Tình hình kinh tế - tài chính thế giới tháng 7/2015
Kinh tế thế giới tháng 7/2015 đã cho thấy những dấu hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên, trong khi những rủi ro kinh tế vĩ mô (suy thoái, giảm phát, vấn đề Hy Lạp…) có phần giảm nhẹ thì rủi ro về tài chính (giá USD, các tài sản khác tăng mạnh, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm…) vẫn tăng cao.
Kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục sau khi tăng trưởng không mấy khả quan trong quý I/2015. Theo Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (30/6/2015), kinh tế Mỹ có thể hồi phục lên mức 2,5% trong quý II/2015 và thị trường lao động đang tiến sát mức toàn dụng. Hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục hồi phục, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tác của Mỹ tháng 6/2015 giảm nhẹ xuống còn 53,6 so với mức 54 trong tháng 5/2015. Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ mặc dù giảm xuống còn 54,8 trong tháng 6/2015 so với 56,2 của tháng 5/2015 nhưng vẫn ở mức cao.
Thị trường lao động Mỹ tiếp tục có nhiều cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống chỉ còn 5,3% trong tháng 6/2015 so với 5,5% trong tháng 5/2015 và là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Áp lực lạm phát tăng nhẹ trong những tháng gần đây nhưng vẫn ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 5/2015 và 0,3% trong tháng 6/2015.
Kinh tế khu vực châu Âu trong tháng 7/2015 cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan nhờ gói nới lỏng định lượng được ECB đưa ra trong tháng 1/2015 bắt đầu triển khai từ tháng 3/2015 đến tháng 9/2016 . PMI đạt mức cao kỷ lục trong 4 năm qua ở mức 54,2 điểm trong tháng 6 sau khi đã đạt mức 53,6; 53,9;54 điểm trong tháng 5,4,3/2015, báo hiệu một sự mở rộng tăng trưởng kinh tế bền vững hơn. Thương mại nội khối và ngoại khối đều tăng trưởng mạnh. Tình trạng giảm phát và thất nghiệp cũng có tín hiệu cải thiện hơn.
Kinh tế Nhật Bản trong tháng 7/2015 đón nhận một số thông tin đáng khích lệ. Theo bộ Tài chính nước này, GDP quý I/2015 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức ước tính trước đó là 2,4% và cao hơn so với dự báo trong khảo sát của hãng tin Bloomberg là 2,8%. Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tác sau khi liên tục sụt giảm trong 4 tháng đầu năm 2015 đã tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2015 .
Thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đạt mức 7,81 nghìn tỷ Yen (gần 65,2 tỷ USD) trong năm tài khóa 2014 (tính đến tháng 3/2015), tăng gấp gần 5 lần so với năm tài khóa 2013. Đây cũng là lần tăng đầu tiên của chỉ số kinh tế này trong vòng 4 năm qua. Tuy nhiên, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 13/7/2014, sản xuất công nghiệp của Nhật Bản tháng 5/2015 giảm 2,1% so với tháng trước.
Kinh tế Trung Quốc quý II/2015 tăng cao hơn so với dự báo song vẫn còn nhiều bất ổn. Kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 7% trong quý II/2015, không đổi so với quý I/2014 nhưng cao hơn dự báo tăng 6,8% của các nhà kinh tế học, doanh thu bán lẻ tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái . Chỉ số lạm phát của nước này đã tăng nhẹ lên 1,4% trong tháng 6/2015 so với mức 1,2% trong tháng 5/2015. Chỉ số PMI của Trung Quốc đạt 50,2 điểm trong tháng 6/2015, không thay đổi so với tháng 5/2015 .
Các biện pháp kích thích của Chính phủ, kể cả hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đang đe dọa gây ảnh hưởng xấu đến nỗ lực cắt giảm nợ, gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Nợ xấu trong quý I/2015 đã tăng cao kỷ lục lên 140 tỷ nhân dân tệ (23 tỷ USD) trong khi GDP tăng trưởng chậm lại. Riêng trong tháng 6/2015, các khoản vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm liên tục trong thời gian gần đây không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế nước này và tác động đến kinh tế thế giới. Chứng khoán Trung Quốc vẫn có nhiều phiên rơi thảm. Tính tại mức đỉnh hồi giữa tháng 6 (12/6/2015), chứng khoán Trung Quốc đã giảm tới 30%, thổi bay hơn 3 nghìn tỷ USD giá trị cổ phiếu trên TTCK. Lo ngại thị trường nước này đang trong thời kỳ tăng trưởng bong bóng và thị trường có thể sẽ còn tồi tệ hơn khi nhà đầu tư nhận ra rằng kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp, nên Chính phủ Trung quốc đã tung ra một số chính sách để can thiệp vào TTCK.
