ Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ - FED. Do đó, động thái của Ngân hàng Nhà nước là nhằm hỗ trợ xuất khẩu; đồng thời, sẽ tạo dư địa để mua ngoại tệ.
Bên cạnh đó, cũng theo KBSV, lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ có xu hướng giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ các loại lãi suất điều hành. Việc hạ lãi suất trên thị trường mở (OMO) xuống còn 4,5%, cùng với thời gian trước đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã hạ lãi suất tín phiếu sẽ là tín hiệu giúp lãi suất liên ngân hàng sẽ giảm.
Tuy nhiên, KBSV cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống không quá căng thẳng như hiện nay và mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lợi suất TPCP thực ra đã phần nào được phản ánh mang tính phản ánh kỳ vọng từ trước nên những tác động còn lại, sau khi thông tin chính thức xuất hiện, sẽ không lớn.
“Đây mới là phản ứng mang tính xoa dịu kỳ vọng và dự đoán của thị trường, nhằm giảm bớt áp lực cho việc điều hành tỷ giá và lãi suất. Sự biến động của tỷ giá và lãi suất, còn phụ thuộc khá nhiều vào mức độ nới lỏng của các Ngân hàng Trung ương khác và sự giới hạn trong khả năng truyền dẫn trên thị trường…” KBSV nhận định.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng. Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
Đòng thuận với quan điểm phân tích trên, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, "Quyết định cắt lãi suất như trên của Ngân hàng Nhà nước mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán trong thời gian tới".
“Tác động của việc cắt giảm lãi suất điều hành sẽ có độ trễ, do đó mặt bằng lãi suất trên thị trường có thể sẽ giảm nhẹ từ quý I/2020...” VCSC dự báo.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia, mức giảm 0,25 điểm phần trăm như trên vẫn khá khiêm tốn so với các mức lãi suất hiện hành. "Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét giảm thêm mới có giá trị thực trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", TS Nghĩa nhận định.
“Việc cắt giảm lãi suất điều hành còn khá thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay” - khẳng định điều này, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Ảnh hưởng của động thái cắt giảm lãi suất điều hành tới mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ là không nhiều. Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm thận trọng.
Đứng dưới góc nhìn lãnh đạo ngân hàng, ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết:Nhiều năm trở lại đây, thông điệp được đưa ra từ đầu năm của NHNN rất rõ ràng “điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt”, bám sát mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là duy trì ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh…
Theo đó, quyết định này không khác gì so với định hướng của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay và cũng phù hợp với diễn biến chung của kinh tế thế giới, cũng như thị trường tiền tệ hiện nay.
“Việc giảm lãi suất điều hành không bất ngờ và cũng không tác động nhiều tới các ngân hàng bởi NHNN đã có định hướng xuyên suốt đối với thị trường từ nhiều năm nay”, ông Tùng khẳng định.
Bên cạnh những tác động trên, thị trường chứng khoán cũng kỳ vọng sẽ có những tác động tích cực. Đây có thể là lực đẩy mới, mở ra kỳ vọng cho thị trường chứng khoán tăng điểm.
Đưa ra nhận định trên, một số chuyên gia cho rằng, mặc dù điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước thời gian gần đây vẫn giữ ổn định nhưng thị trường chứng khoán vẫn đi ngang. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang rất thận trọng.
Động thái của Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, các nút thắt tâm lý đối với nhà đầu tư sẽ được cởi bỏ, nhờ đó, dòng tiền sẽ trở lại thị trường. Theo ông Nguyễn Kim Chi - Giám đốc Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch Công ty Cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam (KIS): Diễn biến giảm lãi suất hòa nhịp cùng diễn biến giảm lãi của các Ngân hàng Trung ương sẽ có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, tác động của việc giảm lãi suất sẽ không kéo dài quá lâu.
“Nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cổ phiếu nới/dư room ngoại. Nhóm bất động sản khu công nghiệp vẫn còn tiềm năng khi đã về vùng giá hợp lý, trong khi các doanh nghiệp vẫn còn hưởng lợi nhiều từ nhu cầu thuê đất và giá thuê đất tăng cao” - Phạm Ngọc Thạch khuyến cáo.