Tình hình tài chính của doanh nghiệp nhà nước: Có lãi nhưng nợ rất cao

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Báo cáo của Bộ Tài chính trình Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước (DNNN) cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) có tổng số nợ phải trả là 1.514.915 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012.

Việc áp dụng kỷ luật thị trường để tạo ra những chuyển biến thực chất trong việc tái cơ cấu DNNN là điều hết sức cần thiết. Nguồn: hanoimoi.com.vn
Việc áp dụng kỷ luật thị trường để tạo ra những chuyển biến thực chất trong việc tái cơ cấu DNNN là điều hết sức cần thiết. Nguồn: hanoimoi.com.vn
Trong đó, 41 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Thời hạn sắp xếp, đổi mới 432 DNNN từ nay đến năm 2015 đang tới gần. Với tình hình tài chính còn tồn tại nhiều bất cập hiện nay, việc tái cơ cấu (TCC) khối DNNN rất khó thực hiện đúng kế hoạch.

Việc áp dụng kỷ luật thị trường để tạo ra những chuyển biến thực chất trong việc tái cơ cấu DNNN là điều hết sức cần thiết. Ảnh: Viết Thành
Việc áp dụng kỷ luật thị trường để tạo ra những chuyển biến thực chất trong việc tái cơ cấu DNNN là điều hết sức cần thiết. Ảnh: Viết Thành

Ngập trong nợ nần dù lợi nhuận tăng 15%

Theo Bộ Tài chính, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2013, cả nước có 796 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó, có 8 tập đoàn kinh tế, 100 TCT Nhà nước, 25 công ty TNHH một thành viên mô hình mẹ - con, 309 công ty TNHH một thành viên độc lập công ích và 354 công ty TNHH một thành viên độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại. Tổng tài sản của các DN theo báo cáo hợp nhất trong năm 2013 là 2.869.120 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế của các DNNN đạt 181.530 tỷ đồng, tăng 15% so với 2012. Trong đó, khối TĐ đạt 137.648 tỷ đồng, tăng 14% và chiếm 76% tổng lợi nhuận trước thuế của DN cả nước. Khối TCT đạt 30.669 tỷ đồng, tăng 35%.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy các DNNN đang hoạt động chủ yếu bằng vốn vay. Cụ thể, tổng số nợ phải trả của các TĐ, TCT năm 2013 là 1.514.915 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,45 lần. Trong đó, 41 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Tăng nhiều nhất trong số nợ phải trả của DN là nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng với 489.260 tỷ đồng, tăng 12,3%. Các DN nợ tương đối lớn là EVN: 78.583 tỷ đồng, Vinacomin: 49.566 tỷ đồng… Các TĐ, TCT cũng đang nợ nước ngoài 325.936 tỷ đồng. Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ là 125.061 tỷ đồng; vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 122.543 tỷ đồng, còn lại là tự vay, tự trả.

Mặc dù tổng tài sản của khối DNNN là 2.639.916 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2012 song tỷ trọng đầu tư tài chính dài hạn/tổng tài sản chỉ ở mức 7,1%. Nhưng, các TĐ, TCT lại có tổng nợ phải thu là 298.645 tỷ đồng, trong đó, nợ khó đòi là 10.329 tỷ đồng, tăng 15,8%. Một số đơn vị có tỷ lệ nợ phải thu ở mức cao (trên 50%) như Công ty mẹ của: TCT XD CTGT8, nợ phải thu 1.054,489 tỷ đồng, bằng 73%; TCT XD Trường Sơn 1.123,542 tỷ đồng, bằng 64,7%; TCT XD Thăng Long 1.037,583 tỷ đồng, bằng 58,4%…

Áp dụng kỷ luật thị trường tái cơ cấu DNNN

Những yếu, kém của khối DNNN hiện nay chủ yếu nằm ở việc khu vực Nhà nước đang tham gia vào quá nhiều hoạt động, dự án khác nhau, ở nhiều lĩnh vực nhưng không mang lại hiệu quả, trong khi hệ số nợ của khối này vẫn ở mức quá cao. 

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là kiên quyết sắp xếp lại 432 DNNN trong thời gian từ nay đến năm 2015, áp lực với khối DN này không hề nhỏ bởi còn quá nhiều tồn tại liên quan đến vấn đề tài chính và quản trị DN. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc không rõ ràng giữa nhiệm vụ DN và nhiệm vụ chính trị nhiều năm qua là cái cớ để một số DNNN chậm đổi mới, cải tổ. Trách nhiệm chính trị mà một số DNNN vẫn nói đến thực chất là nhiệm vụ xã hội về thực hiện chính sách. Cần tách bạch rõ hai nhiệm vụ này để tính toán một cách rõ ràng mới có thể khắc phục phần nào bất cập hiện nay. 

Tại "Diễn đàn Kinh tế mùa thu" diễn ra mới đây, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Sở dĩ việc TCC nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu DNNN nói riêng còn chậm là do hậu quả của mô hình tăng trưởng cũ, của hệ thống thể chế cũ quá nặng nề nên chúng ta phải trả giá bằng sự suy yếu nghiêm trọng, kéo dài của nền kinh tế và cả DN. Từ quyết tâm cổ phần hóa tại Bộ GTVT, nếu từ nay đến cuối năm, DNNN nào không cổ phần hóa thì người đứng đầu DN đó phải rời khỏi vị trí, TS Trần Đình Thiên cho rằng cần gắn trách nhiệm cá nhân trong việc triển khai các quyết định của Nhà nước mới có thể tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, phải áp đặt kỷ luật thị trường để tạo ra những chuyển biến thực chất hơn trong TCC DNNN. Để thực hiện, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, để giải quyết nợ xây dựng cơ bản và nợ của DNNN, cần tìm nguồn để trả như bán cổ phần của các DNNN tại Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giải phóng gánh nặng cho các tổ chức tín dụng đi đôi với việc xử lý lãnh đạo DN đã gây ra nợ xấu...