Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina. Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.
Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, ngày 08/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Triển khai các Nghị quyết trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Sự kiện SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch, văn hoá sôi động hơn, tạo cú hích cho phục hồi kinh tế.
Trên cơ sở đó, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch COVID-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022 như sau:
Tổng sản phẩm trong nước: (GDP) quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021[2]. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70% (đóng góp 48,33%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với mức tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60% (đóng góp 46,60%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,13%.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 vẫn giữ mức tăng khá trong bối cảnh ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ đầu quý II/2022 và giá vật tư đầu vào tăng cao. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định; hoạt động khai thác và tiêu thụ gỗ có nhiều khởi sắc; nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tốt do nhu cầu tiêu dùng và giá xuất khẩu tăng. Tuy nhiên sản lượng thủy sản khai thác biển giảm do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ. Sản lượng lúa đông xuân giảm do chuyển đổi diện tích đất trồng lúa và thời tiết không thuận lợi.
Nông nghiệp
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay đạt 2.992 nghìn ha, bằng 99,5% vụ đông xuân năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc đạt 1.077,8 nghìn ha, bằng 99,2%; các địa phương phía Nam đạt 1.914,2 nghìn ha, bằng 99,7%. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của cả nước ước đạt 66,7 tạ/ha, giảm 1,9 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước.
Tính đến trung tuần tháng 6, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.829,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.442,9 nghìn ha, bằng 99,8%. Đến nay có 174,4 nghìn ha diện tích lúa hè thu sớm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch, chiếm 12,1% diện tích xuống giống.
Đến giữa tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 551 nghìn ha ngô, bằng 97,5% cùng kỳ năm trước; 60,7 nghìn ha khoai lang, bằng 88,6%; 16,8 nghìn ha đậu tương, bằng 87,6%; 129,8 nghìn ha lạc, bằng 98,4%; 740,7 nghìn ha rau, đậu, bằng 100,4%.
Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm 6 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước: Chè búp đạt 514,2 nghìn tấn, tăng 2,8%; cao su đạt 404,2 nghìn tấn, tăng 3,5%; hồ tiêu đạt 280,5 nghìn tấn, tăng 3,4%. Sản lượng một số cây ăn quả: Xoài đạt 590,6 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước; cam đạt 490,8 nghìn tấn, tăng 15,1%; bưởi đạt 282,8 nghìn tấn, tăng 6,2%; nhãn đạt 183,9 nghìn tấn, tăng 1,5%; vải đạt 170 nghìn tấn, tăng 7,4%. Riêng sản lượng điều và thanh long giảm so với cùng kỳ năm trước, điều đạt 321,9 nghìn tấn, giảm 16,5% do ảnh hưởng của mưa trái mùa trong thời gian ra hoa làm bông điều bị hỏng không kết trái; thanh long đạt 606,8 nghìn tấn, giảm 7,4% do giá bán thanh long giảm nên nông dân giảm diện tích trồng.
Chăn nuôi trâu, bò trong 6 tháng đầu năm 2022 bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại trong hai tháng đầu năm. Chăn nuôi lợn và gia cầm hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao, đặc biệt đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.
Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung 6 tháng ước đạt 119,4 nghìn ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 47 triệu cây, tăng 6%; sản lượng củi khai thác đạt 9,5 triệu ste, tăng 0,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 8.488,2 nghìn m3, tăng 5,9%. Hoạt động khai thác gỗ 6 tháng đầu năm 2022 tăng chủ yếu do nhu cầu sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ tăng cao. Bên cạnh đó giá xăng dầu leo cao, chi phí vận chuyển lớn nên các doanh nghiệp chế biến gỗ đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước từ đó thúc đẩy hoạt động khai thác gỗ phát triển.
Diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước 6 tháng đầu năm là 588 ha, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy 27,7 ha, giảm 88,1%; diện tích rừng bị phá 560,3 ha, tăng 2%.
Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4.196,8 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2022 đạt 2.333,3 nghìn tấn, tăng 2,9%), bao gồm: Cá đạt 3.044,4 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 520 nghìn tấn, tăng 9,4%; thủy sản khác đạt 632,4 nghìn tấn, tăng 1,2%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đầu năm ước đạt 2.267,7 nghìn tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2022 đạt 1.279,7 nghìn tấn, tăng 9,2%), bao gồm: Cá đạt 1.552,8 nghìn tấn, tăng 6,5%; tôm đạt 448,4 nghìn tấn, tăng 11,3%; thủy sản khác đạt 266,5 nghìn tấn, tăng 5,8%. Sản lượng cá tra đạt 772,5 nghìn tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 299,7 nghìn tấn, tăng 16,3%; sản lượng tôm sú đạt 117,9 nghìn tấn, tăng 2,5%.
Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm ước đạt 1.929,1 nghìn tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.491,6 nghìn tấn, giảm 2,9%; tôm đạt 71,6 nghìn tấn, giảm 1,2%; thủy sản khác đạt 365,9 nghìn tấn, giảm 1,8%.
Sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước[3]. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước (quý II tăng 9,87%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,51%; ngành khai khoáng tăng 2,28%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2022 tăng 6,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 29,5%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78% (cùng kỳ năm trước là 92%).
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp (lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp). Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 với 85,0% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý II/2022.