Gần 200 cổ phiếu đã tạm ngừng giao dịch sau khi đóng cửa phiên 6/7/2015, đưa tổng số cổ phiếu tạm ngừng giao dịch lên 745, chiếm 26% tổng số doanh nghiệp niêm yết trên các sàn chứng khoán Trung Quốc. Chỉ số Shenzhen Composite đã giảm 38% so với mức đỉnh hôm 12/6. Chứng khoán rớt giá nhanh thường là dấu hiệu của một nền kinh tế đang bị xáo trộn. Khi chứng khoán mất đà, cầu trong nước sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Điều này có thể khiến cỗ máy tăng trưởng của toàn cầu trong thập kỷ qua gặp trục trặc.
Tại Nga, chỉ số PMI của nước này trong tháng 6/2015 đạt 48,7 điểm tăng so với 47,6 điểm của tháng 5/2015, nhưng chỉ số này dưới 50 cho thấy ngành chế biến chế tạo vẫn đang trong suy thoái. Trong đó, sản lượng đầu ra, lao động và các đơn đặt hàng mới đều giảm, giá cả hàng hóa vẫn tiếp tục tăng.
Tại Ấn Độ, tình hình sản xuất của nước này trong tháng 6 đã có cải thiện so với tháng 5/2015, tuy sản lượng đầu ra có dấu hiệu sụt giảm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, nhưng đơn đạt hàng xuất khẩu có dấu hiệu tăng trở lại. Chỉ số PMI tháng 6/2015 đạt 51,3 điểm giảm so với 52,6 điểm trong tháng 5/2015.
Tại Braxin, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục suy thoái trong tháng 6. Số lượng việc làm tiếp tục bị cắt giảm, sản lượng đầu ra và đơn đặt hàng giảm liên tục trong nhiều tháng. Chỉ số PMI của nước này đạt 46,5 điểm trong tháng 6/2015 tăng so với mức 45,9 điểm của tháng 5/2015, tuy nhiên chỉ số này dưới 50 điểm cho thấy sự thu hẹp sản xuất.
Đối với các lĩnh vực cụ thể, tăng trưởng sản lượng toàn cầu vẫn tiếp tục đứng ở mức cao mặc dù có dấu hiệu chững lại trong tháng 6 và tháng 7 do sản lượng ở các nền kinh tế đang nổi giảm sút. Tốc độ tăng trưởng của cả 2 ngành dịch vụ và sản xuất đều giữ được nhịp độ tăng. Chỉ số PMI toàn cầu tổng hợp của JP Morgan cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2015, chỉ số này đạt mức trung bình trên 53 điểm. Cụ thể PMI tổng hợp toàn cầu đạt 53,1 điểm trong tháng 6/2015 và 53,6 điểm trong tháng 5/2015.
Trong đó, điểm sáng của 6 tháng đầu năm 2015 là sản lượng đầu ra vẫn có tốc độ tăng ổn định. Mỹ và Anh tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng sản lượng toàn cầu trong 7 tháng đầu năm. Khu vực đồng Euro đang trên đà phục hồi tăng trưởng sản lượng trong 2 tháng gần đây. Trong đó, Ai len vẫn tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của khu vực này. Ý , Pháp, Đức và Tây Ban Nha tiếp tục có tốc độ tăng trưởng ổn định trong vòng 5 tháng trở lại đây.
Trong khi đó, tăng trưởng sản lượng khu vực châu Á lại chứng kiến tốc độ sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu giảm sút tại Ấn Độ và Trung Quốc, Braxin tiếp tục chìm trong suy giảm khi mà tốc độ tăng trưởng sản lượng đang ở mức thấp nhất kể từ 2009 đến nay.
Trên thị trường tài chính tiền tệ, tỷ giá các đồng tiền chính trên thế giới biến động mạnh. Đồng USD sau khi đã tăng giá mạnh so với các đồng tiền chính trên thế giới trong quý I/2015 do kinh tế Mỹ phục hồi mạnh đã giảm giá trong quý II. Chỉ số USD index đã tăng lên mức kỷ lục 100 điểm trong tháng 3 đã giảm xuống còn 95 điểm cuối tháng 5 và phục hồi khoảng 97 điểm cuối tháng 7/2015. Tỷ giá EUR/USD liên tục thay đổi.
Trong quý I/2015, cặp tỷ giá này liên tục trong xu thế giảm do đồng EUR mất giá mạnh so với đồng USD sau khi gói QE của châu Âu được tung ra. Vào thời điểm 13/3/2015, 1 EUR chỉ đổi được 1,04 USD so với 1,6 USD vào năm 2008 và 1,32 USD vào thời điểm tháng 3/2014. Từ tháng 4, đồng EUR bắt đầu theo chiều hướng tăng giá liên tục so với đồng USD do kinh tế châu Âu phục hồi khả quan. 1 EUR đổi được khoảng 1,15 USD vào thời điểm giữa tháng 6/2015.
Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày cuối tháng 6, trước những thông tin xấu về nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế Hy Lạp đã khiến đồng EUR tiếp tục giảm. Cụ thể, đồng EUR giảm hơn 1% chỉ trong 4 ngày từ 25-29/6. Tính đến 20/7, 1 EUR lại chỉ đổi được 1,08 USD. Trái lại, cặp tỷ giá USD/JPY liên tục tăng giá trong 7 tháng đầu năm 2015 do chính sách giảm giá đồng Yên nhằm đối phó với tình trạng giảm phát của Nhật Bản. 1 USD ở thời điểm hiện nay đổi được 127 Yên Nhật Bản so với 107 Yên Nhật Bản vào thời điểm cuối năm 2014.
Giá cả hàng hóa thế giới giảm 1,6% trong tháng 6/2015, đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm trong 3 tháng trở lại đây do những rủi ro kinh tế vĩ mô tại Hy Lạp và Trung Quốc. Giá các mặt hàng nông sản tăng nhẹ do nguồn cung yếu. Trong suốt 6 tháng đầu năm (14/12/2014-15/6/2015) giá cả hàng hóa thế giới đã giảm 5,8% và chỉ số giá kim loại và thực phẩm giảm mạnh nhất với mức giảm 10%.
Đối với lĩnh vực đầu tư, chi phí đi vay tăng lên ở Đức và Mỹ đang khiến cho dòng vốn đầu tư trên thị trường cổ phiếu ồ ạt bị rút ra khỏi các nước đang phát triển. Chỉ số MSCI Emerging Markets Index đo lường diễn biến của các thị trường mới nổi đã giảm 12 phiên liên tiếp cho tới ngày 9/6/2015, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1990. Trong 7 ngày kết thúc vào ngày 10/6 vừa qua, các quỹ đã bị rút ra tổng cộng 9,2 tỷ USD, trong đó có 6,8 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. Kể từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư đã rút tổng cộng 26 tỷ USD khỏi các quỹ thị trường mới nổi, vượt qua mốc 24 tỷ USD của cả năm 2014.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu khởi sắc hơn trong nửa đầu năm 2015 sau sụt giảm trong năm 2014 (xuống 1.230 tỷ USD so với 1.470 tỷ USD năm 2013). Giá trị M&A (ròng) xuyên quốc gia trong bốn tháng đầu năm 2015 tăng gần bốn lần so với cùng kỳ năm 2014 và là mức cao nhất kể từ sau năm 2007. Sự gia tăng của dòng vốn FDI dưới dạng M&A cũng phản ánh việc dòng vốn FDI vào các nước phát triển tăng lên. Trong khi đó, các công ty đa quốc gia (MNEs) từ các nền kinh tế đang phát triển và đang chuyển đổi tiếp tục tăng cường mua lại tài sản tại các nền kinh tế phát triển, khẳng định vị trí của họ trong hoạt động M&A xuyên quốc gia.