Tình huống đặc biệt và hành động của Chính phủ
Việc Chính phủ được phép “áp dụng cơ chế đặc biệt” trong phòng chống dịch cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong “cuộc chiến” chống COVID-19.
Ngày 28/7/2021, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết trao thêm quyền lực và nguồn lực để chính phủ chủ động và mạnh mẽ hơn trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Quyết định của Quốc hội không chỉ chuyển đi thông điệp về tình huống đặc biệt mà còn đặt Chính phủ trước những đòi hỏi nỗ lực và sáng tạo cao nhất để có thể hoàn thành trách nhiệm chính trị trước nhân dân.
Chính phủ trong đại dịch
Từ tháng 6/2021, đại dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước có những diễn biến mới hết sức phức tạp. Sau Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm nóng đáng lo ngại nhất với số trường hợp F0 ngày càng tăng. Ở mức độ thấp hơn nhưng một số tỉnh phía Nam và Hà Nội cũng đứng trước nguy cơ dịch bệnh có thể lan rộng bất kỳ lúc nào.
Nguyên nhân căn bản của tình trạng hiện nay là do virus cúm đã xuất hiện ngoài cộng đồng với những biến chủng mới. Thực tế này đã giảm thiểu khả năng chủ động kiểm soát của chính quyền thông qua các biện pháp truyền thống như: “truy vết”, “khoanh vùng”, và “cách ly” để dập dịch. Với những gì đang diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 24/7, Hà Nội đã chủ động thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm đặt dịch bệnh trong khả năng kiểm soát trong khi đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccin.
Nghị quyết mới đây của Quốc hội đã gia tăng quyền lực cho Chính phủ trong tình huống bất thường, kéo dài đến hết ngày 31/12/2022. Theo đó, Chính phủ không chỉ được chủ động can thiệp với những cơ chế và phương tiện truyền thống, mà còn có thể “thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành” nhằm ứng phó kịp thời với những tình huống khẩn cấp.
Về tài chính, Quốc hội cho phép “chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021”. Chính phủ cũng được phép “áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất…Mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp”.
Điều này có nghĩa Chính phủ không những có thêm nguồn lực tài chính dồi dào hơn mà còn có thể sử dụng theo cơ chế “ngoại lệ” gắn với tình huống đặc biệt.
Những thách thức đòi hỏi nỗ lực và sáng tạo
Nghị quyết của Quốc hội đã đặt Chính phủ đứng trước trách nhiệm chính trị hết sức nặng nề: Kiểm soát tình hình, tiến tới đẩy lui dịch bệnh trong khi vẫn phải bảo đảm phát triển kinh tế và giữ vững ổn định chính trị, xã hội, an ninh và quốc phòng. Đây là những thách thức sẽ tạo áp lực rất lớn đến hệ thống chính quyền các cấp. Cũng từ đó xuất hiện một số vấn đề cần quan tâm đặc biệt.
Thứ nhất, dịch bệnh đã có những diễn biến mới, khác hoàn toàn so với tình hình năm 2020 và quý 1 năm 2021. Chiến lược “mục tiêu kép” cần được xem xét thực hiện linh hoạt theo từng địa phương. Thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nếu để dịch bệnh bùng phát thì không chỉ mọi hoạt động kinh tế cũng sẽ bị đình trệ, mà còn đẩy chính quyền vào thế bị động, can thiệp chạy sau dịch bệnh. Vì thế, cùng với việc thực hiện “mục tiêu kép”, các địa phương cần bám sát tình hình dịch bệnh và chủ động can thiệp, chấp nhận những thiệt hại kinh tế trước mắt để bảo vệ lợi ích lâu dài và bền vững.
Thứ hai, về nguyên tắc, trong khi sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền là cần thiết thì cũng phải cảnh giác với nguy cơ lạm quyền do áp lực bởi phòng chống dịch bệnh trong thời gian dài.
Nguy cơ này cũng dễ xảy ra hơn với việc Chính phủ được áp dụng những biện pháp đặc biệt trong tình huống bất thường. Một số vụ việc mua sắm thiết bị tùy tiện hay ban hành những quy định hành chính vội vàng, gây ra những bức xúc nhỏ lẻ trong thời gian qua là minh chứng cho sự cần thiết phải quan tâm đến nguy cơ lạm quyền.
Thứ ba, với các ổ dịch ngoài cộng đồng và số ca F0 có thể tăng nhanh thì các biện pháp truy vết, khoanh vùng, và cách ly tập trung sẽ sớm bất cập. Do đó, các phương án “đón lõng” dịch bệnh cần được chuẩn bị chu đáo. Cụ thể hơn là các kế hoạch phân loại F0 và cách ly F1, F2…để có phương án điều trị và phòng ngừa hợp lý. Cùng với đó là sự sẵn sàng về cơ sở vật chất và nhân lực chuyên môn, cả công và tư, để có thể ứng phó kịp thời và trong thời gian dài với tình huống dịch bệnh lan rộng bất thường.
Hành động của Chính phủ
Làn sóng Covid-19 với những biến chủng mới đã tấn công nhiều quốc gia châu Á với những hậu quả nặng nề, điển hình là Ấn Độ và Indonesia thời gian gần đây.
Vì thế, chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không để tình huống tương tự diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Tình hình gần đây cho thấy, thay vì chỉ hệ thống công quyền gồng mình ứng phó dịch bệnh, chúng ta cần nhanh chóng chuyển sang phương châm “chính quyền và nhân dân” cùng phòng chống đại dịch. Phương châm này cũng thể hiện rõ trong Nghị quyết mới đây của Quốc hội khi cho phép chính phủ “huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch Covid-19”.
Để tạo nên sức mạnh tổng hợp, Chính phủ nên quan tâm một số nguyên tắc và hành động sau đây:
Tập trung quyền lực là cơ sở bảo đảm cho sự nhất quán và hiệu lực, hiệu quả của hành động tập thể trong tình huống bất thường. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục đề cao vai trò của chính quyền địa phương, chính quyền trung ương cần kiểm soát chặt chẽ hơn các hành động can thiệp ở mọi cấp độ. Sự kiểm soát của chính quyền trung ương cũng là điều kiện cần thiết để linh hoạt thực hiện các ưu tiên chính sách gắn với tình hình cụ thể ở mỗi địa phương hay vùng và khu vực.
Cộng đồng xã hội vốn là một cấu trúc tổng thể với nhiều thành tố hợp thành, vận hành theo những quy luật khách quan. Sự can thiệp mạnh của chính quyền các cấp trong tình huống bất thường sẽ có thể gây xáo trộn, thậm chí rối loạn cấu trúc xã hội.
Do đó, tất cả các phương án can thiệp cần được thảo luận thấu đáo, với sự tham gia của giới chuyên môn về pháp lý, hành chính, kinh tế, và tâm lý - xã hội học. Mọi sự can thiệp phải bảo đảm duy trì và vun đắp niềm tin cho nhân dân vào nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Để đạt được mục tiêu đó, hành động của chính quyền các cấp phải tuân thủ nguyên tắc giá trị tập thể, lợi ích tập thể. Cần phải dứt khoát loại bỏ mọi tư duy, tính toán cho sự an toàn của địa phương hay tổ chức riêng lẻ.
Sự chung tay, chia sẻ trách nhiệm và nguồn lực giữa các chủ thể là điều kiện cần có để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Vì thế, bên cạnh hệ thống công quyền và y tế công, chính quyền các địa phương cần tích cực, chủ động, và thiện chí hơn nữa trong việc huy động các nguồn lực từ các chủ thể ngoài nhà nước (doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân). Hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ nhân sự ngoài nhà nước được huy động cần phải được ưu tiên chuẩn bị sẵn sàng để tham gia hành động khi tình huống bất thường xảy ra với địa phương.
Chính quyền các cấp cần nâng cấp bộ phận quản lý thông tin trong thời gian áp dụng cơ chế đặc biệt để giảm thiểu nguy cơ rối loạn tư tưởng và xã hội.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc những chủ thể tung tin giả, bộ phận quản lý thông tin cần tích cực sử dụng và theo dõi mọi kênh giao tiếp, đặc biệt là các mạng xã hội, để sớm nắm bắt những vấn đề nổi cộm. Công khai, minh bạch, và nhanh chóng xử lý vấn đề phát sinh là cách thức tốt nhất để bảo vệ lòng tin của nhân dân vào chính quyền trong quá trình ứng phó tình huống dịch bệnh bất thường.