Tình hình kinh tế đầu tư và thu, chi NSNN 5 tháng đầu năm 2013

Theo Tổng Cục Thống kê

Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2013 ước tính đạt 17427 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 4024 tỷ đồng; vốn địa phương 13404 tỷ đồng. Tính chung năm tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 69103 tỷ đồng, bằng 34,5% kế hoạch năm và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2012, gồm có:

Vốn trung ương quản lý đạt 15331 tỷ đồng, bằng 32,4% kế hoạch năm và giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 2154 tỷ đồng, bằng 33,3% và giảm 18,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1368 tỷ đồng, bằng 30,9% và giảm 15,4%; Bộ Xây dựng 601 tỷ đồng, bằng 29,7% và giảm 2,7%; Bộ Y tế 275 tỷ đồng, bằng 31,2% và giảm 25,5%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 233 tỷ đồng, bằng 33,4% và giảm 25,8%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 187 tỷ đồng, bằng 36,6% và giảm 12,4%; Bộ Công Thương 123 tỷ đồng, bằng 39,3% và giảm 17,6%.

Vốn địa phương quản lý đạt 53772 tỷ đồng, bằng 35,1% kế hoạch năm và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2012. Vốn đầu tư thực hiện của một số địa phương như sau: Hà Nội đạt 7350 tỷ đồng, bằng 26,7% kế hoạch năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2012; thành phố Hồ Chí Minh đạt 5384 tỷ đồng, bằng 31,4% và tăng 5,5%; Vĩnh Phúc 1570 tỷ đồng, bằng 52,4% và tăng 17%; Đà Nẵng 1526 tỷ đồng, bằng 28,6% và giảm 41,4%; Thanh Hóa 1382 tỷ đồng, bằng 44,1% và giảm 2,2%; Bà Rịa-Vũng Tàu 1367 tỷ đồng, bằng 31% và tăng 3,9%.

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/5/2013 đạt 8517,1 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Vốn đăng ký của 398 dự án được cấp phép mới đạt 5091,3 triệu USD (giảm 17,9% số dự án và tăng 5,8% số vốn so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung của 160 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 3425,8 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm tháng đầu năm 2013 ước tính đạt 4,6 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong năm tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 7596,5 triệu USD, chiếm 89,2% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 387,4 triệu USD, chiếm 4,5%; các ngành còn lại đạt 533,2 triệu USD, chiếm 6,3%.

Cả nước có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong năm tháng, trong đó Thái Nguyên có số vốn đăng ký lớn nhất với 2017 triệu USD, chiếm 39,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Định 1009,5 triệu USD, chiếm 19,8%; Bình Dương 451,2 triệu USD, chiếm 8,9%; Đồng Nai 282,8 triệu USD, chiếm 5,6%; Vĩnh Phúc 256 triệu USD, chiếm 5%.

Trong số 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 2313,8 triệu USD, chiếm 45,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Liên bang Nga 1015,2 triệu USD, chiếm 19,9%; Nhật Bản 707 triệu USD, chiếm 13,9%; Thái Lan 298,4 triệu USD, chiếm 5,9%; Đài Loan 191,6 triệu USD, chiếm 3,8%...

Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/5/2013 ước tính đạt 268,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% dự toán năm, trong đó thu nội địa 178,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7%; thu từ dầu thô 42,7 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 46,1 nghìn tỷ đồng, bằng 27,7%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 54,2 nghìn tỷ đồng, bằng 31,1% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 41,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,5%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 38,9 nghìn tỷ đồng, bằng 32,3%; thu thuế thu nhập cá nhân 21 nghìn tỷ đồng, bằng 38,3%; thu thuế bảo vệ môi trường 4,2 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2%; thu phí, lệ phí 3,5 nghìn tỷ đồng, bằng 34,1%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/5/2013 ước tính đạt 335,6 nghìn tỷ đồng, bằng 34,3% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 62,1 nghìn tỷ đồng, bằng 35,5% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 60,5 nghìn tỷ đồng, bằng 35,6%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) ước tính đạt 235,2 nghìn tỷ đồng, bằng 34,9%; chi trả nợ và viện trợ 38,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,5%.