Tính chuyện tăng năng suất bắt đầu từ xây dựng chiến lược sản phẩm

Hạ Băng

Các chuyên gia năng suất, chất lượng lưu ý, để có thể từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đầu tiên doanh nghiệp cần triển khai xây dựng chiến lược sản phẩm.

Một số công cụ cải tiến năng suất, chất lượng điển hình doanh nghiệp có thể áp dụng là Lean, 6 Sigma... Ảnh: Internet
Một số công cụ cải tiến năng suất, chất lượng điển hình doanh nghiệp có thể áp dụng là Lean, 6 Sigma... Ảnh: Internet

Trong bối cảnh cạnh tranh trên thương trường ngày càng gay gắt, nâng cao năng suất, chất lượng được nhìn nhận là bài toán sống còn với các doanh nghiệp, không phân biệt lĩnh vực ngành nghề hay quy mô.

Các chuyên gia năng suất, chất lượng lưu ý, để có thể từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bước đầu tiên doanh nghiệp cần bắt tay triển khai là xây dựng chiến lược sản phẩm.

Chiến lược sản phẩm cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm và tầm nhìn của công ty về sản phẩm đó. Những điểm chính phải bao gồm khách hàng mục tiêu, thị trường, đối thủ cạnh tranh và mục tiêu kinh doanh. Chiến lược này đóng vai trò là lộ trình cho hành trình sản phẩm, từ công đoạn nguyên vật liệu thô đến khi bán ra thị trường.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là mỗi doanh nghiệp phải xem xét kỹ lưỡng đối thủ cạnh tranh của mình. Việc suy nghĩ về đối thủ cạnh tranh là một phần quan trọng trong việc phát triển sản phẩm của doanh nghiệp. Chẳng hạn: Họ đang làm gì mà doanh nghiệp thì không (và ngược lại)? Sản phẩm của họ hoạt động như thế nào? Điều gì mang lại hiệu quả cho họ và tại sao? Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp doanh nghiệp có vị thế tốt hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp tương tự trên thị trường.

Bước thứ ba được các chuyên gia đề cập là doanh nghiệp phải chú ý lắng nghe mức độ hài lòng khách hàng với chất lượng sản phẩm. Đây là phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thay đổi hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ của mình...

Nội dung quan trọng được các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh là các doanh nghiệp cần áp dụng ngay hệ thống quản lý chất lượng cũng như các công cụ cải tiến năng suất. Một số công cụ cải tiến điển hình doanh nghiệp có thể áp dụng là Lean, 6 Sigma...

Phương pháp sản xuất tinh gọn (Lean) tập trung vào việc tăng lợi nhuận bằng cách loại bỏ lãng phí trong mọi lĩnh vực của tổ chức. Ý tưởng là bằng cách loại bỏ những nguồn lực không cần thiết, các công ty có thể tạo ra những sản phẩm tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Các nhà lãnh đạo sử dụng phương pháp sản xuất tinh gọn để cải thiện chất lượng sản phẩm trước hết tập trung vào nhận thức của khách hàng về giá trị. Sau đó, họ sử dụng thông tin để ghi lại từng bước trong quy trình sản xuất và xem xét công ty đang hoạt động tốt ở đâu đồng thời cần cải thiện ở đâu.

Trong khi đó, 6 Sigma là phương pháp được các nhóm sản xuất áp dụng để tạo ra và duy trì quy trình dự án hiệu quả trong các tổ chức. Phương pháp này có thể áp dụng cho quy trình thiết kế và phát triển phần mềm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có thể áp dụng phương pháp này cho thiết kế sản phẩm vật lý.

6 Sigma bao gồm các giai đoạn xác định, thiết kế, đo lường, phân tích, cải tiến và kiểm tra quá trình phát triển sản phẩm, từ đó cung cấp cho nhà lãnh đạo một cấu trúc hiệu quả để tuân theo nhằm giảm thiểu lỗi, tăng chất lượng sản phẩm